09:06, 01/06/2017

Những chuyển biến tích cực

Qua 10 năm thực hiện Chỉ thị số 11 ngày 13-4-2007 của Bộ Chính trị về "tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập", phong trào học tập ở các tầng lớp, lứa tuổi, địa phương… trong toàn tỉnh đã có nhiều chuyển biến tích cực. 

Qua 10 năm thực hiện Chỉ thị số 11 ngày 13-4-2007 của Bộ Chính trị về “tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập”, phong trào học tập ở các tầng lớp, lứa tuổi, địa phương… trong toàn tỉnh đã có nhiều chuyển biến tích cực. 
 
Dạy tăng cường tiếng Việt cho học sinh người dân tộc thiểu số thị xã Ninh Hòa.
Dạy tăng cường tiếng Việt cho học sinh người dân tộc thiểu số thị xã Ninh Hòa.
Những kết quả đáng khích lệ
 
Với phương châm đưa lớp học đến với người học, nhất là ở các địa bàn khó khăn, vùng sâu vùng xa, những năm qua, tỉnh đã mở thêm nhiều điểm trường tiểu học ở các thôn, trường THCS ở các xã, phường, đặt phân hiệu hoặc mở lớp nhô bậc THPT tại trường THCS ở cụm dân cư xa trường chính… Nhờ đó, khắc phục phần lớn tình trạng học sinh (HS) bỏ học tại các vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Đến nay, tất cả các địa phương từ cấp xã đến huyện đều đạt chuẩn và từng bước nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục mầm non trẻ 5 tuổi, phổ cập giáo dục tiểu học, xóa mù chữ. Tỷ lệ người biết chữ trong độ tuổi 15 - 35 đạt 99,9%, từ 15 đến 60 tuổi đạt 99,5%. 
 
Bên cạnh đó, tỉnh còn quan tâm tới công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ cơ sở, đào tạo nghề cho lao động nông thôn… Đến nay, gần 2.400 công chức làm việc ở các cơ quan cấp xã đã được đào tạo bồi dưỡng đáp ứng tiêu chuẩn quy định; hơn 600 công chức cấp huyện và hơn 1.000 công chức cấp tỉnh được nâng cao nghiệp vụ chuyên môn; hơn 4.040 cán bộ, công chức, viên chức được học tập nâng cao trình độ ứng dụng công nghệ thông tin đáp ứng yêu cầu công tác, đạt từ 86 đến 89%. Đội ngũ công nhân lao động, nhất là ở các khu công nghiệp được học tập dưới nhiều hình thức như: tập trung định kỳ, vừa làm vừa học, đào tạo từ xa, tự học có hướng dẫn… 
 
Công tác khuyến học, khuyến tài cũng đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ. Ông Nguyễn Việt Dân - Chủ tịch Hội Khuyến học tỉnh cho biết, hiện nay, mạng lưới hội, chi hội, ban khuyến học phát triển rộng khắp ở các địa phương trong tỉnh với gần 199.000 hội viên. Ngoài Hội Khuyến học tỉnh, còn có 9 hội khuyến học cấp huyện, 140 hội cấp xã, 632 tổ chức hội, chi hội trong các trường học; 639 ban khuyến học trong các dòng họ, cơ quan, doanh nghiệp, lực lượng vũ trang. Tỉnh đã ban hành nhiều chính sách thu hút nhân tài đến sống và làm việc tại tỉnh; khuyến khích cán bộ học tập, nâng cao trình độ; cấp học bổng, hỗ trợ ăn trưa cho HS dân tộc thiểu số từ mẫu giáo đến đại học; cấp học bổng cho HS nghèo vượt khó… Hoạt động ủng hộ kinh phí phục vụ khuyến học, khuyến tài không ngừng tăng nhanh. Từ khi thành lập (tháng 4-2012) đến cuối năm 2016, Quỹ Khuyến học, khuyến tài tỉnh đã được 158 đơn vị, cá nhân ủng hộ, từ đó trao 3.913 suất học bổng và phần thưởng cho HS, sinh viên với tổng số tiền hơn 6 tỷ đồng. Năm 2016, hội khuyến học các cấp trao 84.280 suất học bổng, quà tặng tổng trị giá hơn 12 tỷ đồng cho các HS, sinh viên nghèo học giỏi… 
 
Nhằm củng cố, nâng cao hiệu quả hoạt động của các trung tâm học tập cộng đồng, từ năm 2009 đến nay, tỉnh đã hỗ trợ trên 42,6 tỷ đồng kinh phí hoạt động cho các trung tâm. Trên cơ sở đó, nhiều chương trình đã được mở như: lớp xóa mù chữ, phổ cập giáo dục, phổ biến thời sự, pháp luật, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật trong nông lâm, ngư nghiệp, dạy nghề… Từ năm 2012 đến nay, các trung tâm đã tổ chức hơn 8.300 lớp với hơn 678.000 lượt người tham dự…  
 
Cần tiếp tục lan tỏa
 
Bên cạnh những kết quả đạt được, theo đánh giá của Tỉnh ủy, công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập vẫn còn phát triển chưa đồng đều, nhiều nơi chưa có sự đầu tư đúng mức. Việc thành lập tổ chức hội khuyến học ở nhiều cơ quan, đơn vị còn gặp khó khăn. Hội khuyến học các cấp thiếu cán bộ, kinh phí và phương tiện làm việc. Một số hội cấp xã, chi hội cấp thôn, tổ dân phố và trung tâm học tập cộng đồng hoạt động kém hiệu quả. Nguyên nhân là do một số cấp ủy chưa nhận thức đúng về vai trò, ý nghĩa của công tác này; hoạt động tuyên truyền ở một số nơi còn mờ nhạt; nguồn lực đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị học tập còn hạn chế… 
 
Nhằm đưa phong trào khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập ngày càng lan tỏa và đi vào chiều sâu, tỉnh đã đề ra những giải pháp tập trung thực hiện trong thời gian tới. Trước hết, cần đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nhằm nâng cao nhận thức, tăng cường trách nhiệm của các cấp, ngành, cơ quan, đơn vị về ý nghĩa và tầm quan trọng của công tác này. Trong quá trình chỉ đạo và thực hiện phải kiên trì, đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, chống tư tưởng ngại khó, nóng vội và chạy theo thành tích. Bên cạnh đó, thường xuyên kiện toàn ban chỉ đạo xây dựng xã hội học tập ở các địa phương, đơn vị; đổi mới nội dung, phương pháp hoạt động, xây dựng tổ chức hội khuyến học các cấp vững mạnh, làm nòng cốt trong việc liên kết với các tổ chức, lực lượng xã hội tham gia. Mặt khác, đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị, nhân lực và hỗ trợ phụ cấp cho cán bộ hội khuyến học cấp xã; có cơ chế kiểm tra chặt chẽ công tác lãnh đạo, quản lý của các cấp ủy, chính quyền. Đồng thời, tiếp tục tăng cường các nguồn lực của Nhà nước và xã hội đầu tư cho giáo dục - đào tạo; phát hiện và nhân rộng các mô hình học tập tiêu biểu… 
 
T.V