Từ năm 2017 đến 2020, toàn tỉnh Khánh Hòa cần xây thêm 314 phòng học, tuyển thêm 575 giáo viên để thực hiện mục tiêu huy động trẻ 12 - 36 tháng đến trường.
Từ năm 2017 đến 2020, toàn tỉnh Khánh Hòa cần xây thêm 314 phòng học, tuyển thêm 575 giáo viên (GV) để thực hiện mục tiêu huy động trẻ 12 - 36 tháng đến trường.
Tỷ lệ trẻ đến trường đạt thấp
Với nỗ lực của địa phương và những chính sách hỗ trợ cho trẻ dân tộc thiểu số, những năm qua, Trường Mầm non Anh Đào (xã Sơn Thái, huyện Khánh Vĩnh) đã thực hiện khá tốt công tác chăm sóc và nuôi dạy trẻ mầm non từ 3 đến 5 tuổi. Kết quả huy động trẻ ở độ tuổi này ra lớp khá cao, trong đó trẻ 5 tuổi đạt 100%. Tuy nhiên, trường mới chỉ duy trì được một nhóm trẻ từ 2 đến 3 tuổi với khoảng 20 cháu trên tổng số 45 trẻ trên địa bàn. Theo ông Phạm Ngọc Hữu - Phó Chủ tịch UBND xã Sơn Thái, nhu cầu ra lớp của trẻ rất cao, nhưng do chế độ ăn trưa hiện mới chỉ thực hiện cho trẻ 3 - 5 tuổi, đồng thời chưa đủ phòng học nên số còn lại phải ở nhà hoặc theo cha mẹ lên nương, lên rẫy.
Huyện Khánh Vĩnh là 1 trong 3 địa phương trong tỉnh có tỷ lệ huy động trẻ nhà trẻ (12 - 36 tháng) ra lớp thấp với 17,6% (thấp nhất là Ninh Hòa 16%, Vạn Ninh 17,5%). Tính chung toàn tỉnh, tỷ lệ huy động độ tuổi nhà trẻ ra lớp năm học 2016 - 2017 mới chỉ đạt 22,1%, thấp hơn 5,6% so với mức trung bình cả nước. Ông Lê Tuấn Tứ - Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) cho biết, nhu cầu của phụ huynh gửi con độ tuổi nhà trẻ rất nhiều nhưng đa số cơ sở mầm non công lập tại Khánh Hòa chỉ thu nhận trẻ từ 24 tháng trở lên; trẻ từ 18 tháng tuổi đã ít và trẻ từ 12 tháng tuổi lại càng ít. Trong nhiều năm qua, việc xây phòng học để huy động trẻ ra lớp tập trung chủ yếu cho trẻ mẫu giáo, đặc biệt dành cho trẻ 5 tuổi để thực hiện việc phổ cập giáo dục mầm non trẻ 5 tuổi. Trước nhu cầu hiện nay, việc xây thêm phòng học để huy động trẻ 12 - 36 tháng ra lớp là rất cần thiết.
Trong khi đó, đội ngũ GV mầm non cũng chưa đáp ứng đủ cho nhu cầu dạy và học theo quy định. Với tổng số GV nhà trẻ là 942 người, GV mẫu giáo 3.080 người, từ năm học 2015 - 2016 đến nay, tỉnh chưa thể thực hiện định mức GV trên lớp theo hướng dẫn tại Thông tư liên tịch số 06/2015 của Bộ GD-ĐT, Bộ Nội vụ Quy định về danh mục khung vị trí việc làm và định mức số người làm việc trong các cơ sở giáo dục mầm non công lập (2,2 GV/lớp đối với lớp mẫu giáo và 2,5 GV/nhóm đối với nhóm trẻ); vì nếu như vậy phải tuyển thêm 482 GV. Hiện nay, tỉnh vẫn thực hiện định mức 2 GV/lớp đối với lớp có tổ chức bán trú và 1 GV/lớp đối với lớp học 2 buổi/ngày (không tổ chức bán trú) theo Thông tư liên tịch số 71/2007 của Bộ GD-ĐT và Bộ Nội vụ.
