Từ ngày 2 đến 8-10, Tuần lễ học tập suốt đời đã được phát động triển khai trong toàn tỉnh. UBND các huyện, thị xã, thành phố; Trường THCS Thái Nguyên (TP. Nha Trang) và một số trường học, hội khuyến học, trung tâm học tập cộng đồng tại các xã, phường…
Còn nhiều bất cập
Từ ngày 2 đến 8-10, Tuần lễ học tập suốt đời đã được phát động triển khai trong toàn tỉnh Khánh Hòa. UBND các huyện, thị xã, thành phố; Trường THCS Thái Nguyên (TP. Nha Trang) và một số trường học, hội khuyến học, trung tâm học tập cộng đồng tại các xã, phường… đã hưởng ứng triển khai tuần lễ với nhiều hoạt động như: tổ chức chương trình khuyến học, khuyến tài; mở lớp xóa mù chữ, lớp học theo các chuyên đề từ sản xuất, chăn nuôi, ứng dụng khoa học kỹ thuật; tổ chức các câu lạc bộ đọc sách…
Theo lãnh đạo Phòng Giáo dục Thường xuyên (GDTX) - Chuyên nghiệp của Sở Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT), Tuần lễ học tập suốt đời là hoạt động được phát động triển khai hàng năm. Thông qua tuần lễ, người dân ngày càng nhận thức rõ hơn việc học không chỉ dành cho học sinh, sinh viên mà bất cứ ai, ở bất kỳ độ tuổi nào cũng có thể được học và tự học ở mọi lúc, mọi nơi để cập nhật những tri thức mới phục vụ công việc, sản xuất, đời sống... Bên cạnh đó, việc đẩy mạnh các hoạt động trong tuần lễ giúp các cơ sở GD và các thiết chế GD ngoài nhà trường nâng cao khả năng đáp ứng nhu cầu học tập, tạo môi trường GD phù hợp với nhu cầu học tập suốt đời của cộng đồng.
Năm học 2016 - 2017, toàn tỉnh huy động được 5.728 học viên theo học bổ túc THCS và THPT theo chương trình GDTX; huy động được 292 học viên ra các lớp xóa mù chữ và 194 học viên ra các lớp GD tiếp tục sau biết chữ. Tỷ lệ người biết chữ trong độ tuổi từ 15 đến 60 tuổi đạt gần 96%. |
Điều quan trọng trong việc phát động, tuyên truyền về xã hội học tập là duy trì năng lực và hiệu quả hoạt động ở các địa phương, đơn vị. Mặc dù hiện nay, mạng lưới các cơ sở GD-ĐT, dạy nghề được củng cố, phát triển khắp các địa bàn trong toàn tỉnh, nhưng hoạt động ở nhiều đơn vị vẫn còn bất cập. Toàn tỉnh hiện có 8 trung tâm GDTX - hướng nghiệp cấp huyện, 1 trung tâm GDTX tỉnh và 1 trường bổ túc văn hóa. Khoảng 2 năm trở lại đây, hầu hết các trung tâm đã được quan tâm đầu tư về cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học cũng như cấp phát, hỗ trợ kinh phí và tăng cường các nguồn lực bảo đảm hoạt động. Đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên giảng dạy và nhân viên của các trung tâm cũng được bố trí đầy đủ ít nhất 1 giáo viên/môn văn hóa và nghề phổ thông, trong đó có cả giáo viên tin học và ngoại ngữ. Tuy nhiên, hầu hết các trung tâm chỉ chú trọng tới mảng dạy nghề phổ thông, dạy hướng nghiệp cho học sinh phổ thông và GDTX, dạy văn hóa chương trình GDTX cấp THPT. Còn việc tổ chức các chương trình GD theo đúng vai trò hướng nghiệp, khởi nghiệp, GD kỹ năng sống, GD nghề nghiệp, lớp liên kết đào tạo… chưa được quan tâm đúng mức.
Trong khi đó, toàn tỉnh có tới 137 trung tâm học tập cộng đồng (mỗi xã, phường có 1 trung tâm), song nhìn chung hoạt động còn kém hiệu quả; đội ngũ cán bộ quản lý thiếu kinh nghiệm; thiếu tài liệu học tập; cơ sở vật chất chưa được tận dụng triệt để; thiếu các chuyên đề gắn với từng ngành nghề của từng nhóm đối tượng cụ thể… Ông Nguyễn Từng - Phó Trưởng phòng GD-ĐT huyện Vạn Ninh cho biết, toàn huyện hiện có 13 trung tâm học tập cộng đồng. Qua kiểm tra, đánh giá năm 2016 và 9 tháng năm 2017, có 9 trung tâm đạt loại tốt và 4 trung tâm đạt loại khá. Khó khăn hiện nay là do đội ngũ giám đốc các trung tâm đều kiêm nhiệm nên nhiều nội dung triển khai còn bị động. Kinh phí được cấp 44 triệu đồng/năm cho mỗi trung tâm chủ yếu để chi lương nên việc đảm bảo hoạt động theo đúng chức năng còn rất khiêm tốn.
Kiện toàn bộ máy quản lý
Trước những bất cập đó, lãnh đạo Sở GD-ĐT đã chỉ đạo giám đốc các trung tâm GDTX - hướng nghiệp cần nâng cao trách nhiệm, năng động trong công tác quản lý. Đối với những lĩnh vực hoạt động mà trung tâm không đủ nguồn lực như: cơ sở vật chất, đội ngũ giảng dạy… thì cần thực hiện việc liên kết, phối hợp với các doanh nghiệp để tìm việc làm cho học sinh hoặc đưa học sinh đến doanh nghiệp thực hành, thực tập…
Đối với các trung tâm học tập cộng đồng, các địa phương cần kiểm tra, rà soát, nếu trung tâm nào không đủ điều kiện hoạt động thì phải giải thể theo quy định. Bên cạnh đó, phải thay thế những cán bộ quản lý năng lực hạn chế, thiếu trách nhiệm. Sở cũng yêu cầu các phòng GD-ĐT tham mưu UBND huyện, thị xã, thành phố tiến hành hội nghị đánh giá việc tổ chức và hoạt động của các trung tâm này; định hướng các trung tâm triển khai các chuyên đề học tập theo những ngành, nghề mà địa phương, xã hội đang cần…
T.VIỆT