04:07, 03/07/2017

Cho trẻ mầm non làm quen với tiếng Anh: Sẽ mở rộng thêm nhiều trường

Từ năm học 2017 - 2018, việc thí điểm cho trẻ mầm non làm quen với tiếng Anh trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa sẽ được triển khai cho trẻ 3 - 4 tuổi ở một số trường. Đồng thời, mở rộng thêm nhiều trường tổ chức dạy cho trẻ từ 4 đến 6 tuổi…

 

Từ năm học 2017 - 2018, việc thí điểm cho trẻ mầm non làm quen với tiếng Anh trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa sẽ được triển khai cho trẻ 3 - 4 tuổi ở một số trường. Đồng thời, mở rộng thêm nhiều trường tổ chức dạy cho trẻ từ 4 đến 6 tuổi…


Tạo điều kiện cho trẻ tiếp cận ngôn ngữ mới


Việc cho trẻ mầm non làm quen với tiếng Anh được bắt đầu thực hiện dành cho trẻ mẫu giáo từ 4 đến 6 tuổi kể từ năm học 2015 - 2016 với 12 trường tham gia thí điểm. Năm học 2016 - 2017, việc thí điểm mở rộng thêm 23 trường. Các trường tham gia triển khai đều đảm bảo điều kiện về cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học đầy đủ, phong phú và hiện đại. Đa số các trường tự tổ chức, thu học phí theo quy định của UBND tỉnh với mức 80.000 đồng/cháu/tháng để mời giáo viên (GV) dạy và trả thù lao theo giờ với mức cao nhất 227.000 đồng/tiết dạy, thấp nhất 112.500 đồng/tiết. Sở Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) tổ chức kiểm tra các cơ sở tổ chức dạy tiếng Anh định kỳ 3 tháng/lần, triển khai bồi dưỡng nghiệp vụ mầm non cho GV vào đầu mỗi năm học và dạy mẫu, rút kinh nghiệm vào giữa năm học.

 

Giờ làm quen tiếng Anh được thực hiện với 2 hoạt động/tuần, mỗi hoạt động 30 phút vào buổi chiều bằng hình thức vừa học, vừa chơi. Cô Mai Thị Minh Tuyết - Hiệu trưởng Trường Mầm non 8-3 (TP. Nha Trang) cho biết, việc cho trẻ mầm non làm quen với ngoại ngữ không bắt buộc, gò bó hay nặng về kiến thức mà chỉ như cuộc dạo chơi để trẻ tiếp cận ngôn ngữ mới một cách tự nhiên, thoải mái, nhẹ nhàng. Mỗi từ vựng trẻ được dạy đều gắn liền với các trò chơi, câu chuyện, bài hát, tranh ảnh hay một hoạt động sôi nổi với những chủ đề gần gũi với cuộc sống…


Qua 2 năm thực hiện thí điểm cho trẻ mầm non làm quen với ngoại ngữ trên địa bàn tỉnh, bước đầu đã nhận được sự ủng hộ từ phụ huynh. Chị Nguyễn Thị Hồng Nhung, phụ huynh học sinh Trường Mầm non Hương Sen (TP. Nha Trang) chia sẻ: “Trước đây, tôi từng cho con theo học tiếng Anh ở một trung tâm ngoại ngữ, tuy nhiên học phí khá cao, việc đi lại khá bất tiện. Hiện nay, được học tiếng Anh ngay tại trường với học phí phù hợp nên tôi rất ủng hộ. Các giờ học cũng rất nhẹ nhàng, thoải mái. Tôi nghĩ việc cho trẻ tiếp cận tiếng Anh sớm sẽ tạo nền tảng và niềm yêu thích ngoại ngữ đối với trẻ ngay từ nhỏ”.


