20 năm qua (1997 - 2017), công tác xây dựng trường tiểu học đạt chuẩn quốc gia trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa tuy đã đạt được những kết quả khích lệ, song tỷ lệ đạt chuẩn ở nhiều địa phương vẫn còn rất thấp.
20 năm qua (1997 - 2017), công tác xây dựng trường tiểu học đạt chuẩn quốc gia trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa tuy đã đạt được những kết quả khích lệ, song tỷ lệ đạt chuẩn ở nhiều địa phương vẫn còn rất thấp.
Nỗ lực đạt chuẩn
Từ một ngôi trường với cơ sở vật chất thiếu thốn, chất lượng giáo dục chưa có gì nổi bật, sau nhiều năm được sự quan tâm đầu tư của các cấp và sự nỗ lực của trường, đến nay, Trường Tiểu học Vĩnh Thạnh (TP. Nha Trang) đã trở thành ngôi trường khang trang với các phòng học, phòng chức năng, phòng Tin học, bếp ăn bán trú, thư viện đạt chuẩn. Chất lượng học sinh tăng lên, nhiều em đạt giải qua các cuộc thi các cấp. Tháng 6-2016, trường vinh dự được đón nhận bằng công nhận chuẩn quốc gia mức độ 1.
Cô Bùi Thị Ưng - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Vĩnh Thạnh cho biết, hiện nay, 100% giáo viên(GV) của trường có trình độ chuyên môn đạt chuẩn trở lên, trong đó có 91,2% GV xếp loại xuất sắc theo quy định chuẩn nghề nghiệp GV tiểu học; 35,3% GV đạt danh hiệu dạy giỏi cấp thành phố. Giai đoạn 2018 - 2025, nhà trường phấn đấu đạt chuẩn ở mức độ 2.
TP. Cam Ranh cũng đã trở thành địa phương có tỷ lệ trường tiểu học đạt chuẩn quốc gia cao nhất trong tỉnh với 90,5% số trường đạt chuẩn. Đến nay, hầu hết các trường trong thành phố đều có cơ sở vật chất khang trang, tỷ lệ GV đạt chuẩn và trên chuẩn cao. Ông Nguyễn Văn Du - Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố cho biết, trong số 21 trường tiểu học trên địa bàn, hiện còn 2 trường ở vùng khó khăn có 100% học sinh người dân tộc thiểu số chưa đạt chuẩn là Tiểu học Cam Thịnh Tây 1 và Tiểu học Cam Thịnh Tây 2. UBND thành phố đã có kế hoạch đầu tư xây dựng để 2 trường này đạt chuẩn vào năm 2020.
Còn nhiều hạn chế
Tuy nhiên, so với yêu cầu đặt ra, công tác xây dựng trường chuẩn quốc gia vẫn còn không ít khó khăn, hạn chế. Sau TP. Cam Ranh, chỉ có huyện Cam Lâm có tỷ lệ trường đạt chuẩn 73,7%, huyện Diên Khánh 54,2%, còn lại nhiều địa phương có tỷ lệ đạt thấp như: TP. Nha Trang 48,8%, thị xã Ninh Hòa 24,2%, huyện Vạn Ninh 26,9%, huyện Khánh Vĩnh 12,5%. Huyện Khánh Sơn chưa có trường nào trong số 6 trường tiểu học đạt chuẩn.
Toàn tỉnh Khánh Hòa hiện có 83/186 trường tiểu học đạt chuẩn quốc gia, chiếm 44,6%, ngoài ra, 4 trường tại các huyện: Cam Lâm, Vạn Ninh, Diên Khánh đang làm hồ sơ đề nghị công nhận vào đầu năm học 2018 - 2019. 100% cán bộ quản lý và GV có trình độ đào tạo chuẩn và trên chuẩn, trong đó cán bộ quản lý trên chuẩn là 99,7%, GV trên chuẩn là 94,4%. Tỉnh phấn đấu đến năm 2020 có 66,6%, năm 2025 có 85% số trường đạt chuẩn. |
Theo ông Lê Tuấn Tứ - Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo, chất lượng đội ngũ GV, công tác bồi dưỡng thường xuyên của một số trường chưa thực hiện tốt; đội ngũ nhân viên y tế, thư viện, thiết bị, văn phòng còn thiếu. Cơ sở vật chất trường học nhiều nơi chưa đáp ứng yêu cầu, thiếu nhà hiệu bộ, phòng học bộ môn, các phòng chức năng, sân chơi bãi tập, công trình vệ sinh. Vì không có kinh phí nên một số trường sau 5 năm đã bị rớt chuẩn do cơ sở vật chất xuống cấp. Trong khi đó, một số trường không thể mở rộng diện tích nên khó đạt chuẩn. Nhiều nơi cũng chưa huy động tối đa sự tham gia của cộng đồng cho giáo dục. Chất lượng giáo dục của các trường tiểu học có đông học sinh dân tộc thiểu số chưa đạt yêu cầu, tỷ lệ học sinh lưu ban còn cao. Bên cạnh đó, một số địa phương chưa quyết liệt trong chỉ đạo điều hành, đầu tư chưa thỏa đáng để xây dựng trường đạt chuẩn. Một bộ phận cán bộ quản lý thiếu năng động, linh hoạt, sáng tạo và ngại khó trong triển khai thực hiện hoặc có tư tưởng bằng lòng và thỏa mãn với những kết quả đã đạt nên không duy trì được chuẩn sau 5 năm được công nhận.
Tại hội nghị tổng kết 20 năm xây dựng trường chuẩn quốc gia vừa qua, ông Nguyễn Đắc Tài - Phó Chủ tịch UBND tỉnh đã đề nghị ngành Giáo dục tiếp tục chủ động phối hợp với các ngành liên quan làm tốt công tác tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương để có những nghị quyết, kế hoạch chuyên đề riêng chỉ đạo công tác này. Từ đó, cụ thể hóa thành kế hoạch của ngành và triển khai thực hiện tốt. Công tác tham mưu phải cân nhắc kỹ các vấn đề liên quan để đề xuất giải pháp, lộ trình phù hợp và có tính khả thi. Bên cạnh đó, quan tâm đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị dạy học, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ lãnh đạo quản lý, GV. Cấp ủy, chính quyền địa phương cần rà soát, bổ sung quỹ đất cho nhà trường, bố trí kinh phí và các nguồn lực khác để đầu tư xây dựng trường đạt chuẩn…
H.NGÂN