Chiều 4-4, Ban Tuyển sinh quân sự (TSQS) Bộ Quốc phòng tổ chức thông tin về công tác tuyển sinh quân sự năm 2022. Đây là nội dung được nhiều phụ huynh và học sinh trong cả nước quan tâm.
Chiều 4-4, Ban Tuyển sinh quân sự (TSQS) Bộ Quốc phòng tổ chức thông tin về công tác tuyển sinh quân sự năm 2022. Đây là nội dung được nhiều phụ huynh và học sinh trong cả nước quan tâm.
Đặc biệt trong đó là những điểm chú ý về chỉ tiêu, phương thức tuyển sinh, tiêu chuẩn sơ tuyển, quyền lợi của thí sinh khi trúng tuyển vào học trong các nhà trường quân đội... được thông tin rõ.
Nhiều trường hợp được xét tuyển thẳng
Theo Ban TSQS Bộ Quốc phòng, năm 2022, quân đội có 17 học viện, nhà trường được giao chỉ tiêu tuyển sinh đào tạo đại học, cao đẳng quân sự như: Học viện Quân y, Học viện Kỹ thuật Quân sự, Trường Sĩ quan Lục quân 1, Trường Sĩ quan Không quân... Trong đó, Trường Sĩ quan Không quân được giao tuyển sinh đào tạo cao đẳng quân sự, ngành Kỹ thuật hàng không.
Phương thức xét tuyển của các nhà trường quân đội được thực hiện theo hai hình thức. Một là xét tuyển thẳng đối với thí sinh là Anh hùng Lao động, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, Chiến sĩ thi đua toàn quốc; thí sinh được triệu tập tham dự cuộc thi chọn đội tuyển quốc gia tham dự Olympic quốc tế, trong đội tuyển quốc gia tham dự cuộc thi khoa học kỹ thuật quốc tế; thí sinh đoạt giải nhất, nhì, ba trong kỳ thi học sinh giỏi quốc gia, cuộc thi khoa học kỹ thuật cấp quốc gia. Ngoài ra còn một số đối tượng khác theo quy định tại Điều 7, Quy chế tuyển sinh của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Tất cả các đối tượng được xét tuyển thẳng đều phải bảo đảm điều kiện tốt nghiệp THPT và qua sơ tuyển đạt yêu cầu.
Phương thức xét tuyển thứ hai là xét tuyển thí sinh từ kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT. Theo đó, các trường sẽ tiếp nhận hồ sơ xét tuyển của thí sinh. Sau khi có kết quả thi tốt nghiệp THPT, hội đồng xét tuyển sẽ căn cứ vào điểm số theo tổ hợp để xét tuyển với mức điểm từ cao xuống thấp cho đến khi đủ chỉ tiêu. Các thí sinh đăng ký xét tuyển phải đủ điều kiện tiêu chuẩn về lý lịch chính trị, sức khỏe, độ tuổi và trình độ văn hóa.
Điểm khác biệt mà các thí sinh cần lưu ý khi đăng ký xét tuyển vào các trường quân đội so với các trường khác là thí sinh bắt buộc phải qua sơ tuyển. Việc sơ tuyển được thực hiện ngay tại Ban TSQS cấp quận (huyện, thị xã, thành phố) trực thuộc tỉnh nơi thí sinh có hộ khẩu thường trú. Thời gian sơ tuyển từ ngày 15-3 đến hết ngày 20-5. Trong đó, thời gian khám sức khỏe sơ tuyển cho thí sinh được tổ chức thành hai đợt. Đợt một vào tuần thứ 3 của tháng 4-2022, đợt hai vào tuần thứ 2 của tháng 5-2022. Sau khi khám xong đợt hai, nếu còn thí sinh đăng ký, hội đồng sơ tuyển sẽ tiếp tục khám sơ tuyển cho đến hết ngày 20-5.
Đối với các trường quân sự, thí sinh chỉ được đăng ký một nguyện vọng cao nhất (nguyện vọng 1) ngay từ khi làm hồ sơ sơ tuyển. Các nguyện vọng còn lại, thí sinh có thể đăng ký vào các trường ngoài quân đội theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Bảo đảm các điều kiện về đạo đức, sức khỏe...
Các trường tuyển sinh với thí sinh trên địa bàn toàn quốc. Riêng Trường Sĩ quan Lục quân 1, chỉ tuyển thí sinh từ Quảng Bình trở ra; Trường Sĩ quan Lục quân 2 tuyển thí sinh từ Quảng Trị trở vào.
