08:12, 19/12/2019

"Dạy chữ" gắn với "dạy người"

Ngày 4-12, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 31 về tăng cường giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh. Trong đó, chú trọng "dạy chữ" đi đôi với "dạy người", góp phần thực hiện mục tiêu giáo dục học sinh toàn diện.

Ngày 4-12, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 31 về tăng cường giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh (HS). Trong đó, chú trọng “dạy chữ” đi đôi với “dạy người”, góp phần thực hiện mục tiêu giáo dục HS toàn diện.


Cần quan tâm hơn


Theo lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT), những năm qua, công tác GD đạo đức, chính trị tư tưởng, định hướng lý tưởng cách mạng, đạo đức lối sống cho HS tại các đơn vị, trường học trong tỉnh đã đi vào chiều sâu và có sức lan tỏa rộng. Đa số HS thể hiện lòng tự hào dân tộc, lòng yêu quê hương, đất nước, luôn tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, mong muốn được học tập, lao động sáng tạo, rèn luyện và cống hiến sức trẻ. Công tác phối hợp giữa Sở GD-ĐT với các ngành liên quan trong việc GD toàn diện HS được triển khai sâu rộng, đa dạng về nội dung, hình thức như: các hoạt động định hướng nghề nghiệp, việc làm, GD kỹ năng sống, kỹ năng xã hội, GD đạo đức, nếp sống cho HS. Qua đó, góp phần nâng cao hiệu quả phong trào thi đua “Xây dựng trường học thân thiện, HS tích cực”…

 

Học sinh Trường THPT Nguyễn Văn Trỗi (TP. Nha Trang) tham quan triển lãm các tư liệu, bản đồ về Hoàng Sa, Trường Sa.

Học sinh Trường THPT Nguyễn Văn Trỗi (TP. Nha Trang) tham quan triển lãm các tư liệu, bản đồ về Hoàng Sa, Trường Sa.


Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác GD đạo đức, lối sống HS hiện nay vẫn còn những hạn chế. Mô hình trong công tác GD chính trị, đạo đức, nếp sống, ý thức pháp luật... cho HS còn ít, chưa theo kịp với tình hình thực tế, còn thiếu các mô hình mới, sáng tạo. Kinh phí tổ chức các hoạt động của các đơn vị, trường học chưa đáp ứng với yêu cầu, nhiệm vụ đề ra. Tình trạng HS vi phạm pháp luật, nhất là Luật Giao thông đường bộ như: đi xe máy đến trường, không đội mũ bảo hiểm… vẫn còn. Một bộ phận HS thiếu tự giác trong học tập và thi cử, sự nhận thức của một số ít HS chưa cao trong việc tham gia các hoạt động phong trào…


Môn Đạo đức ở cấp tiểu học hay GD công dân ở cấp THCS, THPT là môn học có ý nghĩa quan trọng góp phần hình thành, phát triển nhân cách, năng lực, phẩm chất cho HS. Tuy nhiên, theo cô Nguyễn Thị Nga - giáo viên môn GD công dân Trường THPT Lê Hồng Phong (huyện Vạn Ninh), do vẫn còn quan niệm đây chỉ là môn phụ nên thời lượng dạy học rất khiêm tốn, mỗi tuần chỉ có 1 tiết. Vài năm gần đây, khi môn GD công dân được Bộ GD-ĐT đưa vào kỳ thi THPT quốc gia, môn học này đã được quan tâm hơn. Ở lớp 12, môn GD công dân được nhà trường bố trí tăng thêm 1 tiết/tuần. Trong bối cảnh kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế tác động tới những giá trị chuẩn mực học đường, ảnh hưởng tới nhận thức, thái độ và hành vi của HS, việc “dạy người” càng phải được chú trọng hơn nữa.


Đa dạng các hoạt động


Mới đây, Sở GD-ĐT đã triển khai tới các phòng GD-ĐT, đơn vị trực thuộc việc thực hiện Chỉ thị số 31 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường GD đạo đức, lối sống cho HS, sinh viên. Trong đó, yêu cầu các trường rà soát, đổi mới nội dung, phương pháp giảng dạy môn học GD đạo đức, các môn học chính khóa và các hoạt động GD khác; khuyến khích giáo viên xây dựng các bài giảng, video clip, hình ảnh, bài viết về GD đạo đức, lối sống phù hợp với từng cấp học. Đồng thời, tăng cường vai trò, trách nhiệm của hiệu trưởng, giáo viên chủ nhiệm, cố vấn học tập, giáo viên tư vấn tâm lý, cán bộ đoàn, hội, đội, giáo viên các bộ môn; phát huy vai trò và trách nhiệm nêu gương của cán bộ quản lý, nhà giáo về đạo đức, lối sống.


Theo ông Lê Đình Thuần - Phó Giám đốc Sở GD-ĐT, việc GD đạo đức, lối sống có thể thực hiện trong nhiều hoạt động đa dạng như: tổ chức thực hiện có nề nếp hoạt động chào cờ, hát Quốc ca; thể dục giữa giờ; lao động, vệ sinh trường, lớp; tổ chức tốt các hoạt động trải nghiệm, hoạt động đền ơn đáp nghĩa, tình nguyện vì cộng đồng. Đồng thời, các trường cần phát huy hiệu quả các thiết chế văn hóa nhằm phục vụ nhu cầu luyện tập thể dục thể thao, vui chơi, giải trí lành mạnh của HS. Bên cạnh đó, nâng cao chất lượng, hiệu quả của hoạt động tư vấn học đường; từng bước tiến tới chuyên nghiệp hóa hoạt động trợ giúp, tư vấn tâm lý học đường tại các cơ sở GD. Các trường cũng cần xây dựng và nhân rộng các mô hình tốt, điển hình, nâng cao hiệu quả phối hợp giữa nhà trường, gia đình, xã hội trong việc GD đạo đức, lối sống và quản lý HS.


H.NGÂN