10:05, 27/05/2019

Khó khăn trong xây dựng trường chuẩn quốc gia

Gần 25% trường mầm non, tiểu học, Trung học cơ sở ở thị xã Ninh Hòa đã đạt chuẩn quốc gia. Đó là thành quả đáng ghi nhận từ sự nỗ lực của toàn ngành và cả hệ thống chính trị. Tuy vậy, nhiệm vụ này vẫn còn không ít khó khăn.

Gần 25% trường mầm non, tiểu học, THCS ở thị xã Ninh Hòa đã đạt chuẩn quốc gia. Đó là thành quả đáng ghi nhận từ sự nỗ lực của toàn ngành và cả hệ thống chính trị. Tuy vậy, nhiệm vụ này vẫn còn không ít khó khăn.


Đảm bảo mạng lưới trường học


Kết quả giám sát việc triển khai thực hiện công tác xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia trên địa bàn thị xã Ninh Hòa của HĐND thị xã cho thấy, đến nay, thị xã có 93 trường mầm non, tiểu học và THCS (5 trường THPT và 1 trung tâm giáo dục do Sở Giáo dục và Đào tạo quản lý). 93 trường học này được phân bố rộng khắp trên 27 xã, phường của thị xã, đáp ứng yêu cầu mỗi xã, phường có ít nhất 1 trường mầm non, tiểu học và THCS. Mạng lưới trường học được bố trí hợp lý, phù hợp với quy định và tình hình thực tiễn. Điều này không chỉ góp phần nâng cao chất lượng dạy học, mà còn tạo điều kiện thuận lợi cho các em tới trường, hạn chế tình trạng bỏ học giữa chừng. Trong số 93 trường học này, hiện nay đã có 29 trường đạt chuẩn quốc gia. Trong đó, có 28 trường đạt chuẩn quốc gia mức độ 1, riêng Trường Tiểu học số 1 Ninh Phụng đạt chuẩn quốc gia mức độ 2.

 

Hoạt động trò chơi bé làm bác sĩ  tại Trường Mầm non tư thục Bảo Châu (phường Ninh Hiệp).

Hoạt động trò chơi bé làm bác sĩ tại Trường Mầm non tư thục Bảo Châu (phường Ninh Hiệp).


Để đạt được thành quả trên, cùng với quá trình đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ quản lý, giáo viên, nhân viên; không ngừng đổi mới nâng cao chất lượng dạy học, từ năm học 2013 - 2014 đến năm học 2017 - 2018, ngân sách địa phương đã dành gần 29 tỷ đồng để xây mới, nâng cấp trường học, mua sắm trang thiết bị dạy học, góp phần chuẩn hóa và nâng cao chất lượng cơ sở vật chất cho các trường.


Đánh giá của Đoàn giám sát HĐND thị xã Ninh Hòa cho thấy, đa số các trường mầm non, mẫu giáo có đủ phòng học, đồ dùng, đồ chơi, công trình vệ sinh nước sạch… Tất cả các trường đều tổ chức dạy bán trú, tỷ lệ huy động trẻ mẫu giáo 5 tuổi đạt 100%. Các trường tiểu học, THCS đã được giao quyền chủ động xây dựng, thực hiện kế hoạch theo định hướng phát triển năng lực học sinh, tập trung đổi mới phương pháp dạy và học, đổi mới cách thức tổ chức các hoạt động giáo dục.

Còn nhiều khó khăn


Theo UBND thị xã Ninh Hòa, nguồn lực đầu tư hạn hẹp, tiêu chuẩn trường đạt chuẩn quốc gia có sự thay đổi, đội ngũ quản lý, giáo viên, nhân viên còn thiếu; địa bàn rộng, số lượng trường học nhiều… là những khó khăn lớn mà địa phương đang gặp phải trong quá trình triển khai kế hoạch xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia.


Ví dụ, Trường Mầm non Ninh Phú và Mầm non Ninh Hà được lên kế hoạch xây dựng đạt chuẩn trong năm 2018. Nhưng kể từ ngày 10-10-2018, quy chuẩn mới về đánh giá, công nhận trường đạt chuẩn quốc gia đã thay đổi. Trường Mầm non Ninh Hà không còn đáp ứng được một số điều kiện, tiêu chuẩn để đánh giá; Trường Mầm non Ninh Phú chuyển kế hoạch đánh giá sang năm 2019. Tương tự, kế hoạch công nhận 3 trường THCS (Hùng Vương, Quang Trung, Chu Văn An) và công nhận lại 4 trường THCS trong năm học 2017 - 2018 của Ninh Hòa cũng đang phải tạm ngưng, chờ thông tư hợp nhất về đánh giá công tác kiểm định chất lượng giáo dục và xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia của Bộ Giáo dục và Đào tạo theo quy định mới.


Đối với hoạt động đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị, một số trường học vẫn còn thiếu thốn, nhất là ở các điểm trường phụ có sự chênh lệch so với điểm chính. Một số hạng mục như: thư viện, nhà vệ sinh, nhà đa năng, phòng học bộ môn… của nhiều trường chưa đáp ứng tiêu chuẩn, nhất là sau cơn bão số 12 năm 2017, nhiều trường học bị thiệt hại nặng nề, quá trình khắc phục còn gặp nhiều khó khăn.


Theo bà Nguyễn Thị Hồng Hải - Phó Chủ tịch HĐND thị xã Ninh Hòa, hàng năm, thị xã đã dành 20% trong số tổng ngân sách đầu tư cơ bản, tương đương với khoảng 20 tỷ đồng để đầu tư vào giáo dục. Tuy nhiên, do số lượng trường học nhiều, địa bàn phân bố rộng nên nguồn lực này chưa đáp ứng được so với đòi hỏi thực tế. Vì vậy, HĐND thị xã đã kiến nghị HĐND tỉnh và UBND tỉnh quan tâm đầu tư hơn nữa trong các chương trình về giáo dục trên địa bàn thông qua các đề án như: phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi; đề án đảm bảo cơ sở vật chất cho chương trình giáo dục mầm non và giáo dục phổ thông giai đoạn 2017 - 2025; cho chủ trương chung để các huyện, thị xã thực hiện chương trình xã hội hóa giáo dục để đầu tư cơ sở vật chất cho trường học.


Ngoài ra, HĐND thị xã Ninh Hòa cũng yêu cầu UBND thị xã tập trung rà soát, đánh giá kế hoạch xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia, quan tâm hơn nữa việc nâng chuẩn cho các trường đã đạt chuẩn; ưu tiên quỹ đất để phát triển giáo dục, quan tâm đầu tư các điểm trường phụ…


Hồng Đăng