Hiện nay, nhiều trường học trên địa bàn tỉnh đang khẩn trương sửa chữa, khắc phục các công trình, hạng mục bị ảnh hưởng bão. Phóng viên Báo Khánh Hòa đã trao đổi với bà Hoàng Thị Lý - Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) về vấn đề này.
Hiện nay, nhiều trường học trên địa bàn tỉnh đang khẩn trương sửa chữa, khắc phục các công trình, hạng mục bị ảnh hưởng bão. Phóng viên Báo Khánh Hòa đã trao đổi với bà Hoàng Thị Lý - Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) về vấn đề này.
- Xin bà cho biết, việc xử lý, khắc phục hậu quả sau bão tại các trường học được thực hiện ra sao?
- Thực hiện chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh, Sở GD-ĐT đã có văn bản yêu cầu các đơn vị khẩn trương thực hiện các phương án xử lý, khắc phục hậu quả sau bão, triển khai thực hiện một số nội dung sửa chữa các cơ sở, công trình sớm đưa vào sử dụng.
Cụ thể, đối với các cơ sở, công trình có mức độ hư hỏng, cần sửa chữa với tổng mức kinh phí dưới 100 triệu đồng, các đơn vị quản lý, sử dụng thành lập hội đồng xác định tình trạng thiệt hại (theo đơn giá quy định hiện hành), bao gồm: lãnh đạo đơn vị, đại diện các đoàn thể của đơn vị, chính quyền địa phương cấp xã. Hội đồng tiến hành đánh giá, lập biên bản xác nhận tình trạng, khối lượng hư hỏng để ký hợp đồng, tiến hành sửa chữa và tổ chức giám sát để đảm bảo chất lượng sửa chữa.
Trường hợp công trình có mức độ hư hỏng, cần sửa chữa với tổng kinh phí từ 100 triệu đồng đến dưới 500 triệu đồng, thành phần hội đồng có thêm cơ quan quản lý cấp trên và cơ quan quản lý xây dựng cấp huyện. Hội đồng tiến hành đánh giá lập biên bản xác nhận tình trạng, khối lượng hư hỏng và lập dự toán sửa chữa để ký hợp đồng với đơn vị có đủ điều kiện năng lực theo quy định của pháp luật.
Trường hợp công trình có mức độ hư hỏng, cần sửa chữa với tổng kinh phí từ 500 triệu đồng đến 1 tỷ đồng, thực hiện tương tự như vừa nêu nhưng có thêm việc lập thiết kế bản vẽ thi công dự toán.
Trường hợp mức độ hư hỏng có tổng kinh phí trên 1 tỷ đồng thì thành phần hội đồng gồm: lãnh đạo đơn vị, đại diện đoàn thể của đơn vị, chính quyền địa phương cấp xã, cơ quan quản lý cấp trên, cơ quan quản lý xây dựng cấp huyện và đại diện Sở Xây dựng.
- Hiện nay ở nhiều trường, nguồn kinh phí còn hạn hẹp, trong khi khối lượng thiệt hại lớn. Vậy giải quyết vấn đề này ra sao, thưa bà?
- Sở GD-ĐT hướng dẫn, đối với các công trình sửa chữa có giá trị dưới 100 triệu đồng thì các đơn vị chủ động sử dụng dự toán chi thường xuyên và các nguồn thu hợp pháp để khẩn trương khắc phục, đảm bảo cho hoạt động dạy và học.
Đối với các công trình có giá trị từ 100 triệu đồng trở lên, các đơn vị chủ động cân đối nguồn kinh phí tùy theo khả năng của đơn vị để thực hiện. Đồng thời, tổng hợp phần kinh phí còn thiếu báo cáo về Sở GD-ĐT để tổng hợp, báo cáo UBND tỉnh xem xét hỗ trợ.
- Xin cảm ơn bà!
K.Dung (Thực hiện)