11:05, 27/05/2018

Căng thẳng xét tuyển vào lớp 10

Tính đến ngày 26-5, nhiều trường THPT trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa đã đăng tải số liệu đăng ký dự tuyển vào lớp 10 năm học 2018 - 2019. Căng thẳng, hồi hộp là tâm trạng của nhiều phụ huynh, học sinh trên địa bàn TP. Nha Trang khi nhìn vào tỷ lệ "chọi" trong đợt đăng ký lần đầu.

 

Tính đến ngày 26-5, nhiều trường THPT trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa đã đăng tải số liệu đăng ký dự tuyển vào lớp 10 năm học 2018 - 2019. Căng thẳng, hồi hộp là tâm trạng của nhiều phụ huynh, học sinh (HS) trên địa bàn TP. Nha Trang khi nhìn vào tỷ lệ “chọi” trong đợt đăng ký lần đầu.

 

Trường THPT Phạm Văn Đồng.

Trường THPT Phạm Văn Đồng.


Tỷ lệ “chọi” cao


Theo số liệu vừa được Trường THPT Lý Tự Trọng cập nhật, trong đợt đăng ký lần đầu, có 785 HS đăng ký dự tuyển vào trường trên tổng số chỉ tiêu 630 HS. So với các trường THPT còn lại trên cùng địa bàn thì đây là trường có tỷ lệ “chọi” thấp nhất, 1 “chọi” 1,25. Nhưng đây lại là một trong những trường cạnh tranh căng thẳng nhất vì chỉ có HS có số điểm cao mới dám “mạo hiểm” chọn trường này. Bởi năm ngoái, trường chỉ chọn những HS đạt số điểm giỏi tuyệt đối và điểm trung bình cả năm lớp 9 tới 8,7. Năm nay, số đông dự tuyển vào Trường THPT Lý Tự Trọng vẫn rơi vào HS các trường THCS vốn có tiếng tăm là: Thái Nguyên, Nguyễn Hiền… Ngoài điểm tính theo kết quả rèn luyện, học tập của 4 năm học cấp THCS; tổng các điểm ưu tiên, khuyến khích (nếu có) thì năm nay còn tính cả tổng số điểm của 1/10 điểm trung bình cả năm của 4 năm học THCS. Do đó, điểm số càng khó đoán và sự cạnh tranh sẽ nằm ở nhóm điểm trung bình của 4 năm THCS.

 

Đặc biệt năm nay, áp lực tuyển sinh dồn lên Trường THPT Nguyễn Văn Trỗi, với 1.032 HS đăng ký trên tổng số chỉ tiêu 568 HS (không tính 62 HS của 2 lớp tiếng Pháp), tỷ lệ 1 “chọi” 1,8. Hàng năm, đây là trường có điểm số xét tuyển cao thứ nhì của tỉnh. Một số phụ huynh cho biết, dù con họ đạt điểm cao, ban đầu có ý định nộp vào Trường THPT Lý Tự Trọng, nhưng để tránh tình trạng điểm cao vẫn trượt như năm ngoái nên đã chọn Trường THPT Nguyễn Văn Trỗi như một giải pháp an toàn. Đây có lẽ cũng là tâm lý chung của nhiều phụ huynh, dẫn đến tỷ lệ đăng ký vào trường này cao hơn hẳn Trường THPT Lý Tự Trọng.

 

Học sinh Trường THPT Nguyễn Văn Trỗi (TP. Nha Trang)

Học sinh Trường THPT Nguyễn Văn Trỗi (TP. Nha Trang)

 

Nếu chỉ tính tỷ lệ “chọi” thì dẫn đầu là Trường THPT Phạm Văn Đồng. Có tới 1.040 HS đã đăng ký dự tuyển vào trường này trong khi chỉ tiêu chỉ có 504 em (1 “chọi” 2,06). Các trường còn lại cũng có số HS dự tuyển cao so với chỉ tiêu. Trong đó, Trường THPT Hoàng Văn Thụ có 1.335 HS đăng ký trong số chỉ tiêu 756 HS (1 “chọi” 1,77). THPT Hà Huy Tập có 928 HS đăng ký trong số chỉ tiêu 504 HS (1 “chọi” 1,84). Áp lực tuyển sinh ở những trường này cũng căng thẳng không kém các trường top đầu vì nhiều khả năng HS có điểm trung bình sẽ phải “chọi” với nhiều HS khá, giỏi, cũng bởi tâm lý chọn giải pháp an toàn. Bà N.T.M - phụ huynh có con học Trường THCS Võ Thị Sáu cho biết, con có sức học tốt, nhưng bà tư vấn cho con không đua theo các trường top đầu mà chọn Trường THPT Phạm Văn Đồng gần nhà để vừa thuận tiện đi lại, vừa “chắc ăn” một suất vào công lập.

