Thời gian qua, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đã phối hợp với các trường học trong tỉnh đẩy mạnh việc chăm sóc, bảo vệ trẻ em, trong đó chú trọng tổ chức nhiều hoạt động ngoại khóa để giúp trẻ có thể tự bảo vệ bản thân.
Thời gian qua, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB-XH) đã phối hợp với các trường học trong tỉnh đẩy mạnh việc chăm sóc, bảo vệ trẻ em, trong đó chú trọng tổ chức nhiều hoạt động ngoại khóa để giúp trẻ có thể tự bảo vệ bản thân.
Tuyên truyền tại nhà trường
Vừa qua, tại Trường THCS Thái Nguyên, TP. Nha Trang diễn ra buổi tập huấn “Tăng cường kỹ năng phòng ngừa, nguy cơ tự bảo vệ trẻ” với hơn 100 học sinh (HS) tham gia. Với chủ đề “Phòng, chống xâm hại tình dục trẻ em”, các chuyên gia đã có cách truyền đạt lôi cuốn, hấp dẫn khi khéo léo lồng ghép các câu chuyện từ thực tế. Nhờ đó, các HS và thầy cô giáo hiểu rõ hơn về thực trạng xâm hại trẻ em. Những kỹ năng cơ bản để phòng, chống xâm hại, bảo vệ bản thân, phát hiện người xấu... được phổ biến một cách trực quan, dễ hiểu, giúp các em tự liên hệ bản thân cần làm gì khi gặp phải những tình huống ấy ngoài đời thực.
Việc tạo tâm lý thoải mái, cởi mở trong buổi ngoại khóa đã giúp HS dễ dàng chia sẻ suy nghĩ, tâm tư và thẳng thắn phát biểu ý kiến của bản thân về vấn đề khá nhạy cảm này. Em Ngô Hạnh Uyên (HS lớp 7/10) cho biết: “Qua buổi tuyên truyền, em có thêm kiến thức pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em, kỹ năng tự bảo vệ mình khi có nguy cơ bị xâm hại. Em mong rằng, mỗi HS sẽ tự trang bị cho mình những kỹ năng cần thiết, từ đó chủ động bảo vệ mình trước những nguy cơ xấu có thể xảy ra”.
Bà Nguyễn Đình Hồng Loan - Phó Trưởng phòng Bảo trợ xã hội - Trẻ em và Bình đẳng giới (Sở LĐ-TB-XH) cho biết, trong tháng 6 vừa qua, ngoài Trường THCS Thái Nguyên, sở đã triển khai tuyên truyền tại Trường THCS Mê Linh (huyện Vạn Ninh), Trường THCS Chu Văn An (thị xã Ninh Hòa) với hơn 300 HS tham dự. Hoạt động này không chỉ nâng cao nhận thức cho HS về vấn đề giới tính, mà qua đó tiếp tục tăng cường sự phối hợp giữa nhà trường, gia đình và xã hội trong việc chủ động phòng ngừa, ngăn chặn các hành vi bạo lực học đường, xâm hại trẻ em, xây dựng môi trường học đường lành mạnh.
Cần sự phối hợp chặt chẽ
Thời gian qua, các trường trên địa bàn tỉnh đã phối hợp chặt chẽ với Sở LĐ-TB-XH thực hiện các biện pháp bảo vệ trẻ em. Cụ thể, rà soát các tiêu chuẩn trường học bảo đảm môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện, phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em; xây dựng các mô hình tham vấn bảo vệ trẻ em trong trường học; thiết lập cơ chế trong trường học để HS báo cáo khi phát hiện các dấu hiệu, hành vi xâm hại trẻ em, từ đó chủ động phát hiện các trường hợp có dấu hiệu bị bạo lực, xâm hại, kịp thời điều tra, xử lý.
Bên cạnh đó, các trường đẩy mạnh các phong trào xây dựng trường học “Xanh - sạch - đẹp - an toàn”, “Xây dựng trường học thân thiện, HS tích cực”; kịp thời phát hiện trường hợp HS có dấu hiệu bị bạo lực, xâm hại, thông báo, cung cấp thông tin và phối hợp với cơ quan có thẩm quyền để thực hiện việc điều tra, xử lý. “Mỗi tháng, chúng tôi thường tổ chức các hoạt động giáo dục kỹ năng, giúp HS nắm được những kiến thức cơ bản về phòng, chống bạo lực học đường và xâm hại trẻ em... Đồng thời, tăng cường sự phối hợp giữa nhà trường, gia đình và xã hội trong việc chủ động phòng ngừa, ngăn chặn các hành vi bạo lực học đường, xâm hại trẻ em, xây dựng môi trường sống an toàn cho trẻ tại gia đình, trường học và cộng đồng”, cô Nguyễn Thị Quỳnh Hoa - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Phước Tiến cho biết.
Theo bà Nguyễn Đình Hồng Loan, công tác giáo dục kỹ năng phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em trong các nhà trường còn gặp một số khó khăn. Một số nhà trường chưa bảo đảm về cơ sở vật chất, chưa có tường rào che chắn khiến kẻ gian dễ dàng đột nhập. Nhiều phụ huynh chưa quan tâm, hướng dẫn con em mình các kỹ năng nhận biết và phòng tránh các nguy cơ bị bạo hành, xâm hại... Vì vậy, việc phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em rất cần sự phối hợp chặt chẽ giữa gia đình, nhà trường và xã hội để trẻ được sống trong một môi trường an toàn, lành mạnh.
THANH TRÚC