10:04, 01/04/2018

Ý tưởng... không bâng quơ

Theo Hoàng Mai, sau quá trình thực nghiệm, cả hai nhận thấy việc sử dụng sâu sáp và sâu rồng để phân hủy PE là hoàn toàn có cơ sở và hợp lý, bởi sâu sinh sống phù hợp với khí hậu Việt Nam...

Từ chú sâu trong đám lá…
 
Trong một buổi sáng sinh hoạt tập thể của chuyến đi trải nghiệm sáng tạo vào tháng 8 năm trước tại TP. Đà Lạt, hai em Trần Hoàng Mai và Thái Mỹ Huyền - lớp 9/1 Trường THCS Võ Văn Ký, TP. Nha Trang phát hiện trong đám lá có một chú sâu. Các em hỏi: “Thầy ơi, sâu ăn lá, vậy sâu có thể ăn được gì nữa không?”. Câu hỏi tưởng chừng bâng quơ đó của các em đã được trả lời bằng một dự án khoa học kỹ thuật chinh phục nhiều cuộc thi các cấp, mới đây là giải nhất Cuộc thi Khoa học kỹ thuật dành cho học sinh trung học cấp quốc gia khu vực phía nam năm 2018 diễn ra tại chính TP. Đà Lạt, nơi nảy sinh ý tưởng. 
 
Mỹ Huyền cho biết: “Theo chúng em tìm hiểu, đã có một số nghiên cứu nước ngoài về một số loại sâu ăn các chất thải nhựa polyethylene (PE). Tuy nhiên ở Việt Nam, đến thời điểm này chưa có công trình nghiên cứu nào về vấn đề này”. Thế là từ ý tưởng ban đầu, với sự hỗ trợ của thầy cô giáo, Mai và Huyền đã thực hiện dự án “Xử lý rác thải nhựa PE dựa vào quá trình phân hủy sinh học của một số loại sâu”. Ngoài giờ học ở trường, quỹ thời gian còn lại cả hai đều dành cho việc mày mò nghiên cứu tài liệu và từng bước kiểm chứng các giả thuyết đặt ra bằng thực nghiệm. Ngoài việc thí nghiệm tại phòng thực hành nhà trường, cả hai còn được sự hỗ trợ từ các thiết bị máy móc hiện đại tại Viện Công nghệ Sinh học và Môi trường, Trường Đại học Nha Trang để có câu trả lời về tính chính xác của thực nghiệm. Kết quả cho thấy, phân của sâu sau khi ăn PE thải ra không có hại đến môi trường.
 
Theo Hoàng Mai, sau quá trình thực nghiệm, cả hai nhận thấy việc sử dụng sâu sáp và sâu rồng để phân hủy PE là hoàn toàn có cơ sở và hợp lý, bởi sâu sinh sống phù hợp với khí hậu Việt Nam, đang được nuôi với số lượng lớn ở các tỉnh miền Tây. Bên cạnh đó, việc này cũng không ảnh hưởng đến môi trường bởi chưa có báo cáo chính thức nào của cơ quan nhà nước về vấn đề này. Số lượng PE bị sâu sáp và sâu rồng phân hủy nhanh hơn rất nhiều lần so với việc chôn hay đốt PE. So với nghiên cứu của nước ngoài đối với sâu vàng, thì sâu sáp và sâu rồng ngoài khả năng phân hủy PE còn có thể phân hủy cả polystyrene (PS), một loại nhựa dẻo hầu như không bị phân hủy.

 

Hoàng Mai (thứ 2 từ phải sang) và Mỹ Huyền cùng thầy cô hướng dẫn tại Cuộc thi Khoa học kỹ thuật cấp quốc gia.
Hoàng Mai (thứ 2 từ phải sang) và Mỹ Huyền cùng thầy cô hướng dẫn tại Cuộc thi Khoa học kỹ thuật cấp quốc gia.
 
 
… đến giải nhất quốc gia
 
Chia sẻ về quãng thời gian vừa học, vừa nghiên cứu dự án, chuẩn bị dụng cụ, hóa chất cho thực nghiệm, Mai và Huyền cho biết, việc thí nghiệm không phải làm một lần là có kết quả ngay. Có những lúc thất bại, khó khăn, hay bất đồng quan điểm, cả hai tưởng chừng buông xuôi. Nhất là khi cơn bão số 12 tàn phá phòng thực hành của Viện Công nghệ Sinh học và Môi trường khiến việc làm thí nghiệm bị trì hoãn. Mai chia sẻ, cuộc thi không chỉ cho em thêm kiến thức, thêm yêu thích khoa học, mà còn là cơ hội cọ xát, giúp em thêm mạnh dạn, tự tin, rèn khả năng thuyết trình trước đám đông cũng như tin vào bản thân mình. Sau cuộc thi, cả hai vẫn tiếp tục theo đuổi những nghiên cứu còn đang ấp ủ dành cho dự án, cũng như trau dồi thêm khả năng tiếng Anh để có thể chiếm lĩnh những sân chơi lớn hơn trong tương lai. 
 
Theo thầy Phạm Vũ Thanh An - Trường THCS Võ Văn Ký, giáo viên hướng dẫn của Mai và Huyền, tham gia sân chơi khoa học cấp quốc gia, với hơn 200 dự án, mà trong đó đa số là của các anh chị cấp THPT, nhưng Mai và Huyền đã xuất sắc với dự án cấp THCS duy nhất đạt giải nhất bên cạnh 11 dự án còn lại. Kết quả mà hai em đạt được là sự hội tụ của nhiều yếu tố, từ sự nỗ lực và bản lĩnh của học trò, sự giúp sức của đội ngũ chuyên gia, nhà khoa học, sự hỗ trợ của các trang thiết bị thí nghiệm hiện đại từ Trường Đại học Nha Trang, sự ủng hộ về tinh thần, vật chất của nhà trường, phụ huynh và không thể thiếu một chút may mắn. Những gì các em đã thể hiện cũng cho thấy, nếu giáo viên đứng lớp biết thoát ra khỏi 4 bức tường phòng học, biết khơi gợi, truyền cảm hứng, tạo điều kiện cho các em được hòa mình vào thực tiễn, được thử thách trong môi trường khoa học thì các em sẽ tự khắc tìm được niềm yêu thích, say mê trong học tập. 
 
Thầy Phan Thành Chung - Hiệu trưởng Trường THCS Võ Văn Ký cho biết, đối với Cuộc thi Khoa học kỹ thuật dành cho học sinh trung học, trường có 2 dự án đạt giải, một giải nhì, một giải ba cấp thành phố và giải ba cấp tỉnh vào năm 2016, một dự án giải nhất thành phố và giải nhì tỉnh năm 2017. Năm học 2017-2018 là năm trường đạt thành tích tốt nhất trong cuộc thi này. Trước đó, dự án của Mai và Huyền cũng đã vượt qua hơn 100 dự án để giành giải nhất cuộc thi Sáng tạo các giải pháp bảo vệ môi trường cấp tỉnh. Đây là động lực để nhà trường tiếp tục hướng thầy cô tăng cường dạy thực hành, mạnh dạn tổ chức các hoạt động trải nghiệm sáng tạo để tăng hứng thú cho học sinh; đồng thời tiếp tục động viên và tạo điều kiện cho học sinh, giáo viên tìm tòi những ý tưởng mới, tham gia các sân chơi khoa học và các hoạt động tích cực khác để các em có cơ hội thể hiện mình. 
 
H.NGÂN