Đam mê nghiên cứu khoa học, có tố chất cùng khả năng tự học, tự nghiên cứu, các học sinh vừa đạt giải tại Cuộc thi Khoa học kỹ thuật dành cho học sinh trung học phổ thông năm 2020 - 2021 đã khẳng định được năng lực của bản thân khi còn ngồi trên ghế nhà trường.
Đam mê nghiên cứu khoa học, có tố chất cùng khả năng tự học, tự nghiên cứu, các học sinh (HS) vừa đạt giải tại Cuộc thi Khoa học kỹ thuật (KHKT) dành cho HS THPT năm 2020 - 2021 đã khẳng định được năng lực của bản thân khi còn ngồi trên ghế nhà trường.
Nâng cao ý thức phòng dịch Covid-19 cho học sinh
Về Trường THPT Ngô Gia Tự (TP. Cam Ranh) những ngày này, chúng ta dễ nhận thấy ý thức phòng dịch Covid-19 của HS rất cao. Hầu hết HS khi đến trường đều đeo khẩu trang y tế; thường xuyên rửa tay bằng xà phòng và dung dịch sát khuẩn do trường bố trí dọc hành lang các lớp… Cô Nguyễn Thị Yến - Phó Hiệu trưởng phụ trách Trường THPT Ngô Gia Tự tự hào: “Kết quả này có sự đóng góp rất lớn từ dự án “Nâng cao nhận thức, thái độ và hành vi của HS Trường THPT Ngô Gia Tự về phòng, chống đại dịch Covid-19”, của 2 HS Võ Trần Bảo Hân (lớp 12A7) và Trần Tiến Phát (lớp 10A1). Dự án đạt giải nhất tại Cuộc thi KHKT cấp tỉnh dành cho HS THPT năm 2020 - 2021 do Sở Giáo dục - Đào tạo phối hợp với Trường Đại học Nha Trang tổ chức”.
Chia sẻ về dự án, Bảo Hân cho biết: “Thời điểm trên địa bàn phường có 2 bệnh nhân mắc Covid-19, một số HS của trường thuộc trường hợp F1 bị cách ly, phụ huynh và HS hoang mang, nguy cơ bùng dịch rất lớn. Hưởng ứng lời kêu gọi “Chống dịch như chống giặc” của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, nhóm em quyết định chọn đề tài nghiên cứu với mong muốn “góp chút lửa” để “tiếp sức” cho công cuộc chống dịch”.
Tháng 4-2020, 2 em bắt tay xây dựng ý tưởng, tìm hiểu kiến thức, tiến hành khảo sát đánh giá ý thức của HS ở trường về công tác phòng, chống dịch Covid-19. Trải qua nhiều lần tranh luận sôi nổi, với sự hỗ trợ của thầy cô, 2 em đã hoàn thiện các giải pháp tác động nhằm nâng cao ý thức phòng, chống dịch Covid-19 của HS. Dự án đã xây dựng các câu lạc bộ (CLB) chống dịch Covid trong trường học với nòng cốt là HS; tổ chức nhiều hoạt động tuyên truyền bằng những hình thức như: Làm sổ tay, tờ rơi, thi vẽ tranh, hướng dẫn HS cài đặt Bluezone, thành lập trang facebook để tuyên truyền, mời bác sĩ về trường tư vấn cho toàn thể HS, tổ chức các hoạt động ngoại khóa. Đồng thời, kết hợp với các giáo viên, Đoàn Thanh niên của trường pha chế dung dịch sát khuẩn tay, diễn tập và ứng phó với tình huống khẩn cấp khi trong trường có ca nghi ngờ mắc Covid-19… “Sau 5 tháng tiếp cận, dự án đã tác động tới 1.500 HS bằng các giải pháp nói trên. Trước khi triển khai, kết quả khảo sát bằng phiếu đánh giá nhận thức, thái độ, hành vi, kiến thức trong phòng, chống dịch Covid-19 của các bạn HS chỉ có 31% chọn câu trả lời đúng, nhưng sau khi được tác động số câu trả lời đúng đạt hơn 81%”, Tiến Phát khoe.
Giúp các bạn lớp 10 thích ứng môi trường học tập mới
Có mặt tại Trường THPT Phan Bội Châu (TP. Cam Ranh) vào ngày giữa tuần, trong giờ ra chơi, chúng tôi gặp 2 em Lý Ngọc Tường Vy (lớp 10A14) và Trương Hào Nam (12C2) đang hướng dẫn cho các HS cách thức sử dụng phần mềm Phan Bội Châu app. Đây là ứng dụng thuộc dự án “Nâng cao sự thích ứng của HS lớp 10 ở Trường THPT Phan Bội Châu trong môi trường học tập mới”. Dự án đạt giải nhất tại cuộc thi. Tường Vy kể: “Khi mới bước chân vào trường em rất bỡ ngỡ, người bạn thân của em còn bị stress vì chưa thích ứng kịp với môi trường học tập từ cấp THCS lên THPT. Từ trải nghiệm của bản thân, em đã đề xuất ý tưởng nói trên với anh Hào Nam - thành viên CLB Hỗ trợ thích ứng của trường. Nhận thấy ý tưởng thiết thực, em và anh Nam quyết định triển khai dự án”.
