Kỳ tuyển sinh vào lớp 10 năm học 2018-2019 tới, việc cộng điểm khuyến khích sẽ chỉ áp dụng cho học sinh có chứng chỉ nghề phổ thông, còn học sinh giỏi các môn văn hóa, học sinh đạt giải khoa học kỹ thuật...
Kỳ tuyển sinh vào lớp 10 năm học 2018-2019 tới, việc cộng điểm khuyến khích sẽ chỉ áp dụng cho học sinh (HS) có chứng chỉ nghề phổ thông, còn HS giỏi các môn văn hóa, HS đạt giải khoa học kỹ thuật và các giải thưởng khác cấp tỉnh sẽ không được cộng điểm khuyến khích như những năm trước. Hết năm học này, sẽ bỏ hẳn cả việc cộng điểm nghề.
Chỉ cộng điểm nghề năm 2018
Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) vừa ban hành Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế tuyển sinh THCS và tuyển sinh THPT. Theo đó, Thông tư mới (có hiệu lực từ ngày 15-4-2018) đã bỏ đi nội dung: “Sở GD-ĐT quy định đối tượng và điểm cộng thêm cho từng loại đối tượng được hưởng chế độ khuyến khích”. Tuy nhiên, được bổ sung thêm nội dung: “Các sở GD-ĐT có quy định cộng điểm khuyến khích đối với HS thi nghề phổ thông thì tiếp tục áp dụng tuyển sinh năm học 2018-2019”.
Theo ông Trần Văn Long - Trưởng Phòng Khảo thí và Kiểm định chất lượng GD (Sở GD-ĐT), quy định trên có nghĩa là trong kỳ tuyển sinh vào lớp 10 năm học 2018-2019 tới, việc cộng điểm khuyến khích sẽ chỉ áp dụng cho HS có chứng chỉ nghề phổ thông, các đối tượng còn lại sẽ không được cộng điểm như những năm trước, kể cả HS giỏi các môn văn hóa, HS đạt giải khoa học kỹ thuật và các giải thưởng khác cấp tỉnh. Nguyên nhân là do thời điểm ban hành thông tư, HS trên cả nước đã hoặc sắp tham gia kỳ thi nghề phổ thông nên Bộ GD-ĐT cân nhắc thời điểm áp dụng để tránh gây tâm lý hoang mang, lo lắng. Từ kỳ tuyển sinh năm học 2019-2020, sẽ bỏ hẳn cả việc cộng điểm nghề. Về quy định tuyển thẳng và ưu tiên xét tuyển sinh đầu cấp, Bộ GD-ĐT quy định chỉ áp dụng với HS đạt giải cấp quốc gia và quốc tế về văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao, cuộc thi khoa học kỹ thuật cấp quốc gia dành cho HS THCS và THPT. Tuy nhiên, kết quả thi nghề của HS THCS vẫn được sử dụng để khuyến khích trong xét tốt nghiệp THCS.
Để học nghề thu hút HS
Nhiều ý kiến lo ngại, việc Bộ GD-ĐT bỏ quy định cộng điểm nghề phổ thông từ kỳ tuyển sinh năm học 2019-2020 thì HS sẽ nghĩ việc học nghề không còn cần thiết, và không đăng ký học. Bởi hiện nay đây là nội dung học tự chọn ở cấp THCS, chỉ bắt buộc ở cấp THPT. Đây cũng là bài toán đặt ra cho công tác GD hướng nghiệp và phân luồng HS sau THCS.
Thời gian qua, việc dạy nghề phổ thông cho HS vẫn còn mang tính hình thức; chương trình học nặng về lý thuyết; điều kiện, cơ sở vật chất để HS thực hành còn thiếu thốn. Tỷ lệ tuyển sinh vào lớp 10 các trường THPT công lập trên địa bàn tỉnh những năm qua dao động từ 75 đến 80% so với số HS tốt nghiệp THCS. Tỷ lệ HS còn lại hoặc đi học nghề tự do hoặc đi học tại các trường cao đẳng, trung cấp nghề trong hoặc ngoài tỉnh không quá 12%. Con số đó cho thấy, công tác phân luồng HS sau trung học của tỉnh mới chỉ đạt kết quả bước đầu và còn nhiều khó khăn, thách thức.
Trước thực tế đó, điều quan trọng là việc cải thiện chất lượng dạy nghề trong trường phổ thông ra sao để mục tiêu GD hướng nghiệp, phân luồng HS hiệu quả. Thời gian qua, Sở GD-ĐT đã đề ra một số giải pháp về điều chỉnh nội dung và phương thức dạy học đối với các trung tâm GD thường xuyên - hướng nghiệp; quy hoạch, sắp xếp lại các trường THPT, các cơ sở GD nghề nghiệp cấp huyện để thí điểm hình thành trường trung cấp vừa tổ chức hoạt động văn hóa và học kỹ năng nghề; đánh giá mô hình kết hợp giữa trung tâm GD thường xuyên và cơ sở GD nghề nghiệp để cấp hai bằng cho người học; thí điểm triển khai mô hình GD nhà trường gắn với thực tiễn sản xuất kinh doanh của địa phương; tăng cường các điều kiện về cơ sở vật chất, trang thiết bị để học gắn với hành… Chỉ khi nào thực hiện đồng bộ, hiệu quả các giải pháp thì việc dạy nghề mới tự khắc thu hút HS, chứ không phải vì mục đích cộng hay không cộng điểm.
H.NGÂN