Sở Giáo dục và Đào tạo Khánh Hòa vừa tổ chức Hội thi giáo viên tiểu học chủ nhiệm lớp giỏi cấp tỉnh năm học 2022-2023. Hội thi là dịp để các giáo viên giao lưu, học hỏi kinh nghiệm; đồng thời giúp các cấp quản lý đánh giá những vấn đề về chuyên môn, nghiệp vụ để có sự điều chỉnh phù hợp.
Sở Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) Khánh Hòa vừa tổ chức Hội thi giáo viên (GV) tiểu học chủ nhiệm lớp giỏi cấp tỉnh năm học 2022-2023. Hội thi là dịp để các GV giao lưu, học hỏi kinh nghiệm; đồng thời giúp các cấp quản lý đánh giá những vấn đề về chuyên môn, nghiệp vụ để có sự điều chỉnh phù hợp.
Đổi mới, vận dụng linh hoạt các phương pháp dạy học
Trong phần thi trình bày giải pháp góp phần nâng cao chất lượng công tác chủ nhiệm lớp tại trường đang công tác, 84 GV dự thi đã đưa ra nhiều giải pháp về đổi mới sinh hoạt lớp, phương pháp dạy học tích cực, rèn kỹ năng sống, năng lực tự học, tự quản cho học sinh (HS)… Hầu hết GV đã thực hiện khảo sát, đánh giá thực trạng, phân tích nguyên nhân, từ đó đưa ra giải pháp phù hợp với thực tế. Các giải pháp chú trọng đến tất cả các đối tượng HS, nhất là những em gặp khó khăn trong việc học, chậm tiến bộ, HS khuyết tật học hòa nhập; đồng thời đưa ra các vấn đề được quan tâm hiện nay trong nhà trường, như: Bạo lực học đường, bảo vệ môi trường... GV 2 huyện miền núi Khánh Sơn và Khánh Vĩnh chia sẻ kinh nghiệm phối hợp với gia đình, xã hội trong việc huy động trẻ ra lớp và duy trì sĩ số HS.
Ở phần thi thực hành 1 tiết tổ chức hoạt động giáo dục (tiết hoạt động trải nghiệm đối với lớp 1, 2 và 3; tiết sinh hoạt lớp đối với lớp 4, 5), các GV cũng có sự chuẩn bị chu đáo, đồ dùng dạy học phong phú, hấp dẫn. Ông Hà Văn Thông - Trưởng phòng Giáo dục mầm non - Giáo dục tiểu học Sở GD-ĐT nhận định, các GV đã vận dụng linh hoạt, sáng tạo các phương pháp dạy học tích cực. Đặc biệt, GV lớp 1, 2, 3 thực hiện theo Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 đã bắt nhịp được định hướng đổi mới, chú trọng các hoạt động phát triển năng lực, phẩm chất HS. Ở lớp 4, 5, các GV cũng thực hiện đổi mới hoạt động sinh hoạt lớp theo tinh thần chỉ đạo của Sở GD-ĐT. Được sự tổ chức, hướng dẫn, giúp đỡ của GV, nhiều HS đã tích cực tương tác với bạn, hào hứng tham gia các hoạt động, mạnh dạn thể hiện khả năng của mình. Bên cạnh đó, ở cả 2 phần thi, các GV đã ứng dụng công nghệ thông tin để thiết kế bài giảng điện tử thêm sinh động, thu hút.
Cơ hội giao lưu, học hỏi kinh nghiệm
Với hơn 20 năm làm công tác chủ nhiệm lớp, cô Võ Trần Thu Ngân (Trường Tiểu học Xuân Sơn, huyện Vạn Ninh) khẳng định, GV chủ nhiệm có vai trò quan trọng giúp HS hình thành nền nếp, thói quen học tập, cũng là cầu nối giữa nhà trường, gia đình, xã hội. Đặc biệt, đối với cấp tiểu học, GV chủ nhiệm phải theo sát, hiểu được tính cách của từng HS để định hướng hành vi cho các em. Tham gia hội thi, các GV có dịp học hỏi từ đồng nghiệp và được các giám khảo trao đổi, góp ý về công tác giảng dạy, chủ nhiệm lớp. GV cũng đánh giá được khả năng của mình với yêu cầu đổi mới của Chương trình Giáo dục phổ thông 2018.
Là GV trẻ nhất tại hội thi, cô Trịnh Thị Huế (26 tuổi, Trường Tiểu học Cam Phúc Bắc 2, TP. Cam Ranh) chia sẻ: “Tôi tham gia hội thi với mục tiêu học hỏi từ các thầy cô đã có nhiều kinh nghiệm. Qua dự giờ các tiết dạy của GV khác, tôi học được phong thái, tác phong lên lớp cũng như trau dồi thêm kiến thức, kỹ năng. Lần đầu tiên dạy một lớp có 3 HS khuyết tật, phát sinh những tình huống ngoài dự kiến (như: HS mất tập trung, không giữ trật tự…), tôi có thêm kinh nghiệm xử lý để HS hợp tác với GV”.
Ông Hà Văn Thông cho biết, hội thi được tổ chức 4 năm/lần nhằm phát hiện, tôn vinh GV chủ nhiệm giỏi và nhân rộng những điển hình tiên tiến, tạo động lực cho GV phấn đấu, hoàn thiện bản thân, đáp ứng yêu cầu đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục. Đây cũng là dịp để GV trao đổi kinh nghiệm, tăng cường củng cố, xây dựng đội ngũ chuyên môn nòng cốt của cấp học. Ban tổ chức hội thi ghi nhận sự chuẩn bị chu đáo của các GV, sự đóng góp tích cực của các phòng GD-ĐT, các nhà trường, sự phối hợp tạo điều kiện về cơ sở vật chất, lớp học của các trường tiểu học: Lộc Thọ, Phương Sài, Tân Lập 2, Phước Tiến (TP. Nha Trang) để các GV dự thi. Qua hội thi, Ban tổ chức cũng nhận thấy một số hạn chế, như: Có GV còn lúng túng nên tổ chức hoạt động cho HS chưa nhịp nhàng, bị áp lực về thời gian, chưa khai thác triệt để các tình huống mở… Từ những hạn chế đó, các cấp quản lý đưa ra những chỉ đạo, định hướng phù hợp và có kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cho GV.
H.NGÂN