Việc Bộ Giáo dục và Đào tạo ổn định phương án tổ chức kỳ thi THPT quốc gia trong 3 năm tới giúp các trường chủ động hơn trong kế hoạch dạy và học.
Việc Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) ổn định phương án tổ chức kỳ thi THPT quốc gia trong 3 năm tới giúp các trường chủ động hơn trong kế hoạch dạy và học.
Đề thi sẽ khó hơn
Kỳ thi THPT quốc gia với 2 mục đích: vừa xét công nhận tốt nghiệp THPT, vừa xét tuyển đại học, cao đẳng được Bộ GD-ĐT triển khai từ năm 2015. Qua 3 năm, kỳ thi có những đổi mới theo hướng giảm áp lực cho thí sinh và tốn kém cho xã hội. Vì vậy, trong các năm 2018, 2019 và 2020, Bộ GD-ĐT tiếp tục giữ ổn định các bài thi, môn thi như năm 2017. Từ năm 2021 trở đi, các bài thi, môn thi được thiết kế phù hợp với lộ trình triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới.
Nhiều ý kiến cho rằng, do năm 2017 là năm đầu tiên thi bài thi tổ hợp và trắc nghiệm tất cả các môn (trừ Ngữ văn) nên đề thi khá “dễ thở”. Bằng chứng là phổ điểm kỳ thi THPT quốc gia năm 2017 của tỉnh nói riêng và cả nước nói chung đều cao hơn so với năm trước. Số thí sinh đạt điểm cao cũng tăng đáng kể. Tuy nhiên, từ năm 2018, đề được dự báo sẽ tăng độ khó để đáp ứng tốt hơn công tác xét tuyển đại học, cao đẳng.
Ông Lê Tuấn Tứ - Giám đốc Sở GD-ĐT cho biết, mới đây, tại công văn gửi các sở GD-ĐT; các trường đại học, học viện về việc tổ chức kỳ thi THPT quốc gia và tuyển sinh đại học, cao đẳng hệ chính quy từ năm 2018, Bộ GD-ĐT cho biết sẽ tiếp tục “xây dựng ngân hàng câu hỏi thi chuẩn hóa, nâng cao độ phân hóa của đề thi theo chương trình giáo dục phổ thông hiện hành và từng bước định hướng nội dung theo lộ trình triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới”. Bên cạnh đó, theo lộ trình, năm 2018, ngoài kiến thức lớp 12 sẽ có thi kiến thức lớp 11 (từ năm 2019, thi toàn bộ chương trình cấp THPT). Cùng với việc thi trắc nghiệm tất cả các môn (trừ Ngữ văn) thì có thể thấy độ phủ của kiến thức sẽ lớn hơn, thí sinh không thể học tủ, học lệch; đồng thời phải biết vận dụng nhuần nhuyễn kiến thức được học và thực tiễn.
Xây dựng kế hoạch dạy học phù hợp
Thầy Trần Duy Nhụ - Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Văn Trỗi (TP. Nha Trang) cho biết, ngay từ đầu năm học này, nhà trường đã tổ chức cho học sinh (HS) đăng ký các tổ hợp môn, khối thi và phân lớp theo nguyện vọng và năng lực. Dù với phương thức thi nào thì cũng đều dựa trên cơ sở nền tảng kiến thức từ sách giáo khoa và phương pháp vận dụng lý thuyết vào thực tiễn. Tuy nhiên, việc Bộ GD-ĐT xây dựng được phương án thi ổn định cho 3 năm giúp các trường chủ động hơn trong kế hoạch dạy học, biên soạn nội dung giảng dạy, HS cũng có kế hoạch học tập phù hợp. Năm nay, các giáo viên có kinh nghiệm hơn trong giảng dạy các môn trắc nghiệm cũng như đổi mới phương pháp dạy học, sinh hoạt chuyên môn để đáp ứng yêu cầu của kỳ thi.
Tại hội nghị triển khai nhiệm vụ giáo dục trung học năm học 2017 - 2018 vừa qua, Sở GD-ĐT đã chỉ đạo các trường chủ động trọng việc thực hiện kế hoạch chương trình giảng dạy; rà soát, tinh giảm nội dung dạy học phù hợp, đồng thời khuyến khích giáo viên thiết kế lại các tiết học trong sách giáo khoa thành các bài học theo chủ đề. Bên cạnh đó, tăng cường phân cấp quản lý, tăng quyền chủ động của tổ chuyên môn. Việc sinh hoạt tổ, nhóm chuyên môn cần đi vào chiều sâu và có chất lượng hơn theo hướng trao đổi, thảo luận về các chủ đề, nội dung giảng dạy, rút kinh nghiệm, tháo gỡ những khó khăn vướng mắc trong giảng dạy... Sở cũng đề nghị các trường thực hiện giảng dạy kết hợp với ôn tập trong suốt năm học, xây dựng và hoàn thiện đề cương ôn tập ngay trong học kỳ 1. Trên cơ sở rút kinh nghiệm từ năm học trước và tùy tình hình từng giai đoạn cụ thể, các trường điều chỉnh kế hoạch và đề cương ôn tập phù hợp.
H.NGÂN
Năm 2017, tỷ lệ tốt nghiệp THPT toàn tỉnh Khánh Hòa đạt 96,4%, tăng 8,7% so với năm trước. Có 10 trường THPT và 3 đơn vị hệ giáo dục thường xuyên có tỷ lệ tốt nghiệp đạt 100%. Tỷ lệ HS đạt từ điểm sàn trở lên trong kỳ thi THPT quốc gia là 66,65%, tăng 8%.
__________________________________________
Năm học này, khối 12 toàn tỉnh Khánh Hòa sẽ tiếp tục tổ chức dạy học 2 buổi/ngày (tối đa 15 tiết/tuần, tăng 4 tiết so với năm trước). Tùy điều kiện mà các trường tổ chức dạy buổi 2 cho khối 10 và 11. Các lớp dạy buổi 2 không bố trí theo lớp học chính khóa mà các trường phải sắp xếp những HS có học lực tương đương vào một lớp và chú trọng phụ đạo HS yếu. Trường nào đã tổ chức dạy học 2 buổi/ngày thì không được tổ chức dạy thêm, học thêm.