09:04, 22/04/2018

Cần sớm xây mới Trường Trung học cơ sở Lê Hồng Phong

Từ nhiều năm nay, Trường THCS Lê Hồng Phong (TP. Cam Ranh, Khánh Hòa) đã xuống cấp trầm trọng. Dự án xây mới ngôi trường này đã được phê duyệt, nhưng phải tạm dừng vì thiếu vốn khiến thầy trò trong trường nơm nớp lo sợ nguy hiểm có thể xảy ra bất cứ lúc nào.

Từ nhiều năm nay, Trường THCS Lê Hồng Phong (TP. Cam Ranh, Khánh Hòa) đã xuống cấp trầm trọng. Dự án xây mới ngôi trường này đã được phê duyệt, nhưng phải tạm dừng vì thiếu vốn khiến thầy trò trong trường nơm nớp lo sợ nguy hiểm có thể xảy ra bất cứ lúc nào.

Ngôi trường xuống cấp


Trường THCS Lê Hồng Phong được xây dựng từ năm 1967, cùng với khu cư xá Đoàn Kết gần đó. Đến năm học 1969 - 1970, ngôi trường bắt đầu đi vào hoạt động. Năm 1975, tòa nhà chính trong ngôi trường bị ném bom trúng khiến phần mái bị nứt, hư hỏng nặng. Tuy nhiên, ngôi trường vẫn hoạt động bình thường.

 

Các phòng học tại Trường THCS Lê Hồng Phong đã xuống cấp trầm trọng.

Các phòng học tại Trường THCS Lê Hồng Phong đã xuống cấp trầm trọng.


Thầy Đinh Văn Liêm - Hiệu trưởng Trường THCS Lê Hồng Phong cho biết, tuy kết cấu ngôi trường rất chắc chắn, nhưng do ảnh hưởng của bom đạn tàn phá nên từ khi xây dựng đến nay, trường phải lợp mái tôn chồng lên trên 2 lần để chống dột. Từ những năm 1992 - 1993, trường đã có dấu hiệu xuống cấp với mái nứt, dột nước, trụ móng bắt đầu bong tróc, lòi cốt thép. Đến nay, trường đã xuống cấp trầm trọng, vết nứt xuất hiện ở khắp các phòng học, hành lang, trần nhà, trụ móng. Nhiều phòng học chỉ cần sờ tay lắc nhẹ là thấy bức tường lung lay. Nhiều đoạn lan can bị hư hỏng nặng, gạch xây bị bong tróc, điểm nối của các bức tường bung ra…


Được biết, Trường THCS Lê Hồng Phong là trường điểm của thành phố. Trường có 23 phòng học, 2 phòng vi tính, 3 phòng bộ môn và 2 phòng học âm nhạc. Toàn trường hiện có 1.713 học sinh, trung bình gần 40 học sinh/lớp, cao nhất TP. Cam Ranh.  Hiện nay, Sở Giáo dục - Đào tạo đã chỉ đạo xây dựng Trường THCS Lê Hồng Phong là trường chất lượng cao. Nhà trường đã thí điểm xây dựng 4 lớp học chất lượng cao học 2 buổi/ngày (2 lớp 6 và 2 lớp 7). Chính vì vậy, cơ sở vật chất xuống cấp ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng dạy và học của trường. “Mỗi lần họp phụ huynh, Ban đại diện cha mẹ học sinh đều có ý kiến về vấn đề chất lượng cơ sở vật chất của trường. Các phụ huynh rất lo lắng khi con em mình hàng ngày phải học trong ngôi  trường xuống cấp, bong tróc, nứt mái, nứt trụ như thế…”, thầy Liêm cho hay.


Có dự án nhưng phải tạm dừng


Sau thời gian dài kiến nghị, dự án xây dựng mới Trường THCS Lê Hồng Phong đã được phê duyệt với tổng kinh phí 36,4 tỷ đồng. Trong đó, ngân sách tỉnh 70%, còn lại là ngân sách TP. Cam Ranh. Ngày 19-3-2017, Chủ tịch UBND TP. Cam Ranh Nguyễn Hữu Dũng đã ký quyết định phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu dự án. Tuy nhiên, sau cơn bão số 12 năm 2017, dự án đã bị tạm dừng do thiếu vốn.


Đầu năm 2018, do cơ sở vật chất quá xuống cấp, lo lắng cho tính mạng của hàng nghìn học sinh và giáo viên, thầy Liêm đã chụp hình các điểm nứt mái, bong trụ… và làm báo cáo kiến nghị gửi Phòng Giáo dục - Đào tạo TP. Cam Ranh. Thầy Liêm cho biết: “Cứ thứ Bảy hàng tuần, tôi phải cử bảo vệ nhà trường đi khắp các phòng học dùng cây sào chọc cho các mảng xi măng bong tróc rớt xuống rồi thu dọn sạch sẽ. Sợ nhất là học sinh đang học mà các mảng xi măng rơi xuống đầu, không biết chuyện gì sẽ xảy ra”.


Ngày 30-1, Phòng Giáo dục - Đào tạo TP. Cam Ranh đã lập đoàn kiểm tra đến Trường THCS Lê Hồng Phong để rà soát tình trạng cơ sở vật chất của trường. Qua kiểm tra, đoàn xác nhận những nội dung trong báo cáo kiến nghị của thầy Liêm là hoàn toàn chính xác.


Ngày 17-4, Ban Văn hóa - Xã hội HĐND tỉnh đã tiến hành giám sát tình trạng dạy thêm, học thêm, thu học phí và cơ sở vật chất tại Trường THCS Lê Hồng Phong. Qua giám sát, đoàn rất bất ngờ trước thực trạng cơ sở vật chất xuống cấp tại đây. Do đây là dự án đã nằm trong kế hoạch vốn trung hạn giai đoạn 2016 - 2020, nên trong cuộc họp sắp tới, Ban Văn hóa - Xã hội HĐND tỉnh cho biết sẽ kiến nghị sớm bố trí vốn để xây lại ngôi trường này.


VĂN KỲ