10:09, 27/09/2018

Học từ trải nghiệm sáng tạo

Hoạt động trải nghiệm sáng tạo mà nhiều trường học ở TP. Nha Trang thực hiện đang nhận được sự ủng hộ của phụ huynh, đặc biệt là các học sinh.

Hoạt động trải nghiệm sáng tạo mà nhiều trường học ở TP. Nha Trang thực hiện đang nhận được sự ủng hộ của phụ huynh, đặc biệt là các học sinh (HS).


Khám phá và cảm nhận


Sáng cuối tuần qua, 38 HS lớp 9/5 Trường THCS Thái Nguyên đến trường từ sớm, chộn rộn chờ giờ lên đường tới cơ sở sản xuất sôcôla ở huyện Cam Lâm và đi thăm các em nhỏ mồ côi tại Mái ấm Nhân Ái (TP. Cam Ranh). 2 ngày sau chuyến đi, Võ Ngọc Minh Thư còn kể được vanh vách quy trình làm sôcôla, mô tả chi tiết các giống ca cao trồng tại vườn, thời gian thu hoạch… Em cũng nhớ rõ từng ánh mắt, nụ cười của các em nhỏ ở mái ấm khi nhận quà, chơi cùng. Nguyễn Tài Phúc thì bày tỏ hy vọng trường sẽ tổ chức tiếp những chuyến trải nghiệm, để em được biết thêm những điều mới lạ.

 

Học sinh Trường THCS Võ Văn Ký tham gia đặt vòng hoa tưởng niệm tại di tích tàu không số Vũng Rô, Phú Yên. Ảnh: Thanh An

Học sinh Trường THCS Võ Văn Ký tham gia đặt vòng hoa tưởng niệm tại di tích tàu không số Vũng Rô, Phú Yên.


Cùng thời gian này, Trường THCS Võ Văn Ký tổ chức hoạt động trải nghiệm sáng tạo, giáo dục thực tiễn liên môn cho HS lớp 9/1 tại TP. Tuy Hòa (tỉnh Phú Yên). Những kiến thức tưởng chừng khô khan bỗng trở nên dễ nhớ, dễ hiểu hơn nhiều khi các em được trực tiếp nghe Anh hùng Lực lượng Vũ trang nhân dân, Trung tá Hồ Đắc Thạnh - nguyên thuyền trưởng tàu 41 số hiệu 671 kể về những hoạt động cách mạng trên tuyến đường Hồ Chí Minh trên biển tại di tích tàu không số Vũng Rô; được ngắm cung đường từ Khánh Hòa đến Phú Yên; được tận tay làm thử bánh tráng tại làng nghề Hòa Đa; tìm hiểu bộ sách quốc ngữ đầu tiên của Việt Nam tại nhà thờ Mằng Lăng, nơi lưu giữ bộ sách này...


Với các em nhỏ của Trường Tiểu học Vạn Thắng, trải nghiệm đáng nhớ đầu năm học này là được tự tay chuẩn bị một bữa cơm gia đình tại góc Thực hành kỹ năng sống của trường.


Phạm Khánh Vân - HS lớp 6/6 Trường THCS Thái Nguyên kể, lần đi tham quan cơ sở làm bánh Trung thu, khi đi phát bánh, tặng lồng đèn xong, em mới thấy một em nhỏ khóc vì chưa được nhận bánh. Tặng cho em xong, nhìn ánh mắt vui tươi của em nhỏ, Vân chợt thấy mình thật hạnh phúc vì có một gia đình đầm ấm. Nguyễn Trần Kim Hậu cũng thừa nhận, gặp các em nhỏ ở mái ấm, em mới hiểu, thiếu vắng tình thương của cha mẹ là thiệt thòi nhường nào. Tham gia chuyến trải nghiệm, chị Nguyễn Thị Thu Thảo - phụ huynh HS lớp 9/1 Trường THCS Võ Văn Ký cho biết, con chị náo nức mong chờ, đếm từng ngày trước chuyến đi. Nếu gia đình chị tự tổ chức đi cũng không thể cho con những kiến thức như nhà trường đã làm. Anh Nguyễn Vy Nhật - phụ huynh đi cùng nói: “Phụ huynh thường e ngại sự an toàn của con em mình khi đi xa, nhưng khi công tác tổ chức được triển khai chu đáo, phụ huynh có thể yên tâm. Đây là hoạt động bổ ích, cần phát huy”.


