Sau gần 1 năm tổ chức, cuộc thi Sáng tạo thanh thiếu niên, nhi đồng lần thứ VIII vừa khép lại với nhiều sản phẩm mới. Cuộc thi là nơi khơi nguồn đam mê sáng tạo, nghiên cứu khoa học của thanh thiếu niên, nhi đồng trong tỉnh.
Sau gần 1 năm tổ chức, cuộc thi Sáng tạo thanh thiếu niên, nhi đồng lần thứ VIII vừa khép lại với nhiều sản phẩm mới. Cuộc thi là nơi khơi nguồn đam mê sáng tạo, nghiên cứu khoa học của thanh thiếu niên, nhi đồng trong tỉnh.
Cuộc thi được Ban tổ chức Hội thi Sáng tạo Khoa học - Kỹ thuật tỉnh tổ chức lần đầu vào năm 2005 với 23 sản phẩm dự thi. Đến nay, sau 8 lần tổ chức, cuộc thi đã trở thành một sân chơi sáng tạo, khoa học công nghệ, thu hút đông đảo học sinh trong tỉnh tham gia với hơn 1.800 sản phẩm dự thi. Riêng lần này, cuộc thi có 440 sản phẩm của 156 trường tiểu học, THCS, THPT trên toàn tỉnh tham gia, tăng 140 sản phẩm so với kế hoạch. Qua đó, ban tổ chức cuộc thi cấp tỉnh đã chấm và trao giải cho 68 sản phẩm xuất sắc, trong đó có 14 sản phẩm sẽ tham gia cuộc thi toàn quốc sắp tới.
Đồng chí Nguyễn Đắc Tài - Phó Chủ tịch UBND tỉnh: Qua nhiều năm tổ chức, cuộc thi Sáng tạo thanh thiếu niên, nhi đồng tỉnh đã trở thành sân chơi khoa học công nghệ bổ ích cho học sinh trong toàn tỉnh. So với những lần thi trước, lần này tuy sản phẩm có tăng nhưng chưa có tính đột phá, chưa có sản phẩm đáp ứng tiêu chí đạt giải nhất. Bên cạnh một số địa phương như Khánh Vĩnh, Ninh Hòa có nhiều sản phẩm dự thi thì TP. Nha Trang, huyện Cam Lâm, sản phẩm dự thi còn hạn chế. Vì vậy, các cấp, ngành, nhà trường… cần tiếp tục quan tâm, tạo điều kiện khơi dậy niềm hăng say của các em trong thi đua học tập và thực hiện ý tưởng sáng tạo, tham gia sân chơi trí tuệ bổ ích này để có cơ hội biến những ý tưởng, sáng tạo thành mô hình, sản phẩm cụ thể, đáp ứng yêu cầu sản xuất và đời sống.
|
Theo ông Bùi Mau - Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh, Trưởng Ban tổ chức cuộc thi, năm nay, các sản phẩm đều thể hiện được ý tưởng sáng tạo, tư duy mới; các em biết vận dụng những kiến thức đã học để ứng dụng vào thực tế mô hình sản phẩm, có giá trị ứng dụng cao. Các sản phẩm được thể hiện ở nhiều lĩnh vực như: đồ dùng học tập; phần mềm tin học; các sản phẩm thân thiện với môi trường; giải pháp bảo vệ môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu và phát triển kinh tế… Trong đó, lĩnh vực dụng cụ gia đình, đồ chơi trẻ em có số lượng sản phẩm tham gia nhiều nhất, chiếm 51% tổng số sản phẩm dự thi. Các em đã biết tận dụng những vật liệu, phế liệu trong cuộc sống, tạo ra các sản phẩm độc đáo. Điển hình như, sản phẩm “Cưa lọng dùng điện mi ni tự chế” của em Lương Tiểu Ngọc (Trường THCS Trần Quốc Tuấn, thị xã Ninh Hòa). Em đã tận dụng máy may bị hỏng cải tạo thành cưa lọng cắt gỗ mỏng phục vụ sản xuất trong gia đình. Hay sản phẩm “Đôi giày hỗ trợ người khiếm thị” của em Đinh Diệu Phúc và Nguyễn Ngọc Nhã Uyên (Trường THPT Hoàng Hoa Thám, huyện Diên Khánh); “Bộ hẹn giờ dùng cho thiết bị điện trong gia đình” của em Nguyễn Thái Hòa (Trường THCS Nguyễn Bỉnh Khiêm, huyện Vạn Ninh)…
Năm nay, lĩnh vực môi trường tiếp tục thu hút sự tham gia của nhiều học sinh với 125 sản phẩm, chiếm 28%. Các em sử dụng những hiểu biết của mình đưa khoa học công nghệ vào áp dụng trong cuộc sống để tạo ra những sản phẩm thân thiện với môi trường, dùng cho học tập, phục vụ cuộc sống. Cụ thể như, sản phẩm “Chất chỉ thị màu chiết xuất từ hoa phượng” của em Nguyễn Thục Đoan Trang và Dương Chí Cao (Trường THCS Trần Phú, TP. Cam Ranh). Các em đã dùng cồn cao độ chiết xuất chất chỉ thị màu từ hoa phượng và sau đó dùng giấy lọc nhúng vào dịch chiết, làm khô để tạo ra giấy chỉ thị màu (giấy thử độ pH). Em Dương Chí Cao chia sẻ: “Sau khi nghiên cứu thành công, tháng 11-2018, chúng em công bố sản phẩm, các thầy cô trong trường sử dụng rất hài lòng. Em hy vọng sản phẩm được sử dụng rộng rãi hơn và truyền cảm hứng cho các bạn khác”. Hay sản phẩm “Tủ sấy nông sản dùng năng lượng mặt trời bằng gỗ và lon bia” của em Mấu Thị Khánh (Trường THCS Cam Thịnh Tây, TP. Cam Ranh). Em đã tận dụng các lon bia, bỏ phần nắp và đáy, nối ghép lại với nhau thành ống dài, sơn đen. Sau đó, em kết nối thành các dãy ống song song nhau và ăn thông với không khí trong tủ sấy bằng gỗ có nhiều ngăn, năng lượng mặt trời làm không khí trong các lon bia sơn đen nóng lên, cung cấp nhiệt cho phòng sấy làm khô nông sản…
Theo đánh giá của ban tổ chức cuộc thi, bên cạnh những kết quả đạt được, cuộc thi vẫn còn những khó khăn, hạn chế. Cụ thể, một số địa phương, đơn vị phát động, phổ biến cuộc thi chưa kịp thời, chưa có nhiều sản phẩm tham gia. Số lượng mô hình, sản phẩm dự thi hàng năm đều tăng, song so với số lượng thanh thiếu niên, nhi đồng của tỉnh thì số sản phẩm tham gia còn ít. Nhằm nâng cao quy mô và chất lượng cuộc thi, ban tổ chức kêu gọi các ngành, địa phương tiếp tục phối hợp vận động tuyên truyền, phổ biến cuộc thi đến các đối tượng tham gia; các địa phương tích cực chỉ đạo các ngành liên quan tổ chức cuộc thi cấp huyện, kịp thời khen thưởng, động viên các sản phẩm đạt giải.
KHÁNH HÀ