10:04, 14/04/2022

Lan tỏa tiếng Anh vì cộng đồng

Nhằm lan tỏa tiếng Anh trong cộng đồng, đặc biệt là các em nhỏ kém may mắn, các giảng viên, sinh viên Trường Đại học Nha Trang cùng học sinh các trường THPT trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa đã chung tay thực hiện Dự án "Phát triển cộng đồng Anh ngữ tại tỉnh Khánh Hòa".

Nhằm lan tỏa tiếng Anh trong cộng đồng, đặc biệt là các em nhỏ kém may mắn, các giảng viên, sinh viên (SV) Trường Đại học Nha Trang cùng học sinh (HS) các trường THPT trên địa bàn tỉnh đã chung tay thực hiện Dự án “Phát triển cộng đồng Anh ngữ tại tỉnh Khánh Hòa”.


Giúp trẻ kém may mắn tiếp cận tiếng Anh


Có dịp cùng nhóm thực hiện dự án đến Mái ấm Thiện Tâm (xã Phước Đồng, TP. Nha Trang) vào một ngày cuối tuần, chúng tôi cảm nhận rõ tinh thần ham học ngoại ngữ của các em nhỏ nơi đây. Em Nguyễn Ý Anh (HS lớp 7, Trường THCS Lam Sơn, Nha Trang) sống ở mái ấm cho biết, trước đây, em rất tự ti vì điểm số môn Tiếng Anh ở trường không cao và kỹ năng nói còn yếu. Sau khi tham gia lớp học do các tình nguyện viên giảng dạy, em đã tự tin hơn khi sử dụng tiếng Anh. “Khi các bạn SV, HS liên hệ mái ấm ngỏ lời dạy tiếng Anh cho các em, tôi rất mừng. Lớp học đã giúp các em được tiếp cận, cải thiện kết quả học tập môn Tiếng Anh, tự tin hơn khi giao tiếp, đồng thời có được môi trường vui chơi bổ ích”, bà Nguyễn Thị Kim Liên - Quản lý Mái ấm Thiện Tâm chia sẻ.

 

Bạn Yến Vy hướng dẫn tiếng Anh cho một em ở Mái ấm Thiện Tâm.

Bạn Yến Vy hướng dẫn tiếng Anh cho một em ở Mái ấm Thiện Tâm.


Cô Nguyễn Thị Lý, giảng viên Khoa Ngoại ngữ - Trường Đại học Nha Trang, Phó Giám đốc dự án cho biết, hoạt động dạy tiếng Anh miễn phí cho trẻ kém may mắn ở mái ấm được khai giảng vào tháng 10-2021. Tuy nhiên, do diễn biến dịch Covid-19 còn phức tạp nên lớp học được thực hiện bằng hình thức trực tuyến. Đến tháng 2-2022, nhóm đã tổ chức dạy trực tiếp cho các em.


Các buổi học thường được tổ chức vào cuối tuần, mỗi lớp học bố trí 2 giáo viên, 1 giáo viên chính và 1 tình nguyện viên hỗ trợ. Tuy điều kiện vật chất không đầy đủ nhưng đội ngũ giáo viên rất nhiệt tình, tâm huyết, bài giảng được thiết kế bắt mắt và hoàn toàn sử dụng tiếng Anh trong buổi học. Lớp học dạy theo phương pháp phản xạ, các em giao tiếp trực tiếp với giáo viên thông qua các bài hát, trò chơi vui nhộn.


Lan tỏa trong cộng đồng


Bà Võ Nguyễn Hồng Lam - Trưởng khoa Ngoại Ngữ, Trường Đại học Nha Trang, Giám đốc dự án cho biết, dự án đang triển khai đồng thời 3 hoạt động chính: Thư viện trực tuyến; cuộc thi Olympic tiếng Anh dành cho HS THPT toàn tỉnh; giảng dạy tiếng Anh tại các mái ấm tình thương và Trường Phổ thông Dân tộc nội trú tỉnh. Hiện nay, dự án có 29 giáo viên, 100 SV và 200 tình nguyện viên tham gia. Các thành viên tham gia dự án chủ động soạn giáo án, phân công lịch giảng dạy; dịch tài liệu, văn bản gửi các tổ chức nước ngoài; viết bài, đăng tin về dự án trên các trang mạng xã hội để xin nguồn tài trợ từ các mạnh thường quân, doanh nghiệp trong và ngoài nước; tiến hành khảo sát những gia đình có hoàn cảnh khó khăn có con đang học hoặc đã bỏ học để vận động tham gia các khóa học miễn phí…

 

Từ tháng 10-2021 đến nay, SV ngành Ngôn ngữ Anh của Khoa Ngoại Ngữ, Trường Đại học Nha Trang đã tham gia giảng dạy tiếng Anh cho khoảng 200 HS của Trường Phổ thông Dân tộc nội trú tỉnh và gần 30 trẻ mồ côi từ 6 đến 16 tuổi ở các mái ấm tình thương ngoài công lập trên địa bàn TP. Nha Trang, gồm: Thiện Tâm (xã Phước Đồng), Phước Phúc (phường Phương Sài), chùa Phước Tường (xã Phước Đồng).

Em Trịnh Yến Vy (HS lớp 11 Trường iSchool Nha Trang), tình nguyện viên dự án chia sẻ: “Những ngày đầu dạy học, em chủ yếu sử dụng tiếng Việt để giao tiếp với các bạn. Đến nay, nhiều bạn đã bắt đầu hiểu, tiếp thu và tự tin giao tiếp bằng tiếng Anh với bạn bè và thầy cô. Đối với các bạn nhỏ hay mặc cảm với hoàn cảnh, em dành thời gian nhiều hơn để gặp gỡ, trò chuyện, động viên các bạn đến lớp”.


Ông Lê Đình Thuần - Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo đánh giá, tuy mới triển khai gần 6 tháng nhưng các hoạt động của Dự án “Phát triển cộng đồng Anh ngữ tại tỉnh Khánh Hòa” đã đạt được một số kết quả. Cụ thể, mới đây, Trường Đại học Nha Trang đã phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo tổ chức thành công chung kết cuộc thi Olympic tiếng Anh dành cho học sinh THPT năm 2022. Thời gian tới, Ban giám đốc dự án và các thành viên cần xây dựng lộ trình cụ thể, chủ động đổi mới phương pháp, hình thức dạy học đa dạng theo hướng “học mà chơi, chơi mà học” để tạo hứng thú cho HS. Bên cạnh đó, tổ chức các hoạt động giao lưu, gặp gỡ giữa HS với người nước ngoài để HS có cơ hội thực hành kiến thức đã học. Có như vậy, dự án mới phát huy hiệu quả, góp phần nâng cao năng lực ngoại ngữ cho HS của tỉnh.


THANH TRÚC