Cách học được đón nhận


Thầy Phạm Vũ Thanh An - tổ trưởng chuyên môn tổ Hóa - Sinh - Thể dục - Tin học Trường THCS Võ Văn Ký cho biết, hoạt động trải nghiệm sáng tạo được Ban giám hiệu khuyến khích thực hiện khoảng 4 năm nay cho khối lớp 9 và được chuẩn bị từ học kỳ 2 lớp 8 với nhiều lần họp bàn với giáo viên, phụ huynh. Sau khi đi tiền trạm, kế hoạch tổ chức tỉ mỉ, dự phòng tình huống đột xuất được thống nhất giữa Ban giám hiệu và toàn thể phụ huynh, được Phòng Giáo dục và Đào tạo TP. Nha Trang, Hội đồng giáo dục phường chấp thuận. Nhờ đó, các chuyến đi do trường tổ chức đều thành công, từ Ninh Hòa đến Đà Lạt, Ninh Thuận, Phú Yên… Mỗi điểm đến, các em được định hướng trải nghiệm thực tế, học tích hợp liên môn qua các giáo viên và những chuyên gia, thợ lành nghề… ở địa phương. Sau mỗi chuyến đi, HS nộp bài thu hoạch và được tính vào điểm kiểm tra 15 phút của những môn liên quan.

 

Trong dự thảo chương trình giáo dục phổ thông mới của Bộ Giáo dục và Đào tạo, hoạt động trải nghiệm sáng tạo ở HS gồm nhiều nội dung: hoạt động phát triển cá nhân; lao động; xã hội và phục vụ cộng đồng; giáo dục hướng nghiệp; được thực hiện qua các hình thức tổ chức có tính khám phá (đi thực tế, tham quan, cắm trại...); có tính thể nghiệm, tương tác (diễn đàn, giao lưu, hội thảo, sân khấu...); tính cống hiến (lao động; hoạt động tình nguyện, nhân đạo...); tính nghiên cứu (nghiên cứu khoa học, hoạt động theo nhóm sở thích); qua đó giúp người học phát triển kỹ năng phân tích, khái quát hóa; giải quyết vấn đề, ra quyết định.

Ở Trường THCS Thái Nguyên, hoạt động trải nghiệm cũng được duy trì 6 năm qua. Cô Phan Thị Thảo Uyên - Hiệu trưởng nhà trường cho biết, trường mong muốn mỗi chuyến đi không chỉ cho các em những trải nghiệm về cuộc sống, nghề nghiệp mà còn  bồi đắp tình yêu thương trong các em. Vì vậy, trường luôn cố gắng xây dựng kế hoạch trải nghiệm gắn với các hoạt động thiện nguyện. Ví dụ, tham quan làng nghề làm lồng đèn và tặng lồng đèn cho các em nhỏ yếu thế; tham quan làng nghề làm bánh Trung thu và tặng bánh tự làm cho các em mồ côi. Năm nay, trường lên kế hoạch mỗi lớp có 1 ngày làm nông tại trường, sản phẩm hoàn thành được đưa qua vườn sinh vật của trường. Ngoài ra, Ban giám hiệu còn tổ chức nhiều hoạt động trải nghiệm trong trường như tổ chức cuộc thi: Thai Nguyen’s Got Talent, thi MC… Nhờ đó, các em ngày càng tự tin trước đám đông, đoàn kết, có ý thức vì cộng đồng. Giờ chào cờ đầu năm học, cô vừa nêu ý tưởng đặt giỏ phân loại rác, các em đã đề xuất mang bán rác tái chế gây quỹ cho HS nghèo.


Theo ông Cao Đình Trung - Phó Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo TP. Nha Trang, từ năm học 2015 - 2016, phòng triển khai hoạt động trải nghiệm sáng tạo tới toàn bộ 25 trường THCS trên địa bàn (năm học này có 26 trường) và khuyến khích các trường tiểu học thực hiện, với yêu cầu đảm bảo tinh thần tự nguyện của phụ huynh, HS. Nhiều trường có cách làm hay, hiệu quả như: THCS Thái Nguyên, THCS Võ Văn Ký… Các hoạt động này giúp HS nắm chắc kiến thức, tăng cường tinh thần đoàn kết, sự phối hợp, góp phần giáo dục các em về đạo đức, lối sống, lòng nhân ái, ý thức bảo vệ môi trường, thiên nhiên, kỹ năng sống, từ đó góp phần định hướng nghề nghiệp cho HS để phục vụ công tác phân luồng sau THCS, đặc biệt góp phần phát huy tính tích cực của HS. Tuy nhiên, muốn nhân rộng hoạt động này, bên cạnh quyết tâm, nhiệt tình của giáo viên và nhà trường, còn rất cần sự đồng hành của phụ huynh HS và cả cộng đồng.


T.MAI