Đối tượng đào tạo đại học quân sự đối với nam giới là hạ sĩ quan, binh sĩ đang tại ngũ, công nhân viên chức quốc phòng có thời gian phục vụ quân đội từ 12 tháng trở lên; quân nhân chuyên nghiệp; thanh niên ngoài quân đội, kể cả quân nhân đã xuất ngũ và công dân hoàn thành nghĩa vụ Công an nhân dân. Đối với nữ giới, tuyển theo chỉ tiêu phân bổ cho các ngành như: Tuyển 10% chỉ tiêu cho các ngành bác sĩ quân y tại Học viện Quân y và các ngành đào tạo ngoại ngữ, quan hệ quốc tế tại Học viện Khoa học Quân sự. Tuyển không quá 6% trên tổng chỉ tiêu các ngành: Công nghệ thông tin, Điện tử viễn thông, Điện tử y sinh, Khí tài quang, Địa tin học tại Học viện Kỹ thuật Quân sự.
Thí sinh đăng ký xét tuyển vào các trường quân sự phải bảo đảm các điều kiện sơ tuyển cơ bản như: Lý lịch chính trị gia đình và bản thân rõ ràng, đủ điều kiện để có thể kết nạp vào Đảng Cộng sản Việt Nam; có phẩm chất đạo đức tốt. Yêu cầu về văn hóa, tính đến thời điểm xét tuyển thí sinh đã tốt nghiệp THPT hoặc tương đương.
Về sức khỏe cần đạt yêu cầu theo các tiêu chí về thể lực: Mắt; tai-mũi-họng, răng-hàm-mặt; nội khoa; tâm thần kinh, ngoại khoa; da liễu... theo quy định. Trong đó, yêu cầu riêng đối với các trường đào tạo sĩ quan chỉ huy, chỉ tuyển thí sinh nam cao 1,65m trở lên, cân nặng 50kg trở lên (với nữ là 1,54m và nặng 48kg); không tuyển thí sinh mắc tật khúc xạ cận thị. Đối với các trường đào tạo sĩ quan chuyên môn kỹ thuật, tiêu chí giảm hơn, được quy định cụ thể tùy vào yêu cầu của mỗi ngành nghề...
Học viên và gia đình được hưởng nhiều quyền lợi
Theo thông tin từ Ban TSQS Bộ Quốc phòng, khi thí sinh trúng tuyển vào đào tạo sĩ quan sẽ được quân đội bảo đảm về ăn, ở, mặc, phụ cấp hằng tháng. Học viên không phải đóng học phí, được bảo đảm các điều kiện về cơ sở vật chất, trang thiết bị, đồ dùng phục vụ học tập. Bên cạnh đó, thân nhân của học viên như bố mẹ đẻ, bố mẹ nuôi hợp pháp nếu chưa có bảo hiểm y tế cũng sẽ được quân đội mua, cấp thẻ bảo hiểm cho thân nhân ngay khi học viên nhập học.
Học tập trong môi trường quân đội, bên cạnh tiếp thu các kiến thức chuyên ngành, học viên sẽ được nghiên cứu, trang bị kiến thức toàn diện về chính trị, đạo đức, lối sống, sinh hoạt... theo Điều lệnh Quản lý bộ đội; được nghỉ cuối tuần, nghỉ lễ theo quy định. Học viên có cơ hội được cử đi học tập ở nước ngoài để nâng cao trình độ. Học viên xếp loại học tập xuất sắc, loại giỏi, có các thành tích đặc biệt trong học tập, rèn luyện sẽ được hưởng các chế độ khen thưởng theo quy định của Bộ Quốc phòng.
Khi tốt nghiệp ra trường, các em được cấp văn bằng tốt nghiệp đại học thuộc hệ thống văn bằng quốc gia; được Bộ Quốc phòng phong quân hàm sĩ quan. Đối với học viên tốt nghiệp loại giỏi, loại xuất sắc, bên cạnh được ưu tiên phong bậc quân hàm còn được xem xét nguyện vọng khi phân công công tác.
Năm 2022, 17 học viện, nhà trường trong quân đội tuyển sinh gần 5.000 chỉ tiêu. Trong đó, một số trường có chỉ tiêu cao, như: Học viện Kỹ thuật Quân sự hơn 500 chỉ tiêu; Học viện Quân y hơn 300 chỉ tiêu; Học viện Hậu cần hơn 250 chỉ tiêu... Một số trường có chỉ tiêu gửi đi đào tạo ở nước ngoài như: Học viện Kỹ thuật Quân sự 105 chỉ tiêu; Học viện Quân y 12 chỉ tiêu...
Các trường quân đội xét tuyển điểm tốt nghiệp THPT với 7 tổ hợp môn phù hợp yêu cầu của từng ngành: A00 (Toán, Lý, Hóa); A01 (Toán, Lý, tiếng Anh); B00 (Toán, Hóa, Sinh); C00 (Văn, Sử, Địa), D01 (Toán, Văn, tiếng Anh), D02 (Toán, Văn, tiếng Nga); D04 (Toán, Văn, tiếng Trung Quốc).
Theo QĐND