Trường Đại học Nha Trang vừa tổ chức vòng chung kết cuộc thi Ý tưởng khởi nghiệp năm 2022, với 6 dự án tham gia. Đây là sân chơi nhằm tạo điều kiện cho sinh viên trải nghiệm, bước đầu hiện thực hóa các ý tưởng về khởi nghiệp.
Trường Đại học Nha Trang vừa tổ chức vòng chung kết cuộc thi Ý tưởng khởi nghiệp năm 2022, với 6 dự án tham gia. Đây là sân chơi nhằm tạo điều kiện cho sinh viên trải nghiệm, bước đầu hiện thực hóa các ý tưởng về khởi nghiệp.
Những ý tưởng khởi nghiệp
Cuộc thi được phát động từ tháng 6-2022 với chủ đề “Giải pháp khôi phục kinh tế, xã hội hậu Covid”, thu hút 20 dự án tham gia. Sau 2 vòng sơ khảo và bán kết, Ban tổ chức lựa chọn 6 dự án xuất sắc tham dự vòng chung kết. Tại đây, các đội thi thuyết trình về sản phẩm, trả lời câu hỏi của Ban giám khảo về ý nghĩa, tính khả thi và tiềm năng của dự án khởi nghiệp.
Từ mong muốn gửi đi những thông điệp về bảo vệ môi trường, bảo vệ động vật, những lời nhắn nhủ yêu thương… đến gia đình, bạn bè và mọi người, sinh viên Lê Châu Đông Ngân - ngành Thông tin quản lý, Khoa Công nghệ thông tin và các thành viên trong nhóm đã có ý tưởng thiết kế, làm mới những chiếc ô giấy, ô vải. Bằng sự đam mê, khéo léo và tỉ mỉ, nhóm đã tự vẽ, trang trí những hình ảnh mới lạ, đẹp mắt, có tính sáng tạo trên những chiếc ô theo nhiều chủ đề khác nhau. Ngân cho biết, đối tượng khách hàng mà nhóm hướng đến là các quán cà phê, quán ăn, nhà hàng, điểm du lịch… cần trang trí, trưng bày. Để quảng bá sản phẩm và tiếp tục khảo sát phản ứng, nhu cầu của khách hàng, nhóm tạo một fanpage, viết blog thông qua các kênh truyền thông, mạng xã hội, tổ chức các mini game, chương trình khuyến mãi, các buổi triển lãm…
Sinh viên Trần Đắc Uyên - ngành Công nghệ thực phẩm và các thành viên trong nhóm mang đến cuộc thi dự án Tôm càng xanh kho tàu trong nồi đất. Qua tìm hiểu, Uyên được biết có một nhóm khách hàng có nhu cầu sử dụng các sản phẩm chế biến sẵn từ tôm càng xanh để phục vụ cho những chuyến đi phượt dài ngày. Vì vậy, nhóm đã đưa ra ý tưởng phát triển sản phẩm được chế biến sẵn từ tôm càng xanh mang bản sắc đặc trưng của văn hóa ẩm thực miền Tây quê hương mình. Sau khi kho, tôm được sấy hồng ngoại và đóng gói hút chân không, tiện lợi khi sử dụng.
Tại cuộc thi, sinh viên Phạm Văn Sơn - ngành Công nghệ hóa học cùng với nhóm đã nghiên cứu và mang đến sản phẩm Kem đánh răng Nha Bình. Sơn cho biết, sản lượng rong nho của tỉnh rất lớn; tuy nhiên, các phụ phẩm chưa được tận dụng tối đa. Vì thế, nhóm đã nghiên cứu, sử dụng phụ phẩm của rong nho kết hợp với các nguyên liệu khác có tại địa phương, như: Bột bùn khoáng, cỏ ngọt, tinh dầu... với mong muốn tạo nên sản phẩm kem đánh răng an toàn, có thể sử dụng cho mọi đối tượng.
