Cơ cấu tổ chức mới của Bộ GD&ĐT gồm 26 đơn vị, trong đó có 21 đơn vị giúp Bộ trưởng thực hiện chức năng quản lý nhà nước, 5 đơn vị là các đơn vị sự nghiệp trực thuộc phục vụ chức năng quản lý nhà nước của bộ.
Cơ cấu tổ chức mới của Bộ GD&ĐT gồm 26 đơn vị, trong đó có 21 đơn vị giúp Bộ trưởng thực hiện chức năng quản lý nhà nước, 5 đơn vị là các đơn vị sự nghiệp trực thuộc phục vụ chức năng quản lý nhà nước của bộ.
Theo Nghị định 67 mà Chính phủ vừa ban hành, so với trước đây, số lượng đơn vị giảm 1 (từ 27 còn 26), một số cục, vụ được sát nhập; xuất hiện thêm cơ quan cấp cục, vụ mới; đổi tên cơ quan hoặc không còn trực thuộc Bộ.
Bộ GD&ĐT là cơ quan của Chính phủ, thực hiện chức năng quản lý nhà nước đối với giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông, trung cấp sư phạm, cao đẳng sư phạm, giáo dục đại học và các cơ sở giáo dục khác về: Mục tiêu, chương trình, nội dung giáo dục; quy chế thi, tuyển sinh và văn bằng, chứng chỉ; phát triển đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục; cơ sở vật chất và thiết bị trường học; bảo đảm chất lượng, kiểm định chất lượng giáo dục; quản lý nhà nước các dịch vụ sự nghiệp công thuộc phạm vi quản lý nhà nước của bộ.
26 đơn vị gồm: 1- Vụ Giáo dục Mầm non; 2- Vụ Giáo dục Tiểu học; 3- Vụ Giáo dục Trung học; 4- Vụ Giáo dục Đại học; 5- Vụ Giáo dục dân tộc; 6- Vụ Giáo dục thường xuyên; 7- Vụ Giáo dục Quốc phòng và An ninh; 8- Vụ Giáo dục Chính trị và Công tác học sinh, sinh viên; 9- Vụ Giáo dục thể chất; 10- Vụ Tổ chức cán bộ; 11- Vụ Kế hoạch - Tài chính; 12- Vụ Khoa học, Công nghệ và Môi trường; 13- Vụ Pháp chế; 14- Vụ Thi đua - Khen thưởng; 15- Văn phòng; 16- Thanh tra; 17- Cục Quản lý chất lượng; 18- Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục; 19- Cục Công nghệ thông tin; 20- Cục Hợp tác quốc tế; 21- Cục Cơ sở vật chất; 22- Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam; 23- Học viện Quản lý giáo dục; 24- Trường Cán bộ quản lý giáo dục thành phố Hồ Chí Minh; 25- Báo Giáo dục và Thời đại; 26- Tạp chí Giáo dục.
Các đơn vị quy định từ 1 - 21 nêu trên là các đơn vị giúp Bộ trưởng thực hiện chức năng quản lý nhà nước; các đơn vị quy định từ 22 - 26 là các đơn vị sự nghiệp trực thuộc phục vụ chức năng quản lý nhà nước của bộ.
Như vậy, so với cơ cấu tổ chức Bộ GD&ĐT trước đây vốn gồm 27 đơn vị thì cơ cấu tổ chức mới của Bộ GD&ĐT đã có một số thay đổi.
Trong đó có một số cục, vụ sáp nhập, một số cơ quan cấp cục, vụ mới, một số cơ quan lại không còn trực thuộc bộ và một số cơ quan đổi tên gọi so với trước đây.
Cụ thể, Cục Đào tạo với nước ngoài và Vụ Hợp tác quốc tế sáp nhập thành Cục Hợp tác quốc tế; Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục đổi tên thành Cục Quản lý chất lượng; Vụ Giáo dục Quốc phòng đổi tên thành Vụ Giáo dục Quốc phòng và an ninh; Vụ Công tác học sinh và Sinh viên đổi tên thành Vụ Giáo dục chính trị và Công tác học sinh, sinh viên;…
Ngoài ra, còn có sự xuất hiện mới của Vụ Giáo dục thể chất.
Cơ quan đại diện của Bộ tại TP.HCM như trước không có trong danh sách.
Theo Tiền phong