Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) vừa công bố đề tham khảo kỳ thi THPT quốc gia năm 2020 ngay sau khi ban hành hướng dẫn tinh giản nội dung từng môn học ở các cấp. Đây là cơ sở để các nhà trường tổ chức dạy học, định hướng ôn tập chuẩn bị cho kỳ thi THPT quốc gia dự kiến diễn ra từ ngày 8 đến 11-8.
Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) vừa công bố đề tham khảo kỳ thi THPT quốc gia năm 2020 ngay sau khi ban hành hướng dẫn tinh giản nội dung từng môn học ở các cấp. Đây là cơ sở để các nhà trường tổ chức dạy học, định hướng ôn tập chuẩn bị cho kỳ thi THPT quốc gia dự kiến diễn ra từ ngày 8 đến 11-8.
Công bố đề thi tham khảo
Đề tham khảo được ra cho 5 bài thi gồm: Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ, Khoa học tự nhiên (tổ hợp các môn thành phần: Vật lý, Sinh học, Hóa học), Khoa học xã hội (Lịch sử, Địa lý, Giáo dục công dân) và được đăng tải trên trang thông tin điện tử của Bộ GD-ĐT tại địa chỉ:
http://www.moet.gov.vn. Ngoại trừ Ngữ văn thi theo hình thức tự luận, các bài thi còn lại thi theo hình thức trắc nghiệm khách quan. Đề Ngữ văn được đánh giá là vừa tầm, ra theo hướng mở để phân hóa học sinh (HS); cấu trúc đề cân đối giữa các phần đọc hiểu (3 điểm) và phần làm văn (7 điểm). Đề Toán và bài thi Khoa học tự nhiên cũng được coi là vừa sức, một số câu cuối có tính phân loại HS. Đề Khoa học xã hội đòi hỏi HS vận dụng tư duy chứ không chỉ ghi nhớ máy móc. Các nội dung đã được Bộ GD-ĐT tinh giản không có trong đề tham khảo và cũng sẽ không được đưa vào đề thi chính thức.
Thầy Trương Minh Trình - Hiệu trưởng Trường THPT Lý Tự Trọng (TP. Nha Trang) cho biết, nhà trường yêu cầu tổ chuyên môn phân tích kỹ đề tham khảo của Bộ GD-ĐT ở 4 mức độ (nhận biết, thông hiểu, vận dụng và vận dụng cao), phân tích ma trận đề để định hướng dạy, học và ôn tập cho HS. Theo bộ, phần lớn nội dung đề thi THPT quốc gia năm 2020 nằm trong chương trình lớp 12 và chủ yếu là trong chương trình học kỳ I; còn nội dung kiến thức học kỳ II đã được tinh giản nhiều. Tuy nhiên, đề thi THPT quốc gia năm nào cũng có sự phân hóa để phù hợp với tính chất của kỳ thi “2 trong 1” nên để tránh hiện tượng HS chủ quan, nhà trường yêu cầu giáo viên ôn tập giúp HS vừa nắm chắc kiến thức cơ bản, vừa phải rèn luyện tư duy, vận dụng kiến thức. Hiện nay, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên nhà trường thông qua tổ chuyên môn cung cấp kiến thức ôn tập, dạy học qua Internet, học qua truyền hình..., còn HS phải thể hiện ý thức tự học là chính. Khi các em đi học trở lại, tùy vào quỹ thời gian mà nhà trường tổ chức dạy phù hợp để kết thúc chương trình và lên kế hoạch luyện thi các môn của kỳ thi THPT quốc gia.
Cô Nguyễn Thị Thanh Vân - Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Thiện Thuật (TP. Nha Trang) cho biết, kế hoạch ôn tập cho HS khối 12 đã được nhà trường xây dựng từ đầu năm học, phân công các tổ, nhóm chuyên môn triển khai thực hiện. Do ảnh hưởng dịch bệnh, thời gian qua, nhà trường đã triển khai dạy trực tuyến, yêu cầu tất cả HS tham gia và hỗ trợ đối với những em không có điều kiện học trực tuyến. Việc Bộ GD-ĐT hướng dẫn tinh giản nội dung dạy và học, công bố đề thi tham khảo là một trong những cơ sở quan trọng để các trường có căn cứ xây dựng và điều chỉnh kế hoạch ôn tập phù hợp, giáo viên thuận lợi hơn nhiều trong việc khoanh vùng kiến thức để ôn tập cho HS trong điều kiện thời gian năm học không còn nhiều.
Tổ chức tốt việc học trực tuyến, qua truyền hình
Ông Nguyễn Sinh Cung - Trưởng phòng Giáo dục Trung học - Giáo dục Thường xuyên Sở GD-ĐT cho biết, trước mắt, trong điều kiện HS chưa thể đến trường, sở yêu cầu các trường tiếp tục hướng dẫn HS theo dõi các bài ôn tập, củng cố kiến thức các bộ môn: Toán học, Ngữ văn và tiếng Anh dành cho HS cuối cấp được phát trên Đài Phát thanh và Truyền hình Khánh Hòa. Sau mỗi bài giảng, yêu cầu giáo viên bộ môn dạy các lớp phải có biện pháp giải đáp những thắc mắc của HS thông qua điện thoại hoặc các công cụ hỗ trợ qua Internet như: e-mail, zalo, facebook, zoom meeting... Ngoài những kênh truyền hình đã được sở giới thiệu, các đơn vị tiếp tục giới thiệu thêm các kênh truyền hình địa phương như: Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh... cho phụ huynh và HS được biết để theo dõi, học tập.
Bên cạnh đó, các trường cần lựa chọn các phần mềm dạy học trực tuyến phù hợp, xây dựng kế hoạch tổ chức các tiết học, buổi học trực tuyến. Kế hoạch cần quy định cụ thể về thời gian, theo môn học, lớp học, giáo viên và HS thực hiện tương tự như thời khóa biểu áp dụng khi dạy trực tiếp. Nội dung học trực tuyến phải được điều chỉnh theo từng môn học theo nội dung tinh giản được Bộ GD-ĐT ban hành vào cuối tháng 3. Bên cạnh đó, nếu có thể, các trường chỉ đạo tổ, nhóm chuyên môn, giáo viên bộ môn rà soát chương trình học kỳ II với những kiến thức trọng tâm để xây dựng các tiết học theo chủ đề nhằm tiết kiệm thời gian dạy trực tiếp khi HS đi học trở lại. Mặt khác, các tổ, nhóm chuyên môn, giáo viên cần xây dựng bài dạy bằng nhiều hình thức phù hợp như: bài giảng lồng tiếng trong powerpoint, video clip... để đăng tải trên website nhà trường nhằm tạo điều kiện cho HS tải về tự học. Tùy theo tình hình, sở sẽ tiếp tục có các chỉ đạo, hướng dẫn việc dạy học và ôn tập tới các trường.
H.NGÂN