Còn dự án Kẹo thảo mộc ổn định huyết áp BCC của sinh viên Nguyễn Thị Ngọc Lời - ngành Công nghệ thực phẩm và các thành viên trong nhóm lại hướng đến đối tượng khách hàng là người lớn tuổi, sử dụng nguyên liệu chính là bưởi thu mua tại huyện Khánh Vĩnh, có chứng nhận VietGAP. Qua sử dụng công thức phối chế loại bỏ vị đắng của bưởi và kết hợp với các nguyên liệu như: Gừng, táo, củ dền, mật ong, đường ăn kiêng, nhóm đã tạo nên sản phẩm. Ngọc Lời cho biết: “Chúng em đã khảo sát 25 khách hàng sử dụng trong vòng 35 ngày. Kết quả, 20 khách hàng có chỉ số huyết áp cao từ 150mmHg giảm còn 110mmHg. Trong thời gian tới, nhóm sẽ tiếp tục nghiên cứu và khảo sát phản hồi của khách hàng để điều chỉnh cho phù hợp, sản xuất quy mô mở rộng hơn. Đồng thời, sản xuất thêm một số loại kẹo như: Kẹo dẻo thảo mộc dành cho trẻ em, mứt vỏ bưởi trị ho… cho các nhóm khách hàng khác”.
Cần cải tiến chương trình giáo dục để sinh viên phát huy sở trường
Đây là năm thứ 4 Trường Đại học Nha Trang tổ chức cuộc thi Ý tưởng khởi nghiệp dành cho sinh viên. Theo đánh giá của Ban tổ chức, các nhóm đã có sự chuẩn kỹ khá kỹ lưỡng, ý tưởng rõ ràng, sản phẩm chú ý đến nguồn nguyên liệu địa phương, thân thiện với môi trường. Tại cuộc thi, các dự án đã được Ban giám khảo góp ý về xác định phân khúc khách hàng, phát triển kênh phân phối, cách truyền thông, quảng bá, tiếp cận người tiêu dùng, đưa ra những lời khuyên hữu ích và lường trước những khó khăn khi phát triển sản phẩm...
Theo Phó Giáo sư - Tiến sĩ Ngô Đăng Nghĩa, nguyên Viện trưởng Viện Công nghệ Sinh học và Môi trường Trường Đại học Nha Trang, Trưởng Ban giám khảo cuộc thi, trước đây, đối tượng tham gia cuộc thi chủ yếu là sinh viên năm cuối thì nay sinh viên năm thứ nhất đã có thể tham gia. Đề tài các em chọn xuất phát từ nhu cầu cuộc sống. Ngoài dự án về công nghệ kỹ thuật, sinh viên cũng chú ý đến vấn đề về văn hóa nghệ thuật, môi trường. Các em đã cố gắng tìm hiểu nhu cầu của thị trường và phát triển ý tưởng một cách đa dạng. Tuy nhiên, muốn khởi nghiệp thành công cần phải có những đột phá về công nghệ, sự kiên trì theo đuổi; đồng thời phải giải quyết được bài toán kinh tế, tạo uy tín cho thương hiệu… Để tạo tiền đề cho sinh viên khởi nghiệp, việc cần thiết hiện nay là phải có lộ trình để cải tiến chương trình giáo dục, giảm tải kiến thức hàn lâm để sinh viên phát huy sở trường, năng khiếu, giúp các em tiếp cận đời sống tốt hơn.
Giải nhất cuộc thi (trị giá 25 triệu đồng) được trao cho dự án Ô tranh; giải nhì (15 triệu đồng) thuộc về dự án Tôm càng xanh kho tàu trong nồi đất; giải ba (5 triệu đồng) là dự án Kẹo thảo mộc ổn định huyết áp BCC và Kem đánh răng Nha Bình. Ngoài ra, Ban tổ chức trao giải khuyến khích cho dự án Rong nho cháy tỏi và Nông trại sạch khép kín; trao giải nhất bình chọn online cho dự án Kem đánh răng Nha Bình. |
H.NGÂN