11:12, 17/12/2020

Công tác phổ cập giáo dục và xóa mù chữ: Mức độ đạt chuẩn được nâng cao

Toàn tỉnh hiện có 139/140 xã, phường, thị trấn đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học mức độ 3 (mức độ cao nhất), 27 xã, phường, thị trấn đạt chuẩn phổ cập giáo dục Trung học cơ sở mức độ 3; 137 xã, phường, thị trấn đạt chuẩn xóa mù chữ mức độ 2. Tỷ lệ người biết chữ trong độ tuổi từ 15 đến 25 đạt 99,9%, từ 15 đến 35 tuổi đạt 99,6%, từ 15 đến 60 tuổi đạt 99,3 %.

Toàn tỉnh hiện có 139/140 xã, phường, thị trấn đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học mức độ 3 (mức độ cao nhất), 27 xã, phường, thị trấn đạt chuẩn phổ cập giáo dục THCS mức độ 3; 137 xã, phường, thị trấn đạt chuẩn xóa mù chữ mức độ 2. Tỷ lệ người biết chữ trong độ tuổi từ 15 đến 25 đạt 99,9%, từ 15 đến 35 tuổi đạt 99,6%, từ 15 đến 60 tuổi đạt 99,3 %.

Quan tâm đầu tư


Ông Lê Đình Thuần - Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) cho biết, thời gian qua, ngành GD-ĐT đã thực hiện nhiều kế hoạch, đề án, chính sách phát triển giáo dục; có nhiều giải pháp nhằm nâng cao chất lượng giáo dục, hạn chế việc lưu ban và bỏ học của học sinh, góp phần duy trì, củng cố kết quả phổ cập giáo dục và xóa mù chữ. Cụ thể, ngành đã đầu tư cơ sở vật chất; sắp xếp, bố trí đủ đội ngũ giáo viên cho các cấp học; tăng tỷ lệ huy động trẻ đến trường; giảm tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng ở cả 2 thể thấp còi và nhẹ cân, chủ yếu là trẻ đồng bào dân tộc thiểu số; tăng cường phân luồng học sinh sau THCS và triển khai phổ cập giáo dục trung học ở những nơi có điều kiện thuận lợi. Bên cạnh đó, sở phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể làm tốt công tác xóa mù chữ và xây dựng các trung tâm học tập cộng đồng, chú trọng đến việc xóa mù chữ cho các đối tượng từ 36 đến 60 tuổi ở các địa phương có điều kiện kinh tế - xã hội thuận lợi; tập trung ưu tiên xóa mù chữ cho phụ nữ, đồng bào dân tộc thiểu số độ tuổi 15 đến 35 và từng bước mở rộng độ tuổi xóa mù chữ ở những nơi khó khăn.

 

Tiết học tại Trường Tiểu học Khánh Bình (huyện Khánh Vĩnh).

Tiết học tại Trường Tiểu học Khánh Bình (huyện Khánh Vĩnh).


Theo thống kê của Sở GD-ĐT, tổng kinh phí chi cho công tác giáo dục mầm non, tiểu học, THCS và xóa mù chữ trên toàn tỉnh năm 2019 hơn 2.991 tỷ đồng. Trong đó, đầu tư xây dựng và mua sắm trang thiết bị hơn 241,5 tỷ đồng; kinh phí chi thường xuyên cho sự nghiệp GD-ĐT hơn 1.757 tỷ đồng; kinh phí huy động từ xã hội hóa do phụ huynh học sinh, các nhà hảo tâm đóng góp để tăng cường cơ sở vật chất cho các trường, hỗ trợ các lớp học linh hoạt, trao học bổng cho học sinh hơn 992,5 tỷ đồng. Đến nay, toàn tỉnh có 140/140 xã, phường, thị trấn và 9/9 huyện, thị xã, thành phố đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi, phổ cập giáo dục tiểu học, phổ cập giáo dục THCS, xóa mù chữ; mức độ đạt chuẩn cao hơn trước.


Vẫn còn khó khăn


Bên cạnh những kết quả đạt được, theo lãnh đạo Sở GD-ĐT, công tác phổ cập giáo dục, xóa mù chữ trên địa bàn tỉnh vẫn còn nhiều khó khăn, bất cập. Ở 2 huyện miền núi Khánh Sơn, Khánh Vĩnh và những vùng có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, việc học tập chưa được quan tâm, vốn tiếng Việt của trẻ còn hạn chế nên khó khăn khi tiếp thu bài, ảnh hưởng đến kết quả học tập, tỷ lệ học sinh lưu ban còn cao. Trong khi đó, ở các thị trấn, thị xã, thành phố, các khu đô thị mới mọc lên kèm theo tình trạng di dân và tăng dân số cơ học diễn ra nhanh, cơ sở vật chất trường không đáp ứng đủ nhu cầu. Ở một số trường, số học sinh/lớp đông đã ảnh hưởng đến chất lượng và kế hoạch phát triển giáo dục. Để đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học, nhiều trường phải tận dụng cơ sở vật chất, chia tách phòng học, phòng làm việc để tạm có các phòng chức năng…


Công tác xóa mù chữ cũng gặp không ít khó khăn; một số địa phương có tỷ lệ mù chữ mức độ 1 trong độ tuổi 15 - 60 còn cao (từ 2 đến 3,6%), nhất là ở một số xã khó khăn của 2 huyện miền núi và các khu vực đồng bằng có người dân tộc thiểu số sinh sống. Bản làng xa xôi, giao thông cách trở, khu vực ven biển, đảo có người dân vạn chài lênh đênh sông nước, cuộc sống bấp bênh, số người mù chữ sống rải rác, thiếu giáo viên dạy xóa mù chữ cắm ở địa bàn… đã ảnh hưởng đến việc tổ chức các lớp xóa mù chữ.

 
Để tiếp tục duy trì, củng cố, nâng cao các tiêu chí đạt chuẩn phổ cập giáo dục, xóa mù chữ, theo ông Lê Đình Thuần, Sở GD-ĐT sẽ tiếp tục huy động các nguồn lực để đầu tư cơ sở vật chất cho các trường, tổ chức tốt việc dạy học 2 buổi/ngày, nâng cao chất lượng tăng cường tiếng Việt cho học sinh dân tộc thiểu số... Ngoài số người chưa biết chữ, sở đã yêu cầu các phòng GD-ĐT phối hợp với các xã, phường, thị trấn thống kê, rà soát những người tái mù chữ, tổ chức lớp học linh hoạt, bồi dưỡng phương pháp, chuyên môn, nghiệp vụ xóa mù chữ cho cán bộ, giáo viên trong và ngoài ngành…


H.NGÂN