Lâu nay, phần lớn các ý kiến, quan điểm, từ ý kiến cá nhân đến các bài viết đăng trên báo chí chỉ nhắc đến thuận lợi, cái hay, tích cực của du học. Điều này làm cho nhiều học sinh và cả các bậc phụ huynh lầm tưởng rằng du học là thiên đường của việc học.
Lâu nay, phần lớn các ý kiến, quan điểm, từ ý kiến cá nhân đến các bài viết đăng trên báo chí chỉ nhắc đến thuận lợi, cái hay, tích cực của du học. Điều này làm cho nhiều học sinh và cả các bậc phụ huynh lầm tưởng rằng du học là thiên đường của việc học. Rất nhiều bạn trẻ nuôi ước mơ du học với hy vọng thay đổi cuộc đời, theo đuổi đam mê, hoài bão của mình trong một môi trường tốt hơn. Đồng thời được khám phá những chân trời mới, trải nghiệm những thú vị của nền văn hóa xa lạ. Tuy nhiên, không phải những chuyến du học nào cũng trải đầy hoa hồng. Đằng sau những phấn khích ban đầu là những khó khăn mà các du học sinh sẽ phải đối mặt.
Đầu tiên đó là sự khác biệt giữa hai nền văn hóa. Ngay khi chân ướt, chân ráo, điều đầu tiên là bạn phải làm quen và thích nghi với một môi trường văn hóa mới, thậm chí khác rất nhiều với nền văn hóa quê nhà, từ truyền thống, phong tục, thói quen, nếp nghĩ đến cách hành xử. Sự lạ lẫm được giải thích bằng cụm từ “sốc văn hóa” (Culture shock). Ví dụ: Với phương Tây, độc lập trong sinh hoạt và tôn trọng sự riêng tư là hai điều quan trọng nhất. Đôi khi, việc thể hiện sự quan tâm lại gây ra sự khó chịu cho người khác, bởi họ chỉ cần nhận được sự hỗ trợ khi họ mong muốn. Do đó, nhiều bạn mới sang có cảm giác bị bỏ rơi, xa lạ, không ai quan tâm... Việc thích nghi cũng không hẳn dễ dàng. Mức độ hòa nhập tùy thuộc vào tính cách và khả năng thích nghi của mỗi du học sinh. Nhưng có một điều chắc chắn, sự xuất hiện của nền văn hóa mới sẽ có sự xung đột với nền văn hóa quê nhà. Bên cạnh những cái hay, tích cực thì mặt trái của những bất tiện từ nền văn hóa mới có thể khiến bạn khó thích nghi, dẫn đến chùng lòng...
Thứ hai là sự hoang mang với những khó khăn, thử thách. Đi du học, có thể bạn chỉ nhìn thấy cánh cửa mở ra chân trời mới tốt đẹp khi nghĩ đến môi trường giáo dục tốt, tấm bằng có giá trị, cơ hội đổi đời ở thị trường lao động quốc tế... Nhưng không đơn giản vậy, sau khó khăn về “cú sốc văn hóa” là những cửa ải phải vượt qua: hệ thống, chương trình giáo dục khắt khe, đòi hỏi cao về điểm số, về những chứng chỉ hoạt động khác..., nhiều khi là những thủ tục phức tạp buộc bạn phải tự lo, tự quyết, tự làm. Cũng có lúc bạn phải đắn đo trước các quyết định chuyển hướng, thậm chí từ bỏ con đường mình muốn theo, chỉ đơn giản là bạn thấy đuối sức.
Nỗi cô đơn, nhớ gia đình và những trở ngại tưởng như nhỏ nhặt cũng là những khó khăn thử thách bạn. Có thể bạn sẽ khó kết bạn với người bản xứ vì nhiều khác biệt, đôi khi cả sự phân biệt. Bạn sẽ chợt thèm tình bạn với ly chè, vài cái bánh tráng xoài, hay cóc, ổi ở quê nhà. Đôi khi bạn không tránh khỏi cảm giác cô đơn đến bất chợt, khi một chiều se lạnh, bạn đang một mình trên đường phố Tây, nhìn sang một nhà hàng thấy cảnh một gia đình sum vầy ăn uống... Có thể bạn không nhận ra, nhưng khi du học, bạn sẽ phải học cách trưởng thành hơn so với bạn cùng trang lứa ở trong nước. Bạn sẽ phải bắt đầu tự chăm sóc bản thân. Nhiều người cho rằng, những công việc như nấu nướng, giặt giũ không phải là một trở ngại lớn với cuộc sống du học, tuy nhiên còn muôn vàn rắc rối bất ngờ phát sinh mà khác với khi còn trong vòng tay ba mẹ, giờ đây bạn phải tự giải quyết một mình. Bạn bất ngờ bị trừ tiền từ trang webscam; bạn bị lạc đường, bị mất đồ trên xe buýt mà không có ai bên cạnh hỗ trợ... Ở quê nhà, bạn chỉ phải tập trung cao nhất cho việc học, còn bên trời Tây, bạn phải tự giải quyết mọi thứ, vì thế quỹ thời gian càng trở nên quý báu.
Nhắc đến những khó khăn trên để khẳng định rằng, không có con đường nào dễ dàng, trải đầy hoa. Những con đường đi tới thành công thì lại càng nhiều chông gai và thử thách. Nhưng nếu các bạn có ý chí, nghị lực vượt qua chông gai và thử thách đó thì ở cuối con đường sẽ là hoa thơm, trái ngọt và hạnh phúc cho tương lai của bạn.
NGUYỄN THỊ MINH HẠNH
(Du học sinh tại Auckland New Zealand)