09:08, 22/08/2022

Ngành Giáo dục: Tập trung chuyển đổi số trong hai lĩnh vực

Cùng với việc triển khai nhiều giải pháp chuyển đổi số, Sở Giáo dục và Đào tạo Khánh Hòa đã xây dựng và trình UBND tỉnh phê duyệt đề án chuyển đổi số ngành Giáo dục nhằm tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý, đổi mới nội dung, phương pháp dạy và học, kiểm tra, đánh giá và hiện đại hóa hành chính trong lĩnh vực giáo dục - đào tạo.

Cùng với việc triển khai nhiều giải pháp chuyển đổi số, Sở Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) Khánh Hòa đã xây dựng và trình UBND tỉnh phê duyệt đề án chuyển đổi số ngành Giáo dục nhằm tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong công tác quản lý, đổi mới nội dung, phương pháp dạy và học, kiểm tra, đánh giá và hiện đại hóa hành chính trong lĩnh vực GD-ĐT.


Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin


Những năm qua, từ nền tảng CNTT hiện có, ngành GD-ĐT tỉnh đã triển khai nhiều giải pháp chuyển đổi số, đạt được một số kết quả nhất định. Ngành đã triển khai phần mềm quản lý hành chính điện tử (e-office) phục vụ trao đổi thông tin, văn bản chỉ đạo, quản lý điều hành qua mạng. Cùng với đó, triển khai phần mềm một cửa liên thông, giúp người dân có thể đăng ký một số thủ tục hành chính qua mạng và nhận kết quả tại nhà như: Cấp lại bản sao văn bằng, chứng chỉ; thủ tục chuyển trường, đăng ký cấp phép cơ sở giáo dục... Nhiều thông tin của ngành được thông báo kịp thời qua mạng; trang thông tin điện tử của ngành phát huy tác dụng khá tốt và đang tiếp tục được cải tiến, nâng cấp. Với sự hỗ trợ của các phương tiện dạy học hiện đại như: Máy chiếu projector, tivi, bảng tương tác, máy tính xách tay…, nhiều trường học đã ứng dụng CNTT vào giảng dạy, thực hiện việc soạn giảng giáo án điện tử nhằm đem lại nhiều tiết học sinh động, tạo hứng thú cho học sinh. Hầu hết các trường trên địa bàn tỉnh đã được kết nối trên phần mềm quản lý nhà trường vnEdu (Mạng Giáo dục Việt Nam) và SMAS (Hệ thống quản lý nhà trường), với công nghệ điện toán đám mây được lưu trữ và xử lý trên hạ tầng kỹ thuật của đơn vị cung cấp dịch vụ VNPT và Viettel. Đồng thời, đẩy mạnh việc sử dụng sổ điện tử như: Học bạ, sổ điểm, sổ kế hoạch, sổ chủ nhiệm…

 

Ứng dụng hiệu quả công nghệ thông tin vào giảng dạy mang lại các tiết học sinh động hơn cho học sinh.  Trong ảnh: Một tiết học ở Trường Tiểu học Vạn Thạnh,  TP. Nha Trang.

Ứng dụng hiệu quả công nghệ thông tin vào giảng dạy mang lại các tiết học sinh động hơn cho học sinh. Trong ảnh: Một tiết học ở Trường Tiểu học Vạn Thạnh, TP. Nha Trang.


Tuy nhiên, theo ông Võ Hoàn Hải - Giám đốc Sở GD-ĐT, việc ứng dụng CNTT trong công tác quản lý dạy và học trong toàn ngành thời gian qua vẫn còn tồn tại những bất cập. Các ứng dụng còn mang tính độc lập, thiếu tính hệ thống và đồng bộ, dẫn đến các trường phải sử dụng nhiều tài khoản để đăng nhập các ứng dụng khác nhau, chưa chú trọng đến phát triển hệ sinh thái trên cơ sở dữ liệu tập trung. Việc triển khai ứng dụng CNTT trong nội bộ các đơn vị vẫn còn nhiều hạn chế, chưa khai thác hết chức năng, công suất của hệ thống đã được đầu tư. Nguồn nhân lực CNTT trong các cơ sở giáo dục vẫn còn thiếu; cán bộ chuyên trách CNTT chủ yếu vẫn là kiêm nhiệm, chưa qua đào tạo chính quy về CNTT. Đặc biệt, thói quen, việc ngại thay đổi phương thức làm việc của một số cán bộ quản lý, giáo viên, nhất là tại các đơn vị vùng sâu, vùng xa là rào cản lớn trong việc triển khai đồng bộ, trên diện rộng các ứng dụng CNTT.


Xây dựng đề án của ngành


Sở GD-ĐT vừa trình UBND tỉnh Đề án “Chuyển đổi số ngành GD-ĐT tỉnh Khánh Hòa giai đoạn 2022 - 2025, định hướng đến năm 2030”. Đề án tập trung vào 2 nội dung chính. Một là, chuyển đổi số trong quản lý, nghĩa là số hóa thông tin quản lý, tạo ra những hệ thống cơ sở dữ liệu lớn liên thông, triển khai các dịch vụ công trực tuyến, ứng dụng các công nghệ 4.0 để quản lý, điều hành, dự báo, hỗ trợ các cấp lãnh đạo, quản lý ra quyết định trong lãnh đạo, điều hành. Hai là, chuyển đổi số trong dạy, học và kiểm tra, đánh giá, bao gồm số hóa học liệu (sách giáo khoa điện tử, bài giảng điện tử, kho bài giảng e-Learning, ngân hàng câu hỏi trắc nghiệm), thư viện số, phòng thí nghiệm ảo, triển khai hệ thống đào tạo trực tuyến…; chuyển đổi toàn bộ cách thức, phương pháp giảng dạy, kỹ thuật quản lý lớp học, tương tác với người học sang không gian số, khai thác CNTT để tổ chức giảng dạy thành công.


Theo ông Võ Hoàn Hải, khi có hệ thống dữ liệu dùng chung, việc chia sẻ dữ liệu dạy học và số hóa trong giáo dục sẽ trở thành cơ hội cho các cơ sở giáo dục tiếp cận nhiều phương pháp dạy học, bài giảng hay, nguồn học liệu phong phú. Bên cạnh đó, học sinh có thể truy cập tài liệu học tập không giới hạn. Kho tài liệu chuẩn xác và tiết kiệm nhiều chi phí khi mua các tài liệu liên quan, in ấn. Đặc biệt, giáo viên và học sinh kết nối với nhau dễ dàng bằng cách chia sẻ tài liệu, các kiến thức học tập chuyên sâu hoặc hỗ trợ học sinh nâng cao kiến thức mới. Sở GD-ĐT sẽ rà soát, có kế hoạch mua sắm bổ sung, duy trì, nâng cấp trang thiết bị CNTT đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số và tổ chức các chương trình bồi dưỡng, tập huấn nâng cao kỹ năng ứng dụng CNTT cho cán bộ, giáo viên.


H.NGÂN