08:12, 12/12/2022

Hội Khoa học Tâm lý - Giáo dục tỉnh Khánh Hòa: Đồng hành với ngành giáo dục

Thời gian qua, Hội Khoa học Tâm lý - Giáo dục tỉnh Khánh Hòa đã có nhiều hoạt động thiết thực, tích cực đồng hành với ngành giáo dục, góp phần vào công tác khoa học và phát triển xã hội của tỉnh.

Thời gian qua, Hội Khoa học Tâm lý - Giáo dục tỉnh đã có nhiều hoạt động thiết thực, tích cực đồng hành với ngành giáo dục, góp phần vào công tác khoa học và phát triển xã hội của tỉnh.


Nhiều hoạt động thiết thực


Ông Nguyễn Huy Thông - Phó Chủ tịch Hội Khoa học Tâm lý - Giáo dục tỉnh cho biết, những năm qua, công tác nghiên cứu, ứng dụng khoa học tâm lý - giáo dục được hội quan tâm, Hội Khoa học Tâm lý - Giáo dục Việt Nam đánh giá cao. 5 năm gần đây, hội đã tham gia 5 hội thảo do Hội Khoa học Tâm lý - Giáo dục Việt Nam tổ chức theo hình thức trực tiếp và trực tuyến, trong đó có 2 lần phối hợp với Trung ương hội tổ chức tại Nha Trang. Cụ thể, năm 2018, hội phối hợp tổ chức hội thảo với chủ đề “Triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới: Thách thức và giải pháp nhìn từ góc độ tâm lý học - giáo dục học”. Năm 2022, hội phối hợp tổ chức hội thảo về “Thực trạng chất lượng, hiệu quả triển khai đại trà chương trình và sách giáo khoa mới (2018) cấp tiểu học và THCS trong 2 năm dưới góc nhìn tâm lý học - giáo dục học”. Chủ đề của các hội thảo mang tính thời sự, bám sát những nội dung được Bộ Giáo dục và Đào tạo triển khai, được xã hội, phụ huynh quan tâm.

 

Học sinh Trường THPT Lê Thánh Tôn hưởng ứng phong trào đọc sách.

Học sinh Trường THPT Lê Thánh Tôn hưởng ứng phong trào đọc sách.


5 năm qua, các hội viên của hội đã có hơn 500 bài viết, tham luận tham gia các hội thảo, trong đó có nhiều bài được triển khai trong đời sống và công tác giáo dục tại địa phương, góp phần tạo chuyển biến trong phong trào nghiên cứu, áp dụng kinh nghiệm khoa học tâm lý - giáo dục vào hoạt động dạy học, giáo dục đạo đức trong nhà trường. Số bài được đăng trong kỷ yếu toàn quốc cũng tăng dần hàng năm. Năm 2018, hội chỉ có 3 bài được đăng/tổng số 56 bài của kỷ yếu, đến năm 2022 có 18/50 bài.


Ngoài ra, Hội Khoa học Tâm lý - Giáo dục tỉnh còn tích cực tham gia các hoạt động tư vấn, phản biện, giám định xã hội. Hội viên của hội thuộc Chi hội Trường Đại học Khánh Hòa đã thành lập Trung tâm Giáo dục trẻ bị rối nhiễu tâm lý và tự kỷ, do Hội Khoa học Tâm lý - Giáo dục Việt Nam cấp phép hoạt động. Một số hội viên tham gia tư vấn trên truyền hình về các vấn đề như: Thế giới ảo và hậu quả dẫn tới hành vi dại dột của học sinh, giáo dục trẻ về hành vi ứng xử, nét đẹp văn hóa trong việc tặng quà ngày Tết, tư vấn sức khỏe mùa thi. Hội viên còn tham gia viết hơn 20 bài đăng trong các tạp chí, bản tin khoa học; tham gia hội nghị đánh giá chất lượng giáo dục do Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội tổ chức…


Tiếp tục nâng cao chất lượng hoạt động


Công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức tâm lý - giáo dục và tư vấn tâm lý trong nhà trường cũng được hội duy trì thường xuyên. Nhiều trường đã thành lập phòng tư vấn tâm lý học đường, tổ chức các chương trình tìm hiểu tâm sinh lý tuổi dậy thì; hướng dẫn học sinh kỹ năng bảo vệ bản thân trước các tệ nạn xã hội; xây dựng tình bạn trong sáng; phòng, chống bạo lực học đường; tư vấn hướng nghiệp, chăm sóc sức khỏe sinh sản vị thành niên... Đặc biệt, Hội Khoa học Tâm lý - Giáo dục tỉnh là hội duy nhất trên toàn quốc có một trường THPT trực thuộc là Trường THPT Dân lập Lê Thánh Tôn (Nha Trang). Đây là cơ sở để hội tổ chức các hoạt động nghiên cứu khoa học tâm lý - giáo dục học sinh lứa tuổi vị thành niên, góp phần xã hội hóa hoạt động giáo dục - đào tạo.


Theo lãnh đạo Hội Khoa học Tâm lý - Giáo dục tỉnh, thời gian tới, hội sẽ tiếp tục tuyên truyền, vận động phát triển các chi hội trực thuộc ngành giáo dục - đào tạo và mở rộng các ngành nghề trong xã hội. Bên cạnh đó, tăng cường giao lưu, trao đổi kinh nghiệm giữa các chi hội; thành lập các ban chuyên môn để chỉ đạo các hoạt động nghiên cứu khoa học, tư vấn tâm lý, hội thảo; tuyên truyền, phổ biến các kết quả nghiên cứu khoa học, ứng dụng trong trường học và cộng đồng.

 

Giai đoạn 2022 - 2027, hội phấn đấu thực hiện ít nhất 1 đề tài nghiên cứu khoa học cấp bộ; từ 2 đến 3 đề tài nghiên cứu khoa học cấp cơ sở tại các chi hội; tổ chức từ 2 đến 3 hội thảo khoa học toàn quốc, từ 2 đến 3 hội thảo cấp tỉnh và 5 đến 7 hội thảo tại các chi hội. Bên cạnh đó, tiếp tục tuyên truyền, phổ biến các kết quả nghiên cứu khoa học, ứng dụng trong trường học và cộng đồng; tham gia các hội nghị tư vấn, phản biện xã hội; đa dạng các mô hình, hình thức tư vấn tâm lý phù hợp với học sinh...

______________________________________


Hội Khoa học Tâm lý - Giáo dục tỉnh được thành lập năm 1996. Từ 60 hội viên ban đầu, đến nay, hội có 606 hội viên thuộc 28 chi hội ở các trường đại học, cao đẳng, các phòng giáo dục và đào tạo, trường THPT, THCS, trường mầm non… và 2 chi hội ngoài ngành giáo dục và đào tạo là Bệnh viện Chuyên khoa Tâm thần tỉnh và Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội thị xã Ninh Hòa. 5 năm qua, hội và các cá nhân của hội đã nhận được nhiều bằng khen, giấy khen từ Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam, Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh, Hội Khoa học Tâm lý - Giáo dục Việt Nam.


H.T-H.N