11:10, 25/10/2018

Nhiều chế độ hỗ trợ không còn phù hợp

Tuy tỉnh đã quan tâm điều chỉnh nhưng hiện nay, vẫn còn một số chế độ, chính sách hỗ trợ hoạt động của ngành Giáo dục và Đào tạo không còn  phù hợp.

Tuy tỉnh đã quan tâm điều chỉnh nhưng hiện nay, vẫn còn một số chế độ, chính sách hỗ trợ hoạt động của ngành Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) không còn phù hợp.


Một số quy định đã lạc hậu


Hiện nay, mức chi cho các hoạt động của ngành GD-ĐT được thực hiện theo Quyết định (QĐ) 2389 ngày 26-9-2012 và QĐ 1475 điều chỉnh, bổ sung QĐ 2389 của UBND tỉnh. Có những quy định trong đó đến nay không còn phù hợp; trong khi có một số hoạt động đang thực hiện hàng năm nhưng chưa được quy định mức chi. Ví dụ, trong hoạt động GD thể chất và thể dục thể thao, đối với chế độ thi đấu tại các giải thể dục thể thao hoặc hội khỏe Phù Đổng các cấp, quy định tiền ăn cho học sinh (HS) trong thời gian dự thi cấp khu vực, quốc gia là 100.000 đồng/em/ngày. Trong điều kiện thi đấu ngoại tỉnh, mức tiền ăn cho 3 bữa như vậy rất khó đảm bảo điều kiện dinh dưỡng để duy trì thể lực tốt nhất, giúp các em giành thành tích cao. Trong khi đó, cuộc thi khoa học kỹ thuật do Bộ GD-ĐT tổ chức hàng năm, được diễn ra từ cấp tỉnh đến cấp quốc gia, quy mô tương đương với kỳ thi HS giỏi cấp quốc gia, gắn liền với hoạt động dạy và học, phát huy tính sáng tạo của HS, nhưng lại chưa có trong danh mục chi ban hành kèm QĐ 2389. Thực tế, suốt 5 năm qua, các trường phải tự túc kinh phí để tham gia thi. Vì vậy, các trường khó có giải thưởng cao bởi thiếu sự đầu tư bài bản.

 

ớp tập huấn tích hợp nội dung học tập và làm theo Bác trong giáo dục mầm non  do Phòng Giáo dục - Đào tạo TP. Nha Trang tổ chức tháng 10-2018.

Lớp tập huấn tích hợp nội dung học tập và làm theo Bác trong giáo dục mầm non do Phòng Giáo dục - Đào tạo TP. Nha Trang tổ chức tháng 10-2018.


Đối với công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức nhà nước theo QĐ số 26 ngày 6-1-2011 của UBND tỉnh, mức thù lao cho giảng viên, báo cáo viên là chuyên viên chính, trưởng, phó phòng cấp tỉnh và cấp huyện quy định 200.000 đồng/buổi; giảng viên, báo cáo viên cấp xã là 100.000 đồng/buổi… Trong khi đó, Thông tư số 36 của Bộ Tài chính hướng dẫn việc lập dự toán, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí dành cho công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức (có hiệu lực từ ngày 15-6-2018) quy định, mức chi thù lao giảng viên, báo cáo viên trên cơ sở thỏa thuận theo hình thức hợp đồng công việc phù hợp với chất lượng, trình độ của giảng viên, báo cáo viên trong phạm vi dự toán được giao, tối đa 2 triệu đồng/người/buổi.


Chật vật liên kết bồi dưỡng học sinh giỏi

 

Bà Hoàng Thị Lý - Phó Giám đốc phụ trách Sở GD-ĐT: Thời gian qua, tỉnh đã có nhiều điều chỉnh về chế độ, chính sách phù hợp trên cơ sở đề xuất, tham mưu của các ngành. Đối với những bất cập còn lại, ngành đang cân nhắc để đề xuất lãnh đạo tỉnh xem xét, điều chỉnh sao cho vừa tạo động lực cho hoạt động GD-ĐT hiệu quả hơn nhưng vẫn phù hợp với điều kiện địa phương.

Ông Nguyễn Thọ Minh Quang - Hiệu trưởng Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn cho biết, vấn đề đầu tư cho GD mũi nhọn luôn được tỉnh quan tâm. Ngày 6-6-2017, trên cơ sở đề nghị của Sở GD-ĐT và tham mưu của Sở Tài chính, UBND tỉnh đã cho phép tăng số buổi bồi dưỡng đội tuyển HS giỏi của tỉnh từ 40 buổi lên 80 buổi/môn (mỗi buổi không quá 4 tiết). Tuy nhiên, còn một số nội dung chi đến nay không phù hợp. 7 năm qua, theo QĐ số 3300 ngày 7-12-2011 của UBND tỉnh, định mức chi thù lao giáo viên thỉnh giảng ngoài ngành GD-ĐT thuộc tỉnh bồi dưỡng HS giỏi tham dự kỳ thi quốc gia là 250.000 đồng/tiết đối với giáo sư, phó giáo sư, tiến sĩ ; 200.000 đồng/tiết đối với thạc sĩ, giảng viên chính và 150.000 đồng/tiết đối với cử nhân. Trong khi đó, từ năm 2011 đến ngày 1-7-2017, mức lương cơ bản đã tăng từ 830.000 đồng lên 1,3 triệu đồng, gấp 1,6 lần. Thực tế, tiền bồi dưỡng cho các giáo sư, tiến sĩ thỉnh giảng hiện khoảng 8 - 10 triệu đồng/ngày.


Để nâng cao chất lượng GD mũi nhọn của tỉnh trong điều kiện kinh phí còn hạn chế, Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn đã linh động liên kết với trường chuyên ở các tỉnh bạn mời các giáo sư về dạy, qua đó san sẻ mức thù lao của mỗi địa phương xuống còn 3 - 4 triệu đồng/ngày. Đối với số vượt chi khoảng 1 - 2 triệu đồng, ban đại diện cha mẹ HS sẽ chi trả từ quỹ xã hội hóa. Tuy vậy, việc liên kết cũng chỉ thực hiện được với 1 tỉnh, bởi các giáo sư khó chấp nhận dạy HS quá đông. Đôi khi, trường vẫn phải mời riêng giáo sư về dạy cho đội tuyển của tỉnh và khoản thù lao thanh toán lên đến 8 triệu đồng/ngày; chưa tính chi phí đi lại, ăn, nghỉ dành cho giáo sư cũng chỉ thanh toán theo quy định. Vì vậy, nhà trường đề nghị tăng mức thù lao cho các giáo viên thỉnh giảng ngoài ngành theo hướng: đối với giáo sư, phó giáo sư, tiến sĩ xin tăng gấp đôi; đối với thạc sĩ, giảng viên chính và cử nhân xin tăng 1,6 lần mức hiện hành. Đồng thời, nhà trường cũng đề nghị xin tăng mức chi cho công tác bồi dưỡng HS giỏi của tỉnh gấp 1,6 lần các mức hiện hành (hiện nay, chế độ bồi dưỡng giáo viên chủ nhiệm, ban giáo vụ là 54.000 đồng/ngày, tiền ăn cho HS 207.000 đồng/ngày; công tác bồi dưỡng HS giỏi 120.000 đồng/ngày).


T.MAI