Những ngày này, nhiều trường học đã được khoác lên mình tấm áo mới, như chưa từng phải gồng mình chống chọi với cơn bão số 12 cách đây hơn 4 tháng...
Những ngày này, nhiều trường học đã được khoác lên mình tấm áo mới, như chưa từng phải gồng mình chống chọi với cơn bão số 12 cách đây hơn 4 tháng. Dù chưa hết khó khăn, nhưng với tinh thần hiếu học, thầy và trò các trường đã và đang tiếp tục nỗ lực cho công cuộc ươm mầm xanh tri thức.
Diện mạo mới
Về các xã phía bắc huyện Khánh Vĩnh, dễ dàng nhận ra những ngôi trường như một nét chấm lớn, xanh ngắt giữa yên ả xóm làng. Nét chấm ấy sáng bừng trong màu tím hồng dịu dàng của giàn hoa giấy đang chung chiêng trong nắng gió, trong sắc xanh tươi thắm của lá bàng, trong rực rỡ của những khóm mười giờ... Thầy Bùi Quý Hải - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Khánh Đông vẫn không khỏi bùi ngùi khi nhớ lại khung cảnh sau bão cách đây hơn 4 tháng. Cả 5 điểm trường đều tan hoang, trong đó điểm trường Diên Thủy bị nặng nhất, không đảm bảo an toàn nên nhà trường phải dời học sinh sang điểm Suối Thơm gần đó để tập trung sửa chữa. Hơn 4 tháng qua là những tháng ngày tập thể cán bộ, giáo viên cùng sự giúp đỡ của các lực lượng căng sức nỗ lực để lớp học luôn rộng cửa đón những học sinh thân yêu. Hơn 1.000 viên ngói được đưa về, dặm vá lại mái trường bị bão cuốn phăng. Những tấm la phông dập rách tả tơi cũng được thay mới để đảm bảo an toàn cho thầy và trò. Những gốc cây đổ có thể khôi phục cũng được dựng lại, và từ đó những mầm xanh lại đâm chồi. Thầy Hải cho hay, ngoại trừ còn 2 nhà xe chưa làm xong thì đến nay, các hạng mục cơ bản đã được khắc phục.
Trường THPT Tô Văn Ơn, huyện Vạn Ninh đã và đang lấy lại diện mạo mới. Dẫn chúng tôi đi một vòng quanh trường, thầy hiệu trưởng Nguyễn Quang Vinh cho hay, bình thường nếu không có bão, trường cũng nằm trong vùng trọng điểm gió của khu vực Tu Bông. Khi bão vào, dù chuẩn bị phương án ứng phó, nhưng chẳng thấm vào đâu trước sức cuồng nộ của thiên tai, thiệt hại của trường ước tính hơn 2 tỷ đồng. Từ đó đến nay, tập thể nhà trường đã chung tay dốc sức gây dựng lại từ đầu. Để thi công những hạng mục bị bão gây thiệt hại, Sở Giáo dục và Đào tạo đã hỗ trợ trường hơn 1 tỷ đồng để khôi phục mái ngói, la phông, hệ thống điện, quạt, tường rào. Do vừa tiến hành thi công, vừa tổ chức dạy và học nên thời gian kéo dài. Song đến nay, nhà trường cơ bản đã khắc phục xong những hạng mục bị hư hại, chỉ còn 3 trong 4 nhà để xe và một đoạn tường rào còn thi công dang dở.
Ông Lê Tuấn Tứ - Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo cho biết, nhìn chung công tác khắc phục, sửa chữa các công trình bị thiệt hại do bão đến nay đã cơ bản hoàn thành. Tuy nhiên, để không làm ảnh hưởng đến kế hoạch dạy học, một số hạng mục chưa thể triển khai sửa chữa. Sở sẽ tiếp tục triển khai trong thời gian sớm nhất. Theo thống kê, kinh phí cần để khắc phục thiệt hại do bão 12 gây ra ở các đơn vị trực thuộc sở là hơn 14,7 tỷ đồng. Thiệt hại ở các cơ sở trực thuộc phòng giáo dục và đào tạo các huyện, thị xã, thành phố là hơn 112,6 tỷ đồng. UBND tỉnh đã có quyết định về việc giao kế hoạch vốn Trung ương hỗ trợ khắc phục thiệt hại do bão số 12 và mưa lũ gây ra trên địa bàn tỉnh và phân bổ cho các đơn vị để tiến hành sửa chữa, khắc phục, trong đó có ngành Giáo dục.
