Quá trình thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới (ban hành năm 2018) tại huyện miền núi Khánh Sơn thời gian qua gặp nhiều khó khăn mang tính đặc thù. Ngành Giáo dục địa phương đã nỗ lực khắc phục để công tác dạy và học từng bước đi vào nề nếp.
Quá trình thực hiện chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) mới (ban hành năm 2018) tại huyện miền núi Khánh Sơn (Khánh Hòa) thời gian qua gặp nhiều khó khăn mang tính đặc thù. Ngành Giáo dục địa phương đã nỗ lực khắc phục để công tác dạy và học từng bước đi vào nề nếp.
Nhiều giải pháp
Trước khi bước vào năm học 2020 - 2021, ngành Giáo dục huyện Khánh Sơn đã chuẩn bị đầy đủ cơ sở vật chất, nguồn nhân lực đảm bảo chất lượng để triển khai thực hiện chương trình GDPT mới đối với khối lớp 1 trên địa bàn. Năm học này, toàn huyện có 700 học sinh (HS) khối lớp 1 của 6 trường tiểu học, 2 trường tiểu học -THCS, 92 cán bộ quản lý và giáo viên (GV) tham gia thực hiện chương trình GDPT mới.
Chương trình có nhiều điểm mới nên ngoài những khó khăn chung, các trường tại Khánh Sơn còn gặp những vấn đề trở ngại mang tính đặc thù do phần lớn HS là con em đồng bào dân tộc thiểu số. Trong học kỳ I, các trường chưa được cấp bộ đồ dùng dạy học theo chương trình mới; nhiều HS lớp 1 tại các trường thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo nên việc tự bỏ kinh phí để mua sách giáo khoa (SGK) cũng khó khăn đối với phụ huynh. Tuy nhiên, khó khăn nhất là do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên trong dịp hè năm 2020, các trường không thể tổ chức những lớp tăng cường tiếng Việt cho HS dân tộc thiểu số chuẩn bị bước vào lớp 1; vì thế, khả năng giao tiếp bằng tiếng phổ thông của các em hạn chế.
Trước thực trạng nói trên, ngành Giáo dục huyện Khánh Sơn đã chỉ đạo các trường tập trung thực hiện các giải pháp từng bước tháo gỡ khó khăn để triển khai tốt chương trình giảng dạy đã đề ra. Các trường thống nhất chọn bộ SGK “Kết nối tri thức với cuộc sống” (có 8 đầu sách), có nội dung chương trình, giá thành phù hợp với HS miền núi và điều kiện kinh tế của phụ huynh. Cô Ngô Thị Thanh Hường - Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học Sơn Bình cho biết, trường đã chỉ đạo bộ phận chuyên môn đẩy mạnh các hoạt động thăm lớp, dự giờ để GV rút kinh nghiệm, trao đổi, học hỏi, giúp đỡ lẫn nhau về những phương pháp giảng dạy phù hợp, hiệu quả. GV chủ nhiệm tranh thủ thời gian 15 phút đầu giờ, thời gian học buổi chiều để tăng cường tiếng Việt cho HS, rèn luyện các em vào nề nếp. Đồng thời, GV ứng tiền trước để mua SGK, bảo đảm tất cả HS khối lớp 1 của trường có đủ SGK ngay từ đầu năm học. “Về đồ dùng dạy học, trường chỉ đạo GV sử dụng bộ thiết bị dạy học của chương trình giáo dục cũ để phục vụ giảng dạy và học tập. Bên cạnh đó, GV sẽ làm thêm một số đồ dùng dạy học khác như: Tranh ảnh, biểu bảng, chuẩn bị thêm một số mẫu vật học trực quan để giúp các em phát huy được năng lực giúp tiết học đạt hiệu quả cao hơn”, cô Nguyễn Thị Mỹ Cẩm - Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học Ba Cụm Bắc cho biết.
Kết quả bước đầu
Sau 1 học kỳ triển khai thực hiện chương trình GDPT mới, các trường đã xây dựng kế hoạch thực hiện chương trình lớp 1 phù hợp với điều kiện đơn vị. GV đã áp dụng các phương pháp, kỹ năng dạy học theo định hướng phát triển phẩm chất, năng lực HS; nề nếp dạy học đã ổn định, tạo được sự chủ động, tự tin trong học tập cho HS; 100% lớp 1 tại các trường đã được học 2 buổi/ngày ngay từ đầu năm học. Kết thúc học kỳ I, 100% cán bộ quản lý và GV đã được tham gia các lớp tập huấn, bồi dưỡng chuyên đề; các trường đã hoàn thành giảng dạy nội dung học vần theo chương trình đã đề ra, chuyển sang nội dung tập đọc; có 78,1% HS lớp 1 hoàn thành môn Tiếng Việt, 77,8% HS hoàn thành môn Toán trong chương trình học kỳ I.
Ông Nguyễn Hữu Thơ - Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Khánh Sơn cho biết, phòng đã chỉ đạo các trường tiếp tục nỗ lực khắc phục khó khăn để thực hiện tốt nội dung giảng dạy học kỳ II, bảo đảm hoàn thành chương trình lớp 1 vào cuối năm học. Đồng thời, tích cực chuẩn bị nguồn nhân lực, cơ sở vật chất để thực hiện chương trình GDPT mới đối với lớp 2, lớp 6 trong năm học 2021 - 2022 và những lớp còn lại trong những năm tiếp theo đúng với kế hoạch, lộ trình của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
ĐINH LUẬN