11:05, 24/05/2018

Tăng cường tiếng Việt cho trẻ dân tộc thiểu số

Hè năm nay, ngành Giáo dục tỉnh Khánh Hòa sẽ tiếp tục tổ chức các lớp tăng cường tiếng Việt cho trẻ dân tộc thiểu số mầm non và tiểu học để tạo thuận lợi cho học sinh tiếp nhận kiến thức khi bước vào năm học mới.

 

Hè năm nay, ngành Giáo dục tỉnh Khánh Hòa sẽ tiếp tục tổ chức các lớp tăng cường tiếng Việt cho trẻ dân tộc thiểu số (DTTS) mầm non và tiểu học để tạo thuận lợi cho học sinh tiếp nhận kiến thức khi bước vào năm học mới.


Nhiều giải pháp tăng cường tiếng Việt


Thời gian qua, ngành Giáo dục tỉnh đã thực hiện nhiều biện pháp nhằm tăng cường tiếng Việt cho trẻ người DTTS, đặc biệt là việc tổ chức cho trẻ mầm non và tiểu học học 2 buổi/ngày và ăn bán trú tại trường, góp phần tạo môi trường thuận lợi cho trẻ phát triển và sử dụng tiếng Việt. Hàng năm, Sở Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) tổ chức các lớp bồi dưỡng riêng cho giáo viên (GV) dạy các lớp có trẻ DTTS; các phòng GD-ĐT huyện Khánh Sơn và Khánh Vĩnh tổ chức bồi dưỡng tiếng Raglai cho cán bộ quản lý và GV mầm non. Bên cạnh đó, các trường tiểu học đã duy trì việc dạy tăng thời lượng tiếng Việt từ 350 tiết lên 500 tiết cho học sinh DTTS lớp 1; đồng thời dạy tăng cường tiếng Việt theo hướng tích hợp vào các môn học, hoạt động GD và các hoạt động ngoại khóa...

 

Đặc biệt, từ nhiều năm nay, các trường tiểu học đều tổ chức dạy tập nói tiếng Việt trong hè cho trẻ DTTS chuẩn bị vào lớp 1. Riêng cấp mầm non, hè 2017 là năm đầu tiên thực hiện đề án “Tăng cường tiếng Việt cho trẻ mầm non, học sinh tiểu học vùng DTTS giai đoạn 2016 - 2020, định hướng đến năm 2025 trên địa bàn tỉnh”. Theo đó, có 33 trường mầm non với 101 lớp ở các địa phương: Khánh Sơn, Khánh Vĩnh, Cam Lâm, Cam Ranh, Ninh Hòa đã tổ chức tăng cường tiếng Việt cho trẻ trong dịp hè.


Với những giải pháp đó, chất lượng dạy và học tiếng Việt nói riêng ở các huyện miền núi được đánh giá là có nhiều chuyển biến tích cực. Trẻ giao tiếp bằng tiếng Việt tốt hơn, tỷ lệ học sinh hoàn thành môn tiếng Việt tăng hơn so với các năm trước. Tuy nhiên, công tác này vẫn còn gặp một số khó khăn như: tỷ lệ GV người Kinh dạy trẻ DTTS cao (chiếm khoảng 78%), sự bất đồng ngôn ngữ giữa cô và trẻ làm hạn chế việc tổ chức các hoạt động; trong khi đội ngũ GV người DTTS nhìn chung còn gặp khó khăn trong việc tiếp nhận những vấn đề đổi mới của cấp học. Nhiều gia đình cũng chưa quan tâm đến việc dạy nói tiếng Việt cho trẻ khi ở nhà...

 

Trẻ dân tộc thiểu số huyện Khánh Vĩnh tham gia lớp tăng cường tiếng Việt hè 2017.

Trẻ dân tộc thiểu số huyện Khánh Vĩnh tham gia lớp tăng cường tiếng Việt hè 2017.

 

Tiếp tục bồi dưỡng trong hè

 

Toàn tỉnh có 192 trường mầm non, trong đó có 45 trường thuộc khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa có trẻ DTTS đang theo học. Có 161 nhóm, lớp có trẻ DTTS vùng khó khăn; 31 nhóm, lớp có trẻ DTTS vùng đặc biệt khó khăn. Ở cấp tiểu học, trong số 194 trường có học sinh tiểu học, có 64 trường với 118 điểm trường có học sinh DTTS.

Hè năm nay, Sở GD-ĐT tiếp tục tăng cường tiếng Việt cho trẻ đối với 2 huyện miền núi Khánh Sơn, Khánh Vĩnh và các địa phương có đông đồng bào DTTS là: Cam Ranh, Cam Lâm, Diên Khánh, Ninh Hòa. Đối với cấp mầm non, các lớp tăng cường tiếng Việt sẽ được tổ chức trong tháng 6 và 7 cho trẻ mẫu giáo 3 - 5 tuổi người DTTS. Sở đã yêu cầu các phòng GD-ĐT chỉ đạo các trường phân loại khả năng tiếng Việt của trẻ để có phương pháp và nội dung tăng cường tiếng Việt phù hợp. Bên cạnh đó, tăng thời lượng tập nói tiếng Việt, đặc biệt là đối với những trẻ mới ra lớp, khả năng tiếng Việt còn hạn chế để tạo cơ hội giao tiếp cho trẻ mọi lúc mọi nơi.


Trẻ DTTS chuẩn bị vào lớp 1 năm học 2018 - 2019 cũng sẽ được tham gia các lớp tập nói tiếng Việt trong hè. Ông Hà Văn Thông - Trưởng phòng GD Tiểu học Sở GD-ĐT cho biết, mỗi tuần các trường sẽ dạy 25 tiết, mỗi buổi học 5 tiết, mỗi tiết trung bình 30 phút. Giữa mỗi buổi học sẽ có 15 phút để học sinh sinh hoạt tập thể, vui chơi. Ngoài ra, các trường còn dạy cho trẻ tập tô, tập nhận diện các chữ cái, các số đếm để khi vào lớp 1 các em tiếp thu chương trình thuận lợi hơn. Đối với các trường chỉ tổ chức dạy trong 1 tháng, GV tập trung chủ yếu vào việc giúp trẻ nhận diện chữ cái. Để việc tăng cường tiếng Việt hiệu quả, sở đã yêu cầu các GV sử dụng linh hoạt các thiết bị dạy học, tranh ảnh trực quan, đồ dùng dạy học tự làm... Bên cạnh đó, có thể lồng ghép tổ chức các hoạt động sinh hoạt tập thể, GD kỹ năng sống... Cuối đợt học, nhà trường tiến hành khảo sát từng học sinh để có kế hoạch biên chế lớp và phụ đạo trong năm học tới.


Lãnh đạo Sở GD-ĐT cho biết, sở đã yêu cầu các phòng GD-ĐT chỉ đạo các trường đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động các gia đình người DTTS tạo điều kiện cho con em đến lớp. Thời gian tới, ngành sẽ tăng cường cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học, học liệu, đồ dùng, đồ chơi cho các trường. Đồng thời, bồi dưỡng GV về tiếng mẹ đẻ của trẻ và tập huấn, bồi dưỡng nâng cao năng lực cho cán bộ quản lý, GV dạy trẻ DTTS về công tác quản lý, phương pháp, kỹ năng tăng cường tiếng Việt phù hợp...


H.NGÂN