Gạt đi giọt mồ hôi của những ngày trực trường, lao động vệ sinh trường lớp vất vả; gác lại những bộn bề của cuộc sống gia đình để lo việc trường, việc lớp sau cơn bão số 12, giờ đây, các thầy cô giáo Trường THPT Hoàng Văn Thụ, TP. Nha Trang đã có thể yên tâm đứng trên bục giảng, trong niềm vui chộn rộn của các học trò. Trường được Sở Giáo dục và Đào tạo hỗ trợ 1 tỷ đồng để sửa chữa, khôi phục cơ sở vật chất. Trên nền ngôi trường cũ, những mái ngói mới lại mọc lên, la phông, phòng học được sửa sang, học sinh không còn phải học tạm trong các phòng thực hành, phòng thí nghiệm… Các học sinh tại điểm trường chính của Trường Tiểu học Ninh An, thị xã Ninh Hòa cũng đã có thể học lại 2 buổi/ngày, còn 4 điểm trường phụ vẫn tổ chức dạy 1 buổi/ngày với các điều kiện học tập đi vào nề nếp. Diện mạo mới khang trang đã dần được lấy lại; những hàng cây tuy chưa thể sớm phủ bóng sân trường, nhưng những tán lá cũng đã bắt đầu lên xanh, trong niềm hân hoan của thầy và trò…
Chung tay vượt khó
Trong khi đó, tại Trường THCS Nguyễn Thái Bình, huyện Khánh Vĩnh nét tan hoang vẫn còn in dấu. Cô Hoàng Thị Hạnh - Hiệu trưởng nhà trường cho biết, do thiệt hại nặng nên đến nay việc khắc phục cơ sở vật chất vẫn chưa xong. Hiện tại, UBND, Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện đã cho công thợ khắc phục các hạng mục bên trong như bàn ghế, la phông, hệ thống quạt, điện... Các hạng mục bên ngoài nhà để xe, tường rào, cổng trường sắp tới sẽ khắc phục sau. Sở Giáo dục và Đào tạo đã hỗ trợ nhà trường 100 bộ bàn ghế mới, các trường bạn cũng chia sẻ giúp nhà trường ổn định việc dạy và học.
Dù cơn bão đã qua, vẫn còn những nỗi đau để lại. Có người bạn mới đây còn cùng nhau tung tăng đến trường, giờ đã không còn được gặp lại. Có em chịu cảnh bơ vơ vì người cha phải bỏ mạng trong chuyến đi định mệnh giữa trùng khơi sóng dữ. Nhiều em phải vừa học vừa chạy đua với cái khó, cái nghèo. Song với tinh thần “lá lành đùm lá rách”, “nhường cơm sẻ áo”, cả xã hội đã và đang tiếp tục sẻ chia, mong giúp những hoàn cảnh ấy vơi đi khó khăn một phần dù là rất nhỏ. Các bạn học sinh Trường Tiểu học Phước Tiến (Nha Trang), Trường iSchool Nha Trang… đã bớt chút quà ăn sáng; các thầy cô giáo, cán bộ, nhân viên… hỗ trợ một ngày công để quyên góp giúp những hoàn cảnh kém may mắn khác. Trong cơn hoạn nạn, Trường THPT Tô Văn Ơn đã được sự giúp đỡ của nhiều tổ chức, cá nhân trong và ngoài tỉnh, trong đó các đơn vị tại TP. Hồ Chí Minh hỗ trợ hàng trăm suất quà (1 triệu/suất) tặng học sinh và giáo viên như: Trường Đại học Sư phạm 30 suất, Trường Đại học Công nghệ Miền Đông 20 suất, Công ty Cổ phần Nhật Việt 150 suất, Sở Giáo dục Đào tạo TP. Cần Thơ 50 suất… Trường Tiểu học Khánh Đông cũng nhận được hàng trăm suất quà hỗ trợ học sinh và giáo viên có nhà bị hư hỏng, đời sống khó khăn, trong đó Báo Tuổi trẻ đã hỗ trợ 200 suất (300.000 đồng/suất)…
Nhìn những bước chân rộn rã, tiếng cười nói vui tươi trên đường đến trường của những tốp học sinh, chúng tôi lại thấy bừng lên sức sống mới. Với những nỗ lực vượt qua khó khăn, hy vọng rằng năm học này ngành Giáo dục sẽ tiếp tục gặt hái được nhiều quả ngọt.