Ngày 13-11, hơn 45.000 học sinh của hơn 90 trường mầm non, tiểu học và Trung học cơ sở trên địa bàn thị xã Ninh Hòa bước vào ngày học đầu tiên sau bão. Tuy còn nhiều khó khăn, nhưng các trường đã và đang gắng sức để ổn định công tác dạy và học…
Ngày 13-11, hơn 45.000 học sinh (HS) của hơn 90 trường mầm non, tiểu học và THCS trên địa bàn thị xã Ninh Hòa bước vào ngày học đầu tiên sau bão. Tuy còn nhiều khó khăn, nhưng các trường đã và đang gắng sức để ổn định công tác dạy và học…
Từng bước khắc phục
Lớp 3/1 tại điểm trường thôn Tân Đảo, Trường Tiểu học số 2 Ninh Ích (xã Ninh Ích) ngày thường có 32 em, buổi học đầu tiên sau bão vắng 2 em. Một em nhà bị tốc mái nặng, sách vở ướt hết nên chưa thể tới trường; còn một em đã ra đi mãi mãi cùng với người bà vì nhà sập. Nhìn vào chỗ ngồi của em HS đã mất, cô giáo chủ nhiệm Nguyễn Thị Thu Hà không giấu được nỗi buồn…
Thầy Nguyễn Kính - Hiệu trưởng nhà trường cho biết, trường có 4 điểm với 16 lớp, hơn 390 HS. Trong đó, thôn Tân Đảo là điểm trường chính, còn lại 1 điểm ở thôn Ngọc Diêm, 2 điểm ở thôn Tân Thành. Cả 4 điểm trường đều bị bão làm tốc mái, sập la phông, nước mưa làm ướt hầu hết sách vở các em để tại lớp. Buổi học đầu, cả trường vắng 8 em. Trong đó, 3 em nhà sập hoàn toàn, gia đình đã chuyển đến nơi khác, còn lại một số em vì điều kiện khó khăn chưa thể tới trường. Phần lớn cha mẹ các em là ngư dân; bão đến phá tan các lồng bè, đìa tôm khiến gia đình các em điêu đứng. Những ngày qua, nhà trường và giáo viên đã tìm đến nhà một số em có hoàn cảnh khó khăn để chia sẻ, động viên và hỗ trợ sách vở, dụng cụ học tập để các em tiếp tục đến trường. Nhà trường dự kiến tổ chức học bù vào ngày Thứ bảy, như vậy khoảng 5 tuần có thể theo kịp chương trình đã bị hoãn lại thời gian qua.
Đã hơn 1 tuần sau bão nhưng Trường Mầm non Ninh An (xã Ninh An) - điểm trường thôn Sơn Lộc vẫn còn nguyên dãy nhà nằm trơ trọi, trống không, với những bức tường đã tróc vôi, trơ gạch. Cô Huỳnh Thị Ngọc Hoa - Hiệu trưởng nhà trường cho biết, trong 9 điểm trường thì điểm Sơn Lộc bị thiệt hại nặng nhất, toàn bộ mái và trần bị sập hoàn toàn, đến nay chưa thể khắc phục kịp. Ngày học trở lại đầu tiên sau bão, hơn 100 trẻ của 3 lớp phải học nhờ tại 3 phòng học mượn tạm của Trường THCS Phạm Ngũ Lão kế bên. Tuy điều kiện còn thiếu thốn, đồ dùng học tập, đồ chơi không đầy đủ, nhưng cô và trò đều cố gắng vượt qua. Trước mắt, trẻ chỉ học 1 buổi/ngày thay vì 2 buổi/ngày như trước đây vì chưa có điện. Trong khi đó, tại Trường Mẫu giáo Ninh Sơn (xã Ninh Sơn), điểm trường chính có 9 lớp thì hiện nay chỉ còn 3 phòng có thể học được nên HS các lớp phải học ghép.
Tại Trường Tiểu học Ninh An (xã Ninh An), đến thời điểm này, các phòng tốc mái đã được lợp lại, khu vực tường rào bị đổ sập được dọn dẹp, phòng học, cơ sở vật chất tạm ổn định để có thể dạy và học. Trong buổi học đầu tiên, hầu hết HS các lớp đều đi học đông đủ. Thầy Trần Trọng Đỗ - Hiệu trưởng nhà trường cho biết, nước đã có nhưng cũng chưa đảm bảo ở hết cả 5 điểm trường, còn điện vẫn chưa có trở lại. Do xây dựng trước khi Quốc lộ 1 được nâng cấp nên trường thường xuyên bị ngập nước, thêm trận bão vừa qua khiến việc khắc phục mất nhiều thời gian.
Tại Trường Mẫu giáo Hướng Dương (phường Ninh Hiệp), cô Nguyễn Thị Liên - Hiệu trưởng nhà trường cho biết, bước đầu, nhà trường đã khôi phục tạm thời 6 phòng bị sập la phông, lợp lại mái ngói, vệ sinh khuôn viên trong và ngoài lớp học. Đây cũng là một trong số ít trường đã có điện, nước đảm bảo để nấu ăn, sinh hoạt… cho trẻ học bán trú.
Tiếp tục vượt khó
Ông Lê Quang Thạch - Phó Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo thị xã Ninh Hòa cho biết, ngành Giáo dục thị xã bị thiệt hại lớn do bão, ước tính khoảng 50 tỷ đồng. Sau hơn 1 tuần khắc phục, đến sáng 13-11, hầu hết các trường mầm non, tiểu học và THCS đều có thể học lại, riêng các trường:
Mầm non Ninh Hưng (xã Ninh Hưng), THCS Phạm Ngũ Lão (xã Ninh An), THCS Nguyễn Văn Cừ (xã Ninh Sơn) vẫn tiếp tục dọn dẹp, vệ sinh, sắp xếp lại lớp học trong buổi sáng và đến chiều cùng ngày mới có thể tổ chức cho HS đi học trở lại. Ngoại trừ các trường tiểu học trên địa bàn phường Ninh Hiệp có thể dạy 2 buổi/ngày, còn lại các trường tổ chức dạy 1 buổi/ngày vì chưa đảm bảo an toàn thực phẩm, môi trường và nguồn nước phục vụ HS.
Khó khăn lớn nhất hiện nay là chưa có kinh phí khắc phục trong thời gian sớm nhất. Tạm thời, các trường tiếp tục tiến hành lợp lại mái ngói, sửa chữa la phông, nếu hư hỏng ít sẽ khắc phục ngay, còn các trường hợp nặng sẽ cho tháo dỡ để làm lại sau. Trong khi chờ nguồn kinh phí Nhà nước hỗ trợ, ngành Giáo dục thị xã mong muốn các địa phương ít thiệt hại hơn chia sẻ phần nào về sách vở, dụng cụ học tập… Phòng cũng chỉ đạo các trường và công đoàn trường chia sẻ, động viên tinh thần để các thầy cô yên tâm đứng trên bục giảng.
Ông Thạch cho biết, chuẩn bị cho lễ kỷ niệm ngày Nhà giáo Việt Nam 20-11, thực hiện chỉ đạo của Sở Giáo dục và Đào tạo, phòng yêu cầu các trường tổ chức lễ kỷ niệm trong 2 tiết, sau đó quay trở lại dạy học ngay, không tổ chức liên hoan, tiết kiệm tối đa và không tổ chức nhận quà của phụ huynh HS. Dịp lễ năm nay có lẽ sẽ không vui như mọi năm, nhưng các thầy cô cũng rất thông cảm với tình hình khó khăn hiện nay và cùng chung sức khắc phục.
H.NGÂN