 

Dù điểm xét tuyển thế nào thì trong đợt tuyển sinh vào lớp 10 năm nay, cũng sẽ có tới khoảng 2.000 HS của TP. Nha Trang phải ngậm ngùi vì không trúng tuyển vào trường công lập. Bởi tổng chỉ tiêu của 5 trường THPT công lập chỉ có 3.024 HS, trong khi đợt 1 có tới 5.120 HS đăng ký dự tuyển. Thiếu trường, thiếu lớp được xem là nguyên nhân chính dẫn đến sự cạnh tranh gay gắt trong tuyển sinh vào lớp 10. Tuy TP. Nha Trang là địa phương duy nhất của tỉnh có hệ thống các trường ngoài công lập, và ngoài số HS học tiếp lên THPT thì sẽ có tỷ lệ nhất định theo học bổ túc, học nghề… theo kế hoạch phân luồng sau THCS của ngành Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) tỉnh. Nhưng thực tế cho thấy, đa số phụ huynh vẫn ưu tiên chọn trường công lập.


So với TP. Nha Trang, tỷ lệ “chọi” của các trường THPT ở các huyện, thị xã, thành phố khác khá nhẹ nhàng, nhiều trường có số HS đăng ký dự tuyển lần đầu xấp xỉ so với chỉ tiêu. Chẳng hạn như: THPT Phan Bội Châu (TP. Cam Ranh): 664 HS đăng ký/588 chỉ tiêu; THPT Ngô Gia Tự (Cam Ranh): 545 HS đăng ký/462 chỉ tiêu; THPT Nguyễn Trãi (thị xã Ninh Hòa): 570 HS đăng ký/588 chỉ tiêu…

 

 


Cân nhắc thay đổi nguyện vọng

 

Sở GD-ĐT cho biết, từ ngày 26 đến 31-5, trên cơ sở số liệu HS đăng ký dự tuyển và chỉ tiêu do các trường THPT công bố trên website, các trường THCS thông báo và hướng dẫn cho HS trường mình thay đổi, bổ sung nguyện vọng đăng ký xét tuyển lần thứ 2. Lần đăng ký thứ 2 này được xem là nguyện vọng chính thức của HS. Ngày 6-6 là hạn cuối các trường THCS hoàn thành việc nhập hồ sơ đăng ký dự tuyển lần 2 vào phần mềm hỗ trợ tuyển sinh 10 và gửi hồ sơ đăng ký dự tuyển chính thức của HS trường mình cho các trường THPT. Trước ngày 15-6, các trường THPT sẽ trình phương án tuyển sinh gửi về Sở GD-ĐT. Sở sẽ xét duyệt kết quả tuyển sinh của các trường trước ngày 15-7.

Trong thời điểm chỉ còn vài ngày nữa là kết thúc thời hạn thay đổi nguyện vọng thì điều mà phụ huynh băn khoăn, cân nhắc là tỷ lệ “chọi” của các trường cũng chỉ mang tính tương đối, quan trọng là chất lượng của HS đăng ký dự tuyển như thế nào. Số liệu đăng ký dự tuyển lần 2 được nhiều người dự đoán sẽ có thay đổi so với lần 1, nhưng thay đổi ít hay nhiều thì chưa ai dám nói trước.


Bên cạnh đó, mặc dù năm nay, Sở GD-ĐT vẫn tiếp tục duy trì nguyện vọng 2 trong tuyển sinh lớp 10 các trường THPT công lập, song nhiều phụ huynh cho biết không kỳ vọng quá nhiều vào việc trúng tuyển nguyện vọng 2 bởi cơ hội rất ít. Thực tế từ các năm trước cho thấy, nhiều trường đã tuyển đủ chỉ tiêu ngay từ đợt 1, chưa kể điểm nguyện vọng 2 phải cao hơn ít nhất 3 điểm so với nguyện vọng 1. Thậm chí mấy năm gần đây, một số trường có  điểm chuẩn nguyện vọng 2 cao hơn từ 10 đến 12 điểm so với nguyện vọng 1.


Em P.V.T - HS chuẩn bị vào lớp 10 của TP. Nha Trang cho biết: “Mấy ngày qua, em theo dõi số liệu đăng ký dự tuyển liên tục. Nhưng số liệu đăng ký lần đầu chỉ mang tính tham khảo, quan trọng nhất là lúc chốt nguyện vọng. Em đang rất bối rối vì giữ nguyên nguyện vọng thì không yên tâm mà rút cũng không ổn”. Giáo viên một trường THCS của TP. Nha Trang cho rằng: “Nhìn vào số liệu dự tuyển lần 1, ngay cả nhiều thầy cô có kinh nghiệm cũng không thể khẳng định chắc chắn khả năng đỗ của HS. Nhà trường chỉ có thể tư vấn phụ huynh nghiên cứu kỹ các số liệu HS đăng ký và điểm chuẩn năm trước để quyết định có thay đổi nguyện vọng hay không. Mong rằng ngành Giáo dục sẽ có những giải pháp điều hòa số lượng đầu vào hợp lý”.  


H.NGÂN