Việc dạy tiếng Anh cho trẻ mầm non đòi hỏi GV không chỉ cần có năng lực ngoại ngữ mà còn phải được bồi dưỡng để có những hiểu biết nhất định về đặc điểm tâm sinh lý của trẻ. Song theo bà Hoàng Thị Lý - Phó Giám đốc Sở GD-ĐT, vướng mắc hiện nay là hầu hết GV dạy tiếng Anh đều chưa có kinh nghiệm dạy trẻ ở độ tuổi mầm non nên thời gian đầu còn lúng túng, cứng nhắc trong tổ chức hoạt động cho trẻ. Thời gian sinh hoạt một ngày của bé cũng có thay đổi nên bước đầu cô và cháu có phần lúng túng, khó khăn…

 

Một tiết học ngoại ngữ tại Trường Mầm non 3-2 (2)

Một tiết học ngoại ngữ tại Trường Mầm non 3-2 (2)

 

Mở rộng thêm từ 13 đến 20 trường


Từ năm học 2017 - 2018, Sở GD-ĐT sẽ tiếp tục triển khai thí điểm cho trẻ mẫu giáo 3 - 4 tuổi làm quen với ngoại ngữ tại 12 đơn vị đã thực hiện từ năm học 2015 - 2016. Đồng thời, mở rộng thêm khoảng 13 đến 20 trường đảm bảo đủ điều kiện và phụ huynh có nhu cầu. Trong đó, mỗi địa phương chọn thêm từ 2 đến 3 trường, riêng TP. Nha Trang từ 3 đến 5 trường, huyện Khánh Sơn và Khánh Vĩnh chọn 1 trường thực hiện thí điểm nếu có nhu cầu. Các đơn vị thực hiện thí điểm từ năm học 2016 - 2017 và 2017 - 2018 chỉ tổ chức thí điểm cho trẻ làm quen ngoại ngữ ở trẻ mẫu giáo 4 - 5 tuổi và 5 - 6 tuổi, không bắt buộc cho tất cả trẻ.


Sở GD-ĐT đã đề nghị các phòng GD-ĐT chỉ đạo các trường mầm non triển khai thí điểm tiến hành rà soát các điều kiện về cơ sở vật chất, trang thiết bị, GV, khảo sát nhu cầu của phụ huynh...; đồng thời tổ chức kiểm tra, giám sát việc tổ chức cho trẻ làm quen ngoại ngữ tại các cơ sở giáo dục mầm non theo nguyên tắc đảm bảo sự đồng thuận của phụ huynh học sinh và đúng theo sự chỉ đạo của ngành. Các cơ sở giáo dục mầm non được chọn phải đảm bảo đủ các điều kiện do Bộ GD-ĐT quy định như: cơ sở vật chất, trang thiết bị đáp ứng yêu cầu hoạt động làm quen với ngoại ngữ của trẻ; GV có bằng tốt nghiệp cao đẳng sư phạm ngoại ngữ (hoặc cao đẳng ngoại ngữ) trở lên, đạt năng lực ngoại ngữ bậc 4 trở lên theo khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam hoặc tương đương và được bồi dưỡng về nghiệp vụ sư phạm mầm non.


Bà Hoàng Thị Lý cho biết, các cơ sở giáo dục mầm non tổ chức họp phụ huynh để tuyên truyền, lấy ý kiến và cho phụ huynh tự nguyện đăng ký danh sách trẻ tham gia học. Đồng thời, tiếp tục đầu tư về cơ sở vật chất, đảm bảo các điều kiện nhằm đáp ứng tốt nhất cho việc triển khai cho trẻ làm quen ngoại ngữ; biên chế đảm bảo đủ định biên GV trên lớp, trong đó chú ý nâng cao chất lượng giảng dạy của GV tiếng Anh. Việc biên chế các lớp cho trẻ làm quen ngoại ngữ cũng cần đảm bảo trẻ cùng độ tuổi và mỗi lớp có từ 20 đến 25 trẻ…


H.NGÂN






*Đến nay, tổng số trường mầm non dạy thí điểm ngoại ngữ trên địa bàn tỉnh là 35/195 trường. Trong đó, có 30 trường công lập, 5 trường tư thục. Số lớp dạy ngoại ngữ là 145 lớp, trong đó công lập 132 lớp, tư thục 13 lớp. Số trẻ tham gia học: trẻ mẫu giáo 4 - 5 tuổi có 1.581/18.934 trẻ; trẻ 5 - 6 tuổi có 1.988/20.743 trẻ. Có tổng cộng 44 GV người Việt Nam tham gia giảng dạy; trong đó có 39 GV dạy các trường công lập, 5 GV dạy các trường tư thục. Có 35 GV có trình độ đại học, 9 GV trình độ cao đẳng ngoại ngữ. Các tiết học thực hiện theo giáo trình Happy Hearts của Nhà xuất bản Express.