Không chỉ tham gia và có nhiều công trình nghiên cứu về toán học, Nhà giáo Ưu tú, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lê Thị Phương Ngọc, giảng viên cao cấp Trường Đại học Khánh Hòa luôn gần gũi, hết lòng truyền thụ kiến thức cho thế hệ trẻ.
Không chỉ tham gia và có nhiều công trình nghiên cứu về toán học, Nhà giáo Ưu tú, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lê Thị Phương Ngọc, giảng viên cao cấp Trường Đại học Khánh Hòa luôn gần gũi, hết lòng truyền thụ kiến thức cho thế hệ trẻ.
Gắn bó với nghề
Sáng đầu tuần, giờ dạy của cô Ngọc ở Khoa Sư phạm Toán K4, Trường Đại học Khánh Hòa được khởi động bằng câu chuyện về những tấm biển báo thường gặp trên đường hay trong siêu thị, trung tâm thương mại… Dưới sự dẫn dắt của cô, sinh viên hào hứng nhận ra những tấm biển báo thoát hiểm, biển chỉ dẫn với mũi tên chỉ hướng là minh chứng sinh động cho khái niệm véc tơ. Lý thuyết cơ bản về véc tơ bỗng trở nên dễ hiểu hơn nhiều. Em Nguyễn Thị Phương Dung chia sẻ, cô Ngọc luôn chú trọng hoạt động khởi động để tạo hứng thú cho sinh viên trước khi vào bài học. Cô cũng rất nhiệt tình hướng dẫn các em làm khóa luận tốt nghiệp. Em Phạm Thị Minh Thùy chia sẻ: “Khóa luận tốt nghiệp “Ứng dụng phần mềm GeoGebra trong dạy học Toán 10” của em đã được cô gợi ý đề tài, hướng dẫn cách xây dựng đề cương, nghiên cứu, giới thiệu tài liệu tham khảo. Cô còn chỉ dạy cẩn thận về nghiệp vụ sư phạm, từ cách viết bảng, sử dụng phấn màu, đến cách hệ thống kiến thức trên bảng… Cô chính là động lực để em phấn đấu”.
Năm 1987, cô Ngọc tốt nghiệp Đại học Sư phạm Huế, trở thành giảng viên Khoa Tự nhiên Trường Cao đẳng Sư phạm Nha Trang (nay là Trường Đại học Khánh Hòa) và gắn bó liên tục đến nay. Trong thời gian này, cô tiếp tục tốt nghiệp đại học văn bằng 2 ngành tin học; rồi bảo vệ thành công luận văn thạc sĩ chuyên ngành toán giải tích; bảo vệ thành công luận án tiến sĩ khoa học chuyên ngành toán giải tích với đề tài: “Ứng dụng phương pháp điểm bất động trong sự tồn tại nghiệm của phương trình” (năm 2007). Cô từng làm Phó Hiệu trưởng nhà trường cho đến tuổi nghỉ hưu và hiện là giảng viên cao cấp của Trường Đại học Khánh Hòa; giảng viên thỉnh giảng của nhiều trường đại học trong nước.
Mấy chục năm trong nghề, cô Ngọc luôn nỗ lực trau dồi chuyên môn, đổi mới phương pháp giảng dạy và hình thức kiểm tra đánh giá; tích cực tham gia hội giảng cấp tổ, khoa, trường và tham gia xây dựng, phát triển chương trình đào tạo chuyên ngành; chú trọng rèn kỹ năng nghề nghiệp cho sinh viên thông qua việc tham gia tổ chức các hội thi nghiệp vụ, thi sản phẩm nghề nghiệp, hội giảng sinh viên; tham gia đào tạo nhiều lớp sinh viên hệ chính quy, chuẩn hóa, liên thông bậc cao đẳng, đại học. Nhiều sinh viên đã được cô hướng dẫn làm khóa luận tốt nghiệp cao đẳng, đại học. Cô cũng hướng dẫn, đồng hướng dẫn thực hiện 40 luận văn thạc sĩ, 5 luận án tiến sĩ.
Nỗ lực nghiên cứu khoa học
Không chỉ là nhà giáo tận tâm, cô Ngọc còn là nhà nghiên cứu trong lĩnh vực toán học. Mỗi khi đêm về, sau khi hoàn thành việc soạn giảng, việc nhà, cô lại chuyên tâm nghiên cứu khoa học. Nhiều đề tài khoa học do cô thực hiện hoặc tham gia thực hiện đã được nghiệm thu. Trong đó, cô cùng nhóm nghiên cứu đã thực hiện 2 đề tài khoa học cơ bản, NAFOSTED là: “Phương trình sóng phi tuyến và hệ động lực” (năm 2011-2013), “Giải tích phi tuyến và hệ động lực” (năm 2013-2015); tham gia thực hiện đề tài trọng điểm cấp đại học quốc gia: “Phương pháp phi tuyến cho các phương trình vi phân và tích phân phi tuyến” (năm 2013-2015). Cô cũng là tác giả của hàng chục bài báo khoa học mỗi năm trên các tạp chí khoa học chuyên ngành, góp phần nâng cao chất lượng đào tạo đại học và sau đại học.
35 năm là chặng đường dài nỗ lực phấn đấu với lòng yêu nghề, yêu toán học và thực sự nghiêm túc trong nghiên cứu khoa học của cô Ngọc. Nhưng với cô Ngọc, đó là kết quả của sự chăm chỉ, của lòng yêu nghề được vun đắp từ truyền thống gia đình. Quan trọng hơn, cô may mắn được nhiều thế hệ thầy cô dìu dắt, được làm việc trong một môi trường tốt, lãnh đạo phân công phù hợp với năng lực, được các đồng nghiệp tạo điều kiện và người thân luôn ủng hộ, giúp đỡ. “Tôi rất hài lòng với nghề nghiệp của mình. Nếu cho chọn lại, tôi vẫn chọn nghề giáo”, cô Ngọc nói giản dị.
Tiến sĩ Lê Thị Mỹ Bình - Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng trường Trường Đại học Khánh Hòa cho biết, cô Ngọc là một nhà giáo có trách nhiệm, sâu sát với công việc, cẩn thận, tận tụy, cống hiến hết mình với nghề giáo, là tấm gương sáng về nghiên cứu khoa học. Trong nhiệm kỳ làm Phó Hiệu trưởng nhà trường, tuy công việc rất bận rộn nhưng hàng năm, cô đều được khen thưởng về thành tích nghiên cứu khoa học. Cô sống tình cảm, chan hòa với đồng nghiệp, có trách nhiệm với học trò và tâm huyết với nhà trường.
Nhà giáo Ưu tú, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lê Thị Phương Ngọc đã 11 lần đạt danh hiệu Chiến sĩ thi đua cấp cơ sở; 1 lần đạt Chiến sĩ thi đua cấp tỉnh; 4 lần được nhận bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh; 1 lần được nhận bằng khen của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo. Cô cũng được Thủ tướng Chính phủ tặng bằng khen; được Hội đồng chức danh Giáo sư Nhà nước công nhận đạt tiêu chuẩn Phó Giáo sư Toán học năm 2012 và được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Nhà giáo Ưu tú năm 2014. |
TIỂU MAI