Nhu cầu gửi trẻ vào các trường mẫu giáo, mầm non công lập của người dân trên địa bàn huyện Cam Lâm cao. Tuy nhiên, số lượng trường, phòng học chưa đáp ứng được.
Nhu cầu gửi trẻ vào các trường mẫu giáo, mầm non công lập của người dân trên địa bàn huyện Cam Lâm, Khánh Hòa cao. Tuy nhiên, số lượng trường, phòng học chưa đáp ứng được.
Trường Mầm non Hoa Hồng (xã Cam Thành Bắc) có 3 điểm trường ở thôn Tân Phú, Tân Lập và Tân Quý. Vào những thời gian trường bắt đầu nhận hồ sơ, đây là điểm nóng về nhu cầu cho trẻ ra lớp. Cô Nguyễn Thị Kim Chi - Hiệu trưởng Trường Mầm non Hoa Hồng cho biết, hiện tại, số lượng trẻ được giữ tại 3 điểm trường đã vượt quy định, không thể nhận thêm, nhưng chỉ mới đáp ứng được gần 60% nhu cầu của người dân. Theo cô Chi, ngoài Trường Mầm non Hoa Hồng, xã chỉ còn 1 điểm giữ trẻ tư nhân. Vì vậy, nhiều trẻ phải học các trường ở địa bàn lân cận như thị trấn Cam Đức. Điều này đã làm tăng áp lực về nhu cầu gửi trẻ cho thị trấn.
Còn tại xã Suối Tân, theo số liệu điều tra mới nhất, hiện nay, toàn xã có 880 trẻ dưới 5 tuổi. Trong đó, có 392 trẻ đang được học tại 2 điểm trường của Trường Mầm non Vàng Anh; 275 trẻ đang được gửi tại 10 cơ sở giữ trẻ tư nhân trên địa bàn, trong đó có 5 cơ sở đã được cấp phép. Cô Nguyễn Thị Thu - Hiệu trưởng Trường Mầm non Vàng Anh cho biết, hiện nay, toàn xã còn khoảng 203 trẻ chưa được ra lớp, đang được gia đình tự giữ, chăm sóc hoặc gửi ở những gia đình có nhận giữ trẻ theo hình thức nhỏ lẻ. “Năm học trước, có khi số lượng trẻ lên đến 40 cháu/lớp. Nhưng năm nay, trường vừa được xây mới một số phòng học, nên đã tăng số lượng trẻ được nhận; giảm số lượng trẻ/lớp đúng theo quy định. Chúng tôi cũng nhận được rất nhiều ý kiến của phụ huynh, mong muốn được gửi con em mình vào trường công lập, nhưng cơ sở vật chất, biên chế không đảm bảo nên chưa thể đáp ứng được nhu cầu người dân”, cô Thu chia sẻ.
Bà Hoàng Thị Quyên - người dân xã Suối Tân cho biết, ở xã, không chỉ có con em của người dân, mà còn con của những công nhân đang làm tại Khu Công nghiệp Suối Dầu, nên nhu cầu gửi trẻ rất cao. “Bản thân con tôi cũng không gửi được vào trường, may có ông bà giữ giúp mới yên tâm đi làm”, bà Quyên nói.
Theo lãnh đạo Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Cam Lâm, hiện nay, toàn huyện có 15 trường mầm non, mẫu giáo; 48 nhóm lớp ngoài công lập, trong đó 20 nhóm lớp đã được cấp phép, 28 nhóm lớp chưa được cấp phép. Các nhóm lớp chưa được cấp phép được phòng giao nhiệm vụ cho các trường tại địa bàn hướng dẫn, quản lý về nghiệp vụ, hướng dẫn thủ tục để được cấp phép khi đủ điều kiện. Bà Nguyễn Thị Thiên - chuyên viên Giáo dục Mầm non, Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện cho biết, nhu cầu gửi trẻ vào các cơ sở mầm non, mẫu giáo công lập của người dân trên địa bàn huyện khá cao. Trong khi đó, số lượng trường học, biên chế giáo viên chưa đáp ứng được.
Ông Lê Anh Bằng - Phó Trưởng phòng Phụ trách Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện cho biết, để giải quyết thực trạng trên, huyện đã có Đề án Tăng cường cơ sở vật chất để huy động trẻ 12 đến 36 tháng ra lớp. Theo đó, sẽ xây dựng thêm phòng học, đáp ứng phần nào nhu cầu của người dân, dự kiến sẽ triển khai trong năm 2019. Cùng đó, huyện đã được UBND tỉnh đồng ý về chủ trương triển khai đề án thành lập thêm trường mầm non tại Khu Công nghiệp Suối Dầu, có khoảng 14 lớp học.
“Việc tăng cường phòng học theo đề án huy động trẻ đến lớp và xây dựng trường mầm non tại Khu Công nghiệp Suối Dầu sẽ giải quyết được nhu cầu của người dân tại địa phương. Theo kế hoạch, trường mầm non tại Khu Công nghiệp Suối Dầu sẽ triển khai xây dựng trong năm 2019, hoạt động trong năm 2020. Phòng đã tham mưu huyện để xác định vị trí đất, quy hoạch mạng lưới trường lớp”, ông Bằng nói.
VĨNH THÀNH