05:09, 29/09/2017

Các cơ sở mầm non ngoài công lập: Cần nâng cao chất lượng

Tuy đã góp phần giảm bớt gánh nặng cho các trường mầm non (MN) công lập, song chất lượng chăm sóc, giáo dục (GD) trẻ ở nhiều cơ sở GDMN ngoài công lập vẫn còn hạn chế.

Tuy đã góp phần giảm bớt gánh nặng cho các trường mầm non (MN) công lập, song chất lượng chăm sóc, giáo dục (GD) trẻ ở nhiều cơ sở GDMN ngoài công lập vẫn còn hạn chế.


Những bất cập


Hiện nay, các cơ sở GDMN ngoài công lập trên địa bàn tỉnh có chất lượng không đồng đều tùy theo quy mô, điều kiện cơ sở vật chất. Một số trường được đầu tư xây dựng phòng học kiên cố, đồ dùng dạy học, đồ chơi phục vụ sinh hoạt, học tập cho trẻ đầy đủ, bếp ăn đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm… Trẻ được định kỳ theo dõi và đánh giá tình trạng sức khỏe trên biểu đồ tăng trưởng, một số trường còn thực hiện tính khẩu phần cho trẻ theo phần mềm đảm bảo dinh dưỡng. Mức thu học phí cao hoặc trung bình tùy từng trường. Các trường MN này và các cơ sở GDMN ngoài công lập được cấp phép khác thực hiện giảng dạy theo chương trình GDMN mới của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT).

 

Tuy vậy, vẫn còn nhiều nhóm, lớp độc lập, tư thục có điều kiện cơ sở vật chất và giáo viên không đảm bảo, tiềm ẩn nhiều yếu tố mất an toàn cho trẻ. Ông Lê Đình Thuần - Phó Giám đốc Sở GD-ĐT cho biết, các cơ sở này tận dụng nhà ở làm nhóm, lớp để phòng học nhỏ hẹp, khó cải tạo; đồ dùng, đồ chơi, trang thiết bị dạy học còn nghèo nàn và chưa đúng quy định. Việc đảm bảo vệ sinh và an toàn cho trẻ có nhiều hạn chế, nhất là ở các nhóm, lớp tư thục chưa được cấp phép vì quy mô nhỏ, số lượng trẻ ít. Các nhóm lớp này thu học phí rẻ, đa số nhận trẻ ở độ tuổi nhà trẻ (dưới 36 tháng) để đáp ứng nhu cầu gửi con của một bộ phận người lao động có thu nhập thấp, công nhân làm việc theo ca… Do tỷ lệ giáo viên ở các nhóm, lớp MN ngoài công lập đạt chuẩn thấp (1.050 giáo viên đạt chuẩn về trình độ trên tổng số 1.861 giáo viên, chiếm hơn 56%) nên chất lượng chăm sóc, GD trẻ còn nhiều hạn chế.

 

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

 

Tăng cường quản lý


Theo ông Lê Đình Thuần, những năm qua, sở đã chỉ đạo các phòng GD-ĐT tham mưu UBND các huyện, thị xã, thành phố ban hành các văn bản về tăng cường công tác quản lý, chỉ đạo đối với các cơ sở GDMN ngoài công lập; thực hiện tốt việc phân cấp quản lý GD tại địa phương. Theo đó, các phòng GD-ĐT đã chủ động phối hợp với UBND các xã, phường rà soát, kiểm tra các cơ sở GDMN ngoài công lập trên địa bàn về giấy phép hoạt động, điều kiện cơ sở vật chất, chất lượng đội ngũ giáo viên, chất lượng chăm sóc, GD trẻ… Đối với các cơ sở GDMN chưa được cấp phép thì hướng dẫn, hỗ trợ để chủ trường hoặc chủ nhóm lớp hoàn thiện các điều kiện để được cấp phép theo quy định; đồng thời kiên quyết đình chỉ các cơ sở GDMN không đủ điều kiện hoạt động.


Phòng GD-ĐT cũng giao trách nhiệm cho các cơ sở GDMN công lập trên địa bàn hỗ trợ về công tác quản lý, chuyên môn đối với các nhóm, lớp MN tư thục độc lập. Đồng thời, phối hợp với các cơ quan, ban, ngành tăng cường thanh tra, kiểm tra công tác chăm sóc, nuôi dưỡng, GD, đảm bảo an toàn cho trẻ. Bên cạnh đó, định kỳ tổ chức hội thảo, giao ban chuyên đề với UBND xã, phường, thị trấn, hiệu trưởng, chủ trường, chủ nhóm lớp MN tư thục trên địa bàn về công tác quản lý các cơ sở GDMN ngoài công lập…


Để thúc đẩy đầu tư phát triển loại hình GDMN ngoài công lập, UBND tỉnh đã tạo điều kiện cho các cá nhân, doanh nghiệp đầu tư mở trường, nhóm, lớp MN tư thục. Mỗi khu đô thị đều quy hoạch một trường MN ngoài công lập với các chính sách như: miễn tiền thuê đất, miễn thuế... Sở GD-ĐT cũng khuyến khích các cơ sở GDMN ngoài công lập đầu tư cơ sở vật chất, đồ dùng, đồ chơi, tài liệu cho cô và trẻ. Thời gian tới, sở sẽ tiếp tục phối hợp với các đơn vị tổ chức tập huấn, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho cán bộ, giáo viên các cơ sở MN ngoài công lập. Đồng thời, kiến nghị Bộ GD-ĐT cần có những cơ chế, chính sách để hỗ trợ, tạo điều kiện cho các cơ sở GDMN ngoài công lập hoạt động có hiệu quả, chẳng hạn như trong chương trình mục tiêu quốc gia cần có kinh phí cho MN ngoài công lập…


H.Ngân


 



Toàn tỉnh Khánh Hòa hiện có 195 trường MN, trong đó có 168 trường công lập và 27 trường ngoài công lập. Có 183 trường tổ chức bán trú, tăng 6 trường so với năm học trước. Tỷ lệ nhóm, lớp tổ chức bán trú là hơn 94%. Tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng thấp còi, nhẹ cân giảm so với trước.


Đối với GDMN ngoài công lập, số trường hiện nay tăng 19 trường so với năm học 2010 - 2011. Ngoài ra còn có 531 nhóm, lớp độc lập tư thục, tăng 188 nhóm, lớp. Số trẻ ở độ tuổi nhà trẻ ra lớp MN ngoài công lập chiếm 53,7% tổng số trẻ độ tuổi nhà trẻ ra lớp trong toàn tỉnh, tăng gần 18%. Số trẻ mẫu giáo ra lớp chiếm 28%, tăng 11%.