Sau 7 năm thực hiện Nghị quyết số 29 năm 2013 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, sự nghiệp giáo dục của tỉnh Khánh Hòa đã có những chuyển biến căn bản về chất lượng và hiệu quả.
Sau 7 năm thực hiện Nghị quyết số 29 năm 2013 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo (GD-ĐT), sự nghiệp GD của tỉnh Khánh Hòa đã có những chuyển biến căn bản về chất lượng và hiệu quả.
Những kết quả tích cực
Khánh Hòa là một trong những tỉnh có hệ thống mạng lưới trường, lớp các cấp học phát triển đa dạng, phủ kín các địa bàn, đồng bộ từ mầm non, phổ thông đến dạy nghề, đáp ứng nhu cầu học tập của học sinh và người dân. Các điều kiện đảm bảo cho dạy học ngày càng được tăng cường, cơ sở vật chất trường lớp được đầu tư theo hướng kiên cố hóa, chuẩn hóa. Đặc biệt, tỉnh là một trong những địa phương đi đầu cả nước trong việc thực hiện các chủ trương, chính sách phát triển miền núi và vùng dân tộc thiểu số. Trong đó, Đề án Củng cố và phát triển hệ thống trường phổ thông dân tộc nội trú tỉnh giai đoạn 2016 - 2020 đã góp phần tạo nên diện mạo mới khang trang cho các trường, tỷ lệ học sinh miền núi bỏ học giảm nhiều so với trước.
Là một trong những tỉnh hoàn thành phổ cập GD mầm non cho trẻ 5 tuổi và phổ cập GD tiểu học, THCS, xóa mù chữ sớm hơn thời gian quy định, đến nay, tỉnh vẫn tiếp tục duy trì, củng cố và nâng cao những kết quả đã đạt được. Tỷ lệ trẻ 5 tuổi được huy động ra lớp hàng năm hơn 99%. Kết quả thi học sinh giỏi quốc gia của tỉnh vài năm trở lại đây tăng về cả số lượng và chất lượng. Tỷ lệ tốt nghiệp THPT hàng năm đạt từ 93 đến 98%; tỷ lệ trúng tuyển đại học nằm trong top các tỉnh dẫn đầu...
Để đáp ứng yêu cầu đổi mới GD-ĐT, việc phát triển đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý được ngành GD tỉnh coi là một trong những nhiệm vụ trọng tâm. Hiện nay, tỷ lệ giáo viên các cấp học cơ bản đáp ứng theo yêu cầu. Chất lượng đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý các cấp được nâng lên và chuẩn hóa. Đặc biệt, ngành đã tập trung triển khai bồi dưỡng đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên để thực hiện chương trình, sách giáo khoa mới đối với lớp 1 từ năm học 2020 - 2021.
Một trong những nét nổi bật trong đổi mới công tác quản lý GD của tỉnh là việc đẩy mạnh giao quyền tự chủ cho các trường. Trên cơ sở đó, các nhà trường đã chủ động xây dựng, điều chỉnh kế hoạch dạy học, đổi mới phương pháp giảng dạy theo hướng phát triển phẩm chất, năng lực học sinh, quan tâm GD tư tưởng, đạo đức, lối sống, kỹ năng sống... Ngành cũng triển khai nhiều giải pháp nhằm đưa môn Ngoại ngữ vào giảng dạy một cách có hệ thống từ cấp tiểu học đến THPT; tích cực triển khai ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, điều hành, đổi mới phương pháp dạy học… phù hợp với xu thế hội nhập quốc tế.
Tiếp tục tạo sự chuyển biến
Hiện nay, toàn tỉnh có 537 trường mầm non, phổ thông, 5 trung tâm GD thường xuyên với tổng số hơn 21.900 cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên và hơn 286.000 học sinh. Năm học 2020 - 2021, toàn ngành GD-ĐT tỉnh được đầu tư gần 640 tỷ đồng để thực hiện các đề án xây dựng, sửa chữa trường lớp, mua sắm trang thiết bị, đồ dùng dạy học... |
Bên cạnh những kết quả đạt được, việc thực hiện đổi mới GD-ĐT trên địa bàn tỉnh vẫn đứng trước không ít khó khăn như: Năng lực của một bộ phận cán bộ quản lý còn hạn chế; một bộ phận giáo viên còn chậm đổi mới; cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ dạy và học chưa đồng bộ; chất lượng GD ở một số vùng khó khăn chưa cao; nguồn lực thu hút đầu tư cho GD chưa đáp ứng nhu cầu, chưa đồng đều giữa các huyện, thị xã, thành phố...
Ông Võ Hoàn Hải - Giám đốc Sở GD-ĐT cho biết, giai đoạn 2020 - 2025, ngành GD tỉnh phấn đấu tiếp tục tạo sự chuyển biến căn bản, mạnh mẽ về chất lượng, hiệu quả GD-ĐT. Để làm tốt điều này, trước hết, cần tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy, sự quản lý của các cấp chính quyền, nâng cao hiệu quả phối hợp giữa các sở, ngành và các cấp quản lý trong việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 29. Bên cạnh đó, thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ quản lý và giáo viên các cấp; triển khai có hiệu quả chương trình, sách giáo khoa mới và Đề án GD hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh trong GD phổ thông giai đoạn 2018 - 2025. Đồng thời, tiếp tục đổi mới nội dung, phương pháp dạy và học, kiểm tra, đánh giá; nâng cao chất lượng dạy học ngoại ngữ, đặc biệt là tiếng Anh ở cấp học phổ thông.
Ngành GD tỉnh cũng sẽ phối hợp với các sở, ngành, địa phương tham mưu UBND tỉnh đầu tư xây dựng, nâng cấp, sửa chữa hệ thống trường, lớp, đầu tư trang thiết bị dạy học cho các trường, nhất là khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa để triển khai tốt chương trình, sách giáo khoa mới và hướng tới mục tiêu nâng tỷ lệ trường đạt chuẩn quốc gia lên gần 66% vào năm 2025. Đồng thời, đẩy mạnh xã hội hóa GD; xây dựng cơ chế, chính sách mở để khuyến khích các cá nhân, doanh nghiệp và toàn xã hội tham gia đầu tư cho sự nghiệp “trồng người”.
H.Ngân