Chuẩn hóa đội ngũ giáo viên, đầu tư cơ sở vật chất, khuyến khích dạy học tiếng Anh tích hợp trong các môn học... là những nhiệm vụ Sở Giáo dục và Đào tạo đặt ra trong năm học 2020 - 2021 nhằm nâng cao chất lượng dạy và học tiếng Anh.
Chuẩn hóa đội ngũ giáo viên (GV), đầu tư cơ sở vật chất, khuyến khích dạy học tiếng Anh tích hợp trong các môn học... là những nhiệm vụ Sở Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) đặt ra trong năm học 2020 - 2021 nhằm nâng cao chất lượng dạy và học tiếng Anh.
Bồi dưỡng đội ngũ giáo viên
Để đáp ứng yêu cầu nâng cao chất lượng, hiệu quả dạy học cũng như yêu cầu của Chương trình Giáo dục phổ thông mới, GV môn Tiếng Anh phải đạt chuẩn cả về năng lực tiếng Anh và nghiệp vụ sư phạm phù hợp với cấp học theo quy định của Bộ GD-ĐT. Vì vậy, hàng năm, Sở GD-ĐT đã tiến hành rà soát, bồi dưỡng cho đội ngũ này theo chương trình của Đề án Ngoại ngữ Quốc gia. Năm 2019, sở phối hợp với Trường Đại học Ngoại ngữ (Đại học Đà Nẵng) bồi dưỡng nâng cao năng lực tiếng Anh cho 46 GV Tiếng Anh cấp THCS và THPT, bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm cho 170 GV Tiếng Anh các cấp, đồng thời phối hợp với Trường Đại học Ngoại ngữ (Đại học Huế) để tiến hành khảo sát. Sở GD-ĐT cũng phối hợp với Công ty Công nghệ Giáo dục 3A dạy bồi dưỡng nâng cao năng lực ngoại ngữ cho 20 GV từ trình độ B2 lên C1, 65 GV từ trình độ B1 lên B2 và được Tổ chức giáo dục Pearson (tổ chức cấp nhiều loại bằng cấp có giá trị công nhận quốc tế) khảo thí. Bên cạnh đó, sở và các trường cũng tổ chức nhiều hoạt động chuyên môn, chuyên đề, tập huấn, bồi dưỡng GV, sinh hoạt chuyên môn cụm để chia sẻ kinh nghiệm trong việc giảng dạy tiếng Anh, tập huấn kỹ năng viết, tập huấn phương pháp giảng dạy Chương trình tiếng Anh 10 năm cho GV Tiếng Anh cấp THCS và THPT.
Trên cơ sở đội ngũ GV được bồi dưỡng đạt yêu cầu về năng lực, nghiệp vụ và điều kiện cơ sở vật chất ở các trường, từ năm học 2019 - 2020, Sở GD-ĐT đã chỉ đạo thực hiện đại trà Chương trình tiếng Anh 10 năm cho học sinh lớp 6 và một số lớp 7, 8, 9 trên địa bàn tỉnh (24.002/75.912 học sinh, chiếm 31,6%). Đối với cấp THPT, các trường đều dạy đại trà Chương trình tiếng Anh 10 năm cho học sinh lớp 10 và một số lớp 11, 12 (5.350/36.707 học sinh, chiếm 41,8%). Toàn tỉnh có 317/439 GV Tiếng Anh THCS và 197/242 GV Tiếng Anh THPT tham gia giảng dạy Chương trình tiếng Anh 10 năm.
Vẫn còn nhiều hạn chế
Chất lượng dạy và học tiếng Anh những năm gần đây tuy đã có một số cải thiện, song vẫn còn nhiều hạn chế và chưa đồng đều. Cơ hội học tập để nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ của GV Tiếng Anh vùng khó khăn và miền núi còn ít. Nhiều học sinh vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn chưa có cơ hội được học tiếng Anh theo chương trình mới. Năng lực tiếng Anh của nhiều học sinh ở các khối lớp đầu cấp vẫn chưa đáp ứng được tiêu chuẩn học tiếng Anh theo chương trình mới do Bộ GD-ĐT quy định (lớp 6 đạt bậc A1 và lớp 10 đạt bậc A2). Những hạn chế về dạy và học tiếng Anh thể hiện rõ qua kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT 2020, khi chưa tới một nửa số bài thi đạt điểm trên trung bình và đây là môn có phổ điểm thấp nhất trong tất cả các môn.
Đến nay, toàn tỉnh có 814/946 GV đã đạt theo quy định của Bộ GD-ĐT về năng lực ngoại ngữ, chiếm 86,4%. Trong đó, cấp tiểu học có 218/265 GV đạt chuẩn B2 trở lên, chiếm 82,2%; cấp THCS có 383/439 GV đạt chuẩn B2 trở lên, chiếm 93,9%; cấp THPT có 219/242 GV đạt chuẩn C1, chiếm 90,4%; tỷ lệ GV đạt chuẩn B2, C1 chưa tuyệt đối là do còn một số GV lớn tuổi, gần về hưu và GV các trường tư thục, ngoài công lập. |
Ông Lê Đình Thuần - Phó Giám đốc Sở GD-ĐT cho biết, thời gian tới, sẽ tiếp tục chuẩn hóa năng lực cho đội ngũ GV môn Tiếng Anh; tổ chức bồi dưỡng và thi nâng ngạch GV Tiếng Anh đạt hiệu quả; củng cố bổ sung đội ngũ GV cốt cán để từng bước đổi mới phương pháp, nâng cao chất lượng giảng dạy. Mặt khác, cần đầu tư điều kiện cơ sở vật chất để tăng số học sinh và số lớp học tiếng Anh theo Đề án Ngoại ngữ Quốc gia; khuyến khích triển khai dạy tiếng Anh tích hợp trong các môn học khác; dạy Toán và các môn khoa học bằng tiếng Anh tại các trường có đủ điều kiện. Đồng thời, các trường cần tăng cường sân chơi để học sinh có điều kiện rèn luyện, giao tiếp tiếng Anh. Năm học này, sở sẽ tổ chức Hội thi hùng biện tiếng Anh cho học sinh cấp THCS và THPT.
Riêng đối với Trường THPT Chuyên Lê Quý Đôn (TP. Nha Trang), Sở GD-ĐT đã chỉ đạo nhà trường tạo điều kiện cho GV, cán bộ quản lý tham gia các khóa bồi dưỡng và tự học để nâng cao năng lực tiếng Anh. Từ đó, triển khai dạy một số tiết các môn: Toán, Vật lý, Hóa học, Sinh học bằng tiếng Anh; xây dựng kế hoạch trình Sở GD-ĐT cử GV đi đào tạo tập trung để nâng cao trình độ tiếng Anh, tiến tới thực hiện dạy song ngữ tiếng Anh đối với môn Toán cho các lớp chuyên Toán trong những năm học tiếp theo...
H.NGÂN