Xây thêm phòng học, tuyển mới giáo viên
Ngày 30-8, UBND tỉnh đã có quyết định ban hành “Đề án tăng cường cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên huy động trẻ mầm non từ 12 đến 36 tháng tuổi đến trường trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2017 - 2020”. Mục tiêu là đến năm 2020, huy động 35% trẻ trong độ tuổi nhà trẻ ra lớp tại 2 huyện Khánh Sơn và Khánh Vĩnh. Các địa phương còn lại phấn đấu đạt trên 30%. Số trẻ 3 đến 5 tuổi đi học mẫu giáo phấn đấu đạt tỷ lệ 90%; riêng trẻ mẫu giáo 5 tuổi đạt trên 99,5%. Bên cạnh đó, nâng tỷ lệ trẻ nhà trẻ, trẻ mẫu giáo học bán trú lên 90% vào năm 2020 và 100% trẻ 5 tuổi được học 2 buổi/ngày.
Đề án nêu rõ, để đạt mục tiêu đề ra, đến năm 2018 cần xây dựng 11 phòng học cho huyện Khánh Vĩnh và 2 phòng học cho huyện Khánh Sơn. Đến năm 2020, xây dựng 314 phòng học (bình quân 20 trẻ/phòng) cho 8 huyện, thị xã, thành phố theo phương án 70% công lập, 30% ngoài công lập; riêng 2 huyện miền núi xây dựng theo phương án 100% công lập. Trong đó, TP. Nha Trang cần xây thêm 122 phòng học.
Cùng với việc xây thêm phòng học thì cần tuyển đủ GV dạy các nhóm lớp đảm bảo theo quy định. Theo đó, đến năm 2018, số GV cần tuyển thêm để dạy tại các nhóm trẻ là 32 GV. Năm 2019 và 2020, cần tuyển thêm 542 GV. Trong đó, Nha Trang 192 GV; Cam Ranh 42 GV; Ninh Hòa 90 GV; Diên Khánh 50 GV; Cam Lâm 40 GV; Vạn Ninh 87,5 GV; Khánh Sơn 10 GV; Khánh Vĩnh 30 GV.
UBND tỉnh cũng khuyến khích, tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân mở trường lớp mầm non tư thục để thu nhận trẻ nhà trẻ ra lớp, góp phần giảm tải số trẻ trong các cơ sở mầm non công lập hiện nay. Đồng thời, các sở, ngành, địa phương tham mưu xây thêm trường, lớp tại các khu công nghiệp, khu chế xuất…
Hy vọng, với những giải pháp đề ra, công tác huy động trẻ nhà trẻ ra lớp sẽ đạt được những kết quả khả quan, tạo điều kiện cho trẻ được chăm sóc, giáo dục và phát triển toàn diện.
H.N
Tính đến cuối năm học 2016 - 2017, toàn tỉnh có 195 trường mầm non, trong đó có 168 trường công lập, 27 trường tư thục với tổng cộng 2.191 nhóm, lớp. Có 183 trường tổ chức bán trú, chiếm 93,8%, tăng 6 trường so với năm học trước. Tổng số phòng học là 2.168 phòng; trong đó phòng học kiên cố 89,3%, bán kiên cố 10,5%, phòng học tạm 0,2%. Đối với khối công lập, chỉ có 166 phòng cho độ tuổi nhà trẻ.
___________________________________
Tổng kinh phí thực hiện đề án là gần 312,3 tỷ đồng. Trong đó, kinh phí xây dựng phòng học 261,6 tỷ đồng; mua sắm thiết bị 23 tỷ đồng; hỗ trợ ăn trưa cho trẻ dân tộc thiểu số hơn 6,7 tỷ đồng; tuyển mới GV gần 21 tỷ đồng.