Tiết đọc thư viện được Sở Giáo dục và Đào tạo chính thức triển khai từ đầu năm học 2018 - 2019, thu hút sự quan tâm của nhiều cán bộ quản lý giáo dục, nhân viên thư viện và đã có sức lan tỏa nhất định, làm thay đổi diện mạo của các thư viện trường tiểu học, đặc biệt là khơi dậy niềm yêu thích đọc sách trong học sinh.
Tiết đọc thư viện được Sở Giáo dục và Đào tạo chính thức triển khai từ đầu năm học 2018 - 2019, thu hút sự quan tâm của nhiều cán bộ quản lý giáo dục, nhân viên thư viện và đã có sức lan tỏa nhất định, làm thay đổi diện mạo của các thư viện trường tiểu học, đặc biệt là khơi dậy niềm yêu thích đọc sách trong học sinh.
Thế giới xung quanh gần hơn qua từng trang sách
Qua giọng đọc truyền cảm của cô Nguyễn Thị Hạ (Trường Tiểu học thị trấn Tô Hạp, huyện Khánh Sơn), câu chuyện “Quả trứng kỳ lạ” kể về bạn Thỏ nhặt được quả trứng và hành trình đi tìm người mẹ thực sự của quả trứng trở nên thật sinh động và cuốn hút với các cô bé, cậu bé lớp 2. Đặc biệt là cách kể linh hoạt, khéo léo tương tác với học sinh, cho các em hóa thân vào nhân vật, được cảm nhận, thoải mái nêu những ý kiến của mình về các vấn đề xoay quanh câu chuyện đã khiến 30 phút kể chuyện trở nên hấp dẫn. Bài học về tình yêu động vật, về tính thật thà trả lại đồ cho người làm mất từ đó được truyền tải giản dị, tự nhiên và khắc sâu. “Sau khi tập huấn ở sở, trường tổ chức chuyên đề thư viện và hàng tháng nhân viên thư viện được phân các tiết đọc trong lớp. Từ các tiết đọc đó mà trò yêu sách, yêu cô hơn, thoải mái hơn sau những giờ học căng thẳng. Nhiều bạn gặp cô còn nhắc: tuần sau, cô lại đọc truyện cho con nghe nhé! Lần đầu tiên sau 8 năm làm công tác thư viện, tôi được các bạn nhỏ gọi bằng hai từ “cô giáo””, cô Hạ chia sẻ.
Mỗi tiết đọc thư viện tại hội thi là một câu chuyện thú vị với các chủ đề khác nhau, từ tình cảm gia đình, bạn bè, những bài học đạo đức, phép đối nhân xử thế cho đến khám phá bí ẩn thế giới tự nhiên hay câu chuyện “Không phải lỗi của con” giáo dục bài học kỹ năng sống... Các em được sắm vai, diễn kịch, đọc lại lời thoại, viết, vẽ về nhân vật. Mỗi người một phong cách, một lối dẫn chuyện, cách thể hiện khác nhau, đưa thế giới xung quanh gần hơn với các em qua từng trang sách. Không gian thư viện được bài trí gọn gàng, đẹp mắt tạo sự thân thiện, thoải mái là chất xúc tác để thí sinh lan tỏa cảm xúc và truyền tải những thông điệp ý nghĩa. Những định kiến về người thủ thư trông quản kho sách, loanh quanh với công việc mượn, trả sách dường như không còn.
Tổ chức nhiều hoạt động thư viện phong phú
Ban tổ chức đánh giá, hầu hết các bài dự thi được chuẩn bị kỹ lưỡng về giáo trình, câu chuyện đọc và phương tiện hỗ trợ. Nhiều trang thiết bị công nghệ và đạo cụ đã được chuẩn bị và sử dụng góp phần làm phong phú và đa dạng cho các tiết dự thi. Ở hoạt động mở rộng, học sinh rất hào hứng khi nhập vai nhân vật, thể hiện rất vui vẻ, hồn nhiên đúng với lứa tuổi. Các tiết đọc thư viện còn giúp học sinh có thêm vốn từ, khả năng sáng tạo, hỗ trợ rất nhiều trong việc học tập, nhất là môn tiếng Việt, phát triển kỹ năng diễn đạt ngôn ngữ, kỹ năng tư duy… Thông qua tiết đọc thư viện, các em không chỉ tiếp cận được nhiều đầu sách hay mà còn kích thích sự tìm tòi, khám phá, chủ động trong việc tìm và đọc sách, khơi gợi niềm đam mê với sách...
Bà Hoàng Thị Lý - Phó Giám đốc phụ trách Sở Giáo dục và Đào tạo cho biết, hội thi tiết đọc thư viện là cơ hội để các nhân viên thư viện thể hiện năng lực của bản thân, giao lưu, học hỏi lẫn nhau, đánh thức những năng lực vốn có về chuyên môn, hiểu biết và cả niềm đam mê, nhiệt tình, gắn bó với nghề. Hội thi đã mang đến hình ảnh mới mẻ cho những người làm công tác thư viện, nâng tầm quan trọng của những người làm công việc này. Qua hội thi, sở cũng yêu cầu cán bộ quản lý các cấp từ trường đến phòng giáo dục và đào tạo quan tâm nhân rộng tiết đọc thư viện trong trường học, tổ chức nhiều hoạt động thư viện phong phú, hấp dẫn để thu hút, lôi cuốn học sinh. Đồng thời, xây dựng kế hoạch bồi dưỡng chuyên môn, quan tâm, khích lệ đội ngũ nhân viên thư viện; tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị, bổ sung nguồn sách, tài liệu, cải tạo, trang trí thư viện phù hợp để phát huy hiệu quả hoạt động thư viện, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục trong nhà trường.
H.NGÂN
Ngày 22-3, Sở Giáo dục và Đào tạo tổng kết hội thi tiết đọc thư viện dành cho nhân viên thư viện tiểu học cấp tỉnh năm học 2018 - 2019. Hội thi được tổ chức tại Trường Tiểu học Vĩnh Phương 1 (TP. Nha Trang) từ ngàv 18-3, với 18 thí sinh đại diện cho đội ngũ làm công tác thư viện của gần 200 trường tiểu học đến từ các huyện, thị xã, thành phố. Sở đã công nhận và cấp giấy chứng nhận cho 18 thí sinh, đồng thời trao giấy khen cho 11 thí sinh đạt thành tích xuất sắc. Trong đó, giải nhất được trao cho cô Nguyễn Thị Hạ - Trường Tiểu học thị trấn Tô Hạp (huyện Khánh Sơn); hai giải nhì được trao cho thí sinh Trường Tiểu học Vĩnh Phước 2 (TP. Nha Trang) và Cam Phúc Bắc 2 (TP. Cam Ranh); ngoài ra còn có 3 giải ba và 5 giải khuyến khích.