Sở Giáo dục và Đào tạo vừa hướng dẫn các phòng Giáo dục và Đào tạo thực hiện công tác tuyển sinh lớp 1 năm học 2020 - 2021. Theo đó, trước ngày 15-8, các địa phương phải hoàn thành công tác tuyển sinh.
Sở Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) vừa hướng dẫn các phòng GD-ĐT thực hiện công tác tuyển sinh lớp 1 năm học 2020 - 2021. Theo đó, trước ngày 15-8, các địa phương phải hoàn thành công tác tuyển sinh.
Sơ tuyển các hồ sơ trái tuyến
Ông Hà Văn Thông - Trưởng phòng Giáo dục Mầm non - Giáo dục Tiểu học, Sở GD-ĐT cho biết, các phòng GD-ĐT có nhiệm vụ chủ động xây dựng kế hoạch phân tuyến và hướng dẫn tổ chức tuyển sinh năm học 2020 - 2021 phù hợp với địa phương, trình UBND các huyện, thị xã, thành phố phê duyệt, đảm bảo huy động tất cả trẻ em trong độ tuổi lớp 1 đến trường. Khi xây dựng phương án tuyển sinh, cần tăng cường cơ sở vật chất, xây dựng phòng học đảm bảo đủ chỗ học cho trẻ, giảm sĩ số học sinh (HS) đối với những trường có sĩ số HS/lớp quá cao, tránh tình trạng quá tải ở một số trường trọng điểm. Căn cứ quyết định giao chỉ tiêu và kế hoạch tuyển sinh lớp 1, hiệu trưởng các trường ra quyết định thành lập Hội đồng tuyển sinh lớp 1, thành phần gồm: hiệu trưởng, phó hiệu trưởng, thanh tra nhân dân, công đoàn, tổng phụ trách đội, một số giáo viên và nhân viên văn phòng. Chủ tịch Hội đồng tuyển sinh lớp 1 sẽ cử tổ công tác có trách nhiệm tiếp nhận hồ sơ xin vào học. Trước ngày 15-8, công tác tuyển sinh phải hoàn thành.
Để hạn chế tình trạng chạy trường, chạy lớp, Sở GD-ĐT yêu cầu, đối với những trường hợp trái tuyến, nhà trường phải tiến hành sơ tuyển trước khi gửi hồ sơ về Hội đồng tuyển sinh lớp 1 cấp huyện, có biên bản họp đầy đủ chữ ký của các thành viên trong hội đồng. Các trường hợp tuyển sinh trái tuyến phải được sự phê duyệt của Hội đồng tuyển sinh lớp 1 cấp huyện. Bên cạnh đó, khi biên chế HS vào lớp 1 và phân công giáo viên chủ nhiệm, các trường phải lấy ngẫu nhiên hồ sơ HS để lập danh sách HS của từng lớp, đảm bảo cân bằng giới trong từng lớp. Việc này phải được thực hiện công khai và thể hiện bằng biên bản. Việc thay đổi HS từ lớp này sang lớp khác chỉ thực hiện khi thật sự cần thiết, có lý do chính đáng và phải được công khai để tạo tâm lý ổn định cho HS khi vào học.
Bên cạnh đó, các trường cũng tuyệt đối không được khảo sát trình độ của trẻ trước khi vào lớp 1. Giáo viên lớp 1 khi nhận lớp cần nghiên cứu hồ sơ HS để biết trẻ đã hoàn thành hay chưa hoàn thành chương trình giáo dục mầm non (mẫu giáo 5 - 6 tuổi) để có kế hoạch dạy học phù hợp với đối tượng HS, nghiêm cấm tình trạng dạy theo số đông đã biết chữ mà bỏ rơi những HS khác. Ngoài ra, các trường không được tổ chức lớp chọn theo yêu cầu của cha mẹ hoặc theo khả năng đọc, viết của HS…
Chuẩn bị tâm thế tốt cho trẻ
Theo ông Hà Văn Thông, phụ huynh có con vào lớp 1 đều không tránh khỏi tâm lý lo lắng. Trẻ bước vào một cấp học mới, một môi trường mới cũng sẽ bỡ ngỡ. Vì vậy, các trường phải tổ chức các hoạt động tiếp nhận HS lớp 1 chu đáo để tạo ấn tượng đẹp, gây hứng thú cho các em khi đến trường. Trong 1 tuần đầu tiên khi HS tựu trường, giáo viên cần hướng dẫn HS làm quen với việc chuẩn bị cặp, sách vở, đồ dùng học tập, chỗ ngồi, giới thiệu về nhà trường, thầy cô, bạn bè... để giúp trẻ làm quen với không gian và nề nếp học tập. Mặt khác, thường xuyên trao đổi, hợp tác với cha mẹ HS về những trường hợp trẻ nhút nhát, sợ sệt để tạo cho các em tâm lý thoải mái, tự tin và thích thú đi học.
Bên cạnh đó, giáo viên cần chú ý hướng dẫn HS ngồi đúng tư thế, cách cầm bút, đặt vở, mở trang sách giáo khoa... Giáo viên chú trọng dạy HS kỹ năng giao tiếp như: Cách xưng hô, phép lịch sự trong sinh hoạt hàng ngày; cách diễn đạt, trình bày với thầy cô, bạn bè, cha mẹ... Khi vào chương trình, giáo viên không được phân biệt HS biết và chưa biết đọc, viết, tuyệt đối không bỏ qua bài học mà phải hướng dẫn đầy đủ các bước theo quy trình dạy của từng môn học. Đối với HS đã biết đọc, viết, giáo viên cần kiểm tra lại tư thế ngồi, cách cầm bút, đặt bút, nối nét, cách cầm sách, cách đọc sách… để có điều chỉnh kịp thời và giao việc cho HS tìm hiểu thêm bài học. Với những trẻ chưa qua lớp mẫu giáo 5 - 6 tuổi, trong “Tuần lễ làm quen”, nhà trường cần dành 2 buổi phối hợp với các trường mầm non trên địa bàn có kế hoạch giúp đỡ, rèn luyện cho các em một số kiến thức, kỹ năng làm quen với môi trường học tập để chuẩn bị tâm lý cho các em vào học lớp 1.
H.NGÂN