11:03, 31/03/2020

Đảm bảo chất lượng dạy và học trực tuyến

Sở Giáo dục và Đào tạo vừa kiểm tra việc tổ chức các khóa học, ôn tập trực tuyến cho học sinh tại các trường Trung học cơ sở và Trung học phổ thông trên địa bàn thành phố Nha Trang. Qua đó chỉ đạo khắc phục những tồn tại để việc dạy và học trực tuyến đảm bảo hiệu quả, chất lượng.

Sở Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) vừa kiểm tra việc tổ chức các khóa học, ôn tập trực tuyến cho học sinh (HS) tại các trường THCS và THPT trên địa bàn TP. Nha Trang. Qua đó chỉ đạo khắc phục những tồn tại để việc dạy và học trực tuyến đảm bảo hiệu quả, chất lượng.


Nhiều hình thức dạy trực tuyến


Đoàn đã kiểm tra ở các trường THCS: Võ Thị Sáu, Nguyễn Hiền, Võ Văn Ký, Mai Xuân Thưởng, Thái Nguyên, Âu Cơ, Yersin, Trưng Vương và các trường THPT: Nguyễn Văn Trỗi, Lý Tự Trọng, Nguyễn Thiện Thuật, Phạm Văn Đồng, Lê Thánh Tôn, Hoàng Văn Thụ, Hà Huy Tập, Dân tộc nội trú tỉnh, iSchool Nha Trang. Việc triển khai dạy trực tuyến được các trường phối hợp với VNPT Khánh Hòa và Viettel Khánh Hòa tập huấn cho tất cả giáo viên, cán bộ quản lý sử dụng phần mềm E-learning hoặc ViettelStudy.

 

Học sinh Trường THCS Thái Nguyên học trực tuyến.

Học sinh Trường THCS Thái Nguyên học trực tuyến.

 
Bên cạnh đó, nhiều trường và giáo viên đã chủ động tìm kiếm, giới thiệu và triển khai những phần mềm miễn phí, hỗ trợ cho giáo viên và HS dạy trực tuyến hiệu quả như: Google classroom, Zoom Cloud meetings, SHup Classroom, Google Forms và các mạng xã hội như: zalo, facebook, messenger, e-mail. Riêng Trường iSchool Nha Trang đã sử dụng phần mềm Ctest online để giảng dạy cho khối lớp THCS và THPT từ trước khi Sở GD-ĐT tập huấn, giới thiệu phần mềm E-Learning và ViettelStudy, với 100% HS của trường đủ điều kiện tham gia học trực tuyến.


Theo đánh giá của Sở GD-ĐT, các trường đã thực hiện đúng hướng dẫn của sở về việc tổ chức các khóa học, ôn tập trực tuyến cho HS. Trong đó, chủ động xây dựng kế hoạch tổ chức dạy học trực tuyến phù hợp với điều kiện của từng trường; quy định cụ thể về thời gian, môn học, lớp, giáo viên, phương thức thực hiện. Các trường cũng phân công người theo dõi, thẩm định nội dung, chất lượng bài soạn trước khi đăng lên hệ thống, theo dõi, kiểm tra đánh giá việc thực hiện tự học của HS. Các tổ chuyên môn, giáo viên bộ môn đã tổ chức rà soát chương trình với các kiến thức trọng tâm để xây dựng các khóa học, các chủ đề ôn tập, hỗ trợ kiến thức, kỹ năng cho HS; phân công nhiệm vụ cụ thể cho giáo viên đưa bài giảng lên hệ thống. Đồng thời, thông báo cho phụ huynh và HS việc triển khai các khóa học, ôn tập trực tuyến để phối hợp với nhà trường trong việc theo dõi, nhắc nhở HS thực hiện. Đối với những HS không có điều kiện tự học trực tuyến, trường đã cung cấp tài liệu bằng bản giấy để phát cho HS.


Kiểm tra, giám sát  việc học tập


Bên cạnh những hiệu quả bước đầu, việc dạy học trực tuyến ở các trường vẫn còn những hạn chế, vướng mắc. Ông Nguyễn Sinh Cung - Trưởng phòng Giáo dục Trung học Sở GD-ĐT cho biết, việc sử dụng phần mềm E-learning, ViettelStudy ở hầu hết các trường chưa đạt hiệu quả cao. Lý do là đường truyền Internet chậm, việc tương tác giữa giáo viên và HS còn hạn chế. Một số trường chưa áp dụng cho tất cả các bộ môn. Mặc khác, ý thức tham gia ôn tập và học online của HS chưa cao, nhiều em tham gia chỉ mang tính qua loa, chiếu lệ. Một số trường cũng chưa phân loại HS không có điều kiện học trực tuyến, không có kế hoạch hợp lý trong việc cấp phát tài liệu cho HS dẫn đến lãng phí và tập trung đông người...


Theo ông Nguyễn Sinh Cung, các trường đã được kiểm tra và các trường trên địa bàn tỉnh nói chung cần tiếp tục chủ động tìm kiếm và thống nhất lựa chọn phần mềm hỗ trợ tốt, hiệu quả cho công tác dạy và học trực tuyến, tránh tình trạng mỗi giáo viên chọn một phương thức riêng, gây khó khăn cho HS trong việc phải cài đặt nhiều phần mềm theo yêu cầu của từng giáo viên. Các trường cũng cần chủ động liên hệ với phụ huynh trong việc giám sát việc học tập của HS; biên soạn lại các đơn vị kiến thức thành các chuyên đề dạy học sao cho đảm bảo tính khoa học, ngắn gọn. Giáo viên có nhiệm vụ kiểm tra, đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ học tập của HS. Kết quả này sẽ được sử dụng thay cho các bài kiểm tra thường xuyên theo quy định của Bộ GD-ĐT về đánh giá, xếp loại học sinh tiểu học, THCS, THPT.


H.NGÂN