03:05, 04/05/2017

Phổ cập bơi cho học sinh

Sở Giáo dục và Đào tạo Khánh Hòa đang xây dựng đề án phổ cập bơi cho học sinh nhằm góp phần phòng, chống tai nạn đuối nước.

 

Sở Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) Khánh Hòa đang xây dựng đề án phổ cập bơi cho học sinh (HS) nhằm góp phần phòng, chống tai nạn đuối nước.


Yêu cầu cấp thiết


Theo thống kê của Sở GD-ĐT, tỷ lệ HS phổ thông trên địa bàn tỉnh biết bơi rất thấp, trong đó cấp tiểu học chỉ có gần 13%, THCS 22%. Còn theo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, trung bình mỗi năm, toàn tỉnh có tới 17 HS bị đuối nước và tử vong. Trong khi đó, hiện nay, ngành GD không có hồ bơi trong trường học; số hồ bơi hiện có thuộc các ban, ngành Trung ương, địa phương quản lý và hồ bơi tư nhân. Nha Trang là địa phương có điều kiện nhất với 6 hồ bơi của tư nhân nhưng vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu học bơi ngày càng nhiều. Còn tại thị xã Ninh Hòa, TP. Cam Ranh, huyện Diên Khánh, mỗi địa phương chỉ có 1 hồ bơi. Tại huyện Cam Lâm, do không có hồ bơi nên nhiều phụ huynh phải chở con đến TP. Cam Ranh để học.

 

Trước thực trạng đó, xây dựng bể bơi và tổ chức dạy bơi cho HS phổ thông đang là vấn đề có tính bức thiết. Bơi lội cũng là môn học được Bộ GD-ĐT khuyến khích các địa phương đưa vào giảng dạy trong nhà trường. Ông Lê Đình Thuần - Phó Giám đốc Sở GD-ĐT cho biết, sở đang hoàn thiện Đề án “Dạy bơi, phòng chống đuối nước cho HS tiểu học và THCS trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2017 - 2020”. Đề án được xây dựng cho đối tượng HS tiểu học và THCS bởi đây là độ tuổi có nguy cơ đuối nước cao. Đồng thời, khi HS được trang bị kỹ năng bơi và phòng, chống đuối nước từ lúc nhỏ thì sẽ có điều kiện phát huy tốt khi lên cấp THPT. Dự thảo đưa ra mục tiêu giai đoạn 2017 - 2020 sẽ có 60% HS tiểu học, 75% HS THCS biết bơi và giảm dần đến mức thấp nhất HS bị đuối nước. Cụ thể, đến hết năm 2017, phổ cập bơi cho 4.800 HS tiểu học và 4.800 HS THCS trên địa bàn tỉnh. Đến năm 2020, phổ cập bơi cho hơn 19.200 HS tiểu học và 14.400 HS THCS.

 

Người dân và du khách tắm ở biển Nha Trang

Người dân và du khách tắm ở biển Nha Trang

 

Dự kiến xây dựng bể bơi di động


Theo ông Lê Đình Thuần, nếu xây dựng bể bơi cố định ở các trường học thì cần phải có quỹ đất, đi kèm các công trình phụ trợ cố định như: nhà vệ sinh, mái che, hệ thống xử lý nước thải…, chưa kể thời gian thi công lâu dài, kinh phí đầu tư ban đầu lớn nhưng không thể dịch chuyển sang các đơn vị, địa bàn khác. Với mức kinh phí thực hiện dự án giai đoạn 2017 - 2020 hơn 24,5 tỷ đồng thì chỉ đầu tư được 16 bể bơi cố định ở 16 trường học. Vì thế, Sở GD-ĐT đã đề xuất, tham mưu tỉnh phương án xây dựng bể bơi di động. Đây là giải pháp được nhiều tỉnh, thành trong nước áp dụng bởi có những ưu điểm như: giá thành rẻ, quỹ đất đầu tư nhỏ, vận hành thuận lợi, đặc biệt là có thể tháo lắp, di chuyển sang nhiều vị trí khác nhau trên địa bàn. Với mức kinh phí trên, có thể lắp đặt được 56 bể bơi di động ở 56 trường học. Đồng thời, sau 2 năm đưa vào sử dụng, bể bơi sẽ được luân chuyển sang trường khác.


Tại cuộc họp mới đây với các sở, ngành, đồng chí Nguyễn Duy Bắc - Phó Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu Sở GD-ĐT sớm hoàn thiện Đề án “Dạy bơi, phòng chống đuối nước cho HS tiểu học và THCS trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2017 - 2020”. Trong đó, mỗi huyện, thị xã, thành phố chọn từ 2 đến 3 trường học để thực hiện thí điểm. Đề án cần nêu rõ chương trình, nội dung, giáo viên dạy bơi và cách thức tổ chức ở các trường học; đồng thời, dự kiến nguồn tài chính để triển khai, bao gồm ngân sách tỉnh, ngân sách địa phương và nguồn xã hội hóa trong quá trình khai thác, vận hành và quản lý các hồ bơi sau khi xây dựng. Đồng chí cũng đề nghị các ngành, địa phương triển khai nhiều hình thức khác để tổ chức dạy bơi cho HS trong và ngoài nhà trường nhằm tăng tỷ lệ HS biết bơi, giảm thiểu tai nạn đuối nước.


H.NGÂN