Nhóm tác giả khảo sát 1.040 HS lớp 10 của 2 trường THPT Phan Bội Châu và Trần Hưng Đạo; kết quả, tỷ lệ HS ít thích ứng và không thích ứng khá cao, chiếm gần 73%. Với sự hỗ trợ của giáo viên hướng dẫn, nhóm đã xây dựng các giải pháp nâng cao sự thích ứng: Tổ chức các buổi ngoại khóa “Tuổi trẻ Phan Bội Châu - kết nối và chia sẻ”, xây dựng phần mềm Phan Bội Châu app; thành lập CLB hỗ trợ thích ứng Phan Bội Châu; tổ tư vấn học đường; trò chuyện cùng chuyên gia tâm lý là các thầy, cô giáo. Sau khi tác động, kết quả khảo sát tại Trường THPT Phan Bội Châu cho thấy, tình trạng ít thích ứng và không thích ứng giảm gần 2/3, chỉ còn 27,4%.
Theo các HS của trường, thành công lớn nhất của dự án là đã xây dựng được Trường Phan Bội Châu app. App không chỉ giới thiệu tổng quan về trường và các hoạt động phong trào, mà còn có những chuyên mục phù hợp với tâm lý, lứa tuổi các em như: Khi tôi 16; tâm lý học đường; các CLB văn nghệ, thể thao, học tập, hỗ trợ thích ứng, BONGZ… Đặc biệt, app đã xây dựng thang đo trầm cảm, khảo sát thích ứng, công cụ lưu điểm, cẩm nang trầm cảm và trò chuyện cùng chuyên gia… giúp các HS biết được độ thích ứng của mình và hướng giải quyết.
Phần mềm với nhiều ứng dụng thiết thực
Cậu học trò Võ Hoàng Phúc - lớp 12C1, Trường THPT Phan Bội Châu là cái tên được nhiều thầy, cô giáo và các bạn HS trong trường biết đến với dự án “Phần mềm đặt thức ăn sử dụng công nghệ mã vạch tích hợp hệ thống bảo mật Plexa Foods (gọi tắt là ứng dụng Plexa Foods)”, chạy trên hệ điều hành Android. Dự án đạt giải nhì tại Cuộc thi KHKT dành cho HS THPT với tính ứng dụng cao. Phần mềm đã xây dựng được cơ sở dữ liệu bán, đặt hàng, tích hợp công nghệ mã vạch giúp nâng cao bảo mật thông tin người dùng. Ngoài ra, phần mềm còn giúp cơ sở kinh doanh quản lý đơn hàng; chỉnh sửa menu và địa điểm thương hiệu trên bản đồ; quản lý địa điểm đã lưu…
Nói về ý tưởng của mình, Phúc cho biết, ban đầu, em viết để thỏa mãn đam mê và sử dụng cho bản thân nên ứng dụng chỉ có các chức năng đơn giản: đặt, nhận, giao thức ăn… Thế nhưng, sau khi khoe sản phẩm với thầy giáo dạy tin, thấy ứng dụng tiềm năng nên thầy đã khuyên em tiếp tục đầu tư nghiên cứu nâng cấp phần mềm tham dự cuộc thi. Thầy Huỳnh Đức Duy - giáo viên dạy Tin học Trường THPT Phan Bội Châu cho biết: “Ứng dụng có giao diện thân thiện người dùng, cách thức sử dụng đơn giản, được tích hợp hỗ trợ tìm kiếm Algolia rất tốt, hệ thống bảo mật cao. Ứng dụng đã được một số quán ăn, cà phê trên địa bàn thành phố áp dụng”.
“Mục tiêu của em là phát triển, hoàn thiện ứng dụng Plexa Foods đa nền tảng; mở rộng phạm vi hoạt động sang các địa phương lân cận để có thể đưa ứng dụng tới đông đảo người dùng”, Phúc chia sẻ. Cùng với ứng dụng Plexa Foods, tháng 10-2020, Phúc còn phát triển thành công ứng dụng Phan Boi Chau Halloween sử dụng mã vạch QR để kiểm soát vé tham dự lễ hội Halloween của trường; qua đó đã phát hiện được gần 400 vé giả, vé không đúng người dùng.
Không chỉ đam mê nghiên cứu, 11 năm liền Phúc đều đạt HS giỏi toàn diện. Ngoài ra, em còn đạt giải khuyến khích kỳ thi HS giỏi cấp tỉnh môn Tiếng Anh năm học 2019 - 2020 và môn Tin học năm học 2020 - 2021; tham dự kỳ thi chọn HS giỏi môn Tiếng Anh quốc gia…
LY VÂN