Sáng 19-2, tại Trường Đại học Khánh Hòa, hơn 4.000 học sinh lớp 12 của các trường Trung học phổ thông trên địa bàn tỉnh đã tham gia chương trình tư vấn tuyển sinh - hướng nghiệp 2017 do Báo Tuổi Trẻ phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo, Sở Giáo dục - Đào tạo, Tỉnh đoàn tổ chức.
Sáng 19-2, tại Trường Đại học Khánh Hòa, hơn 4.000 học sinh (HS) lớp 12 của các trường THPT trên địa bàn tỉnh đã tham gia chương trình tư vấn tuyển sinh - hướng nghiệp 2017 do Báo Tuổi Trẻ phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT), Sở GD-ĐT, Tỉnh đoàn tổ chức.
Tham gia chương trình có các chuyên gia của Bộ GD-ĐT, chuyên gia tư vấn đến từ nhiều trường đại học (ĐH) công lập lớn tại TP. Hồ Chí Minh và đại diện các trường ĐH, cao đẳng (CĐ) trên địa bàn tỉnh.
Học sinh đặt câu hỏi cho các chuyên gia |
Nghiên cứu kỹ các thông tin về kỳ thi
Trong chương trình, các chuyên gia đã cung cấp cho HS những thông tin chung nhất về kỳ thi THPT quốc gia và tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2017. Ông Nam Nhật Minh - Trưởng phòng Quản lý thi tuyển sinh và công nhận văn bằng, Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng GD (Bộ GD-ĐT) cho biết, kỳ thi THPT quốc gia năm nay có 5 bài thi, gồm 3 bài thi độc lập là Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ và 2 bài thi tổ hợp là Khoa học tự nhiên (tổ hợp các môn: Vật lý, Hóa học, Sinh học), Khoa học xã hội (tổ hợp các môn: Lịch sử, Địa lý, Giáo dục công dân). Giữa các phân môn của bài thi tổ hợp sẽ có thời gian nghỉ để thu lại giấy nháp và đề thi của phân môn đó; HS sẽ được phát giấy nháp mới và đề của phân môn tiếp theo. HS không phải nộp lại giấy nháp và đề của môn thi thành phần cuối cùng.
Ông Minh cũng lưu ý, HS đăng ký dự thi cùng với đăng ký xét tuyển ĐH, CĐ. Trong phiếu đăng ký dự thi có 4 phần, bao gồm thông tin cá nhân, các thông tin về bài thi hoặc môn thi, xét tốt nghiệp THPT, xét tuyển ĐH, CĐ. HS phải nghiên cứu kỹ trước khi đăng ký dự thi, đặc biệt về chế độ chính sách, ưu tiên, lựa chọn môn thi sở trường và nguyện vọng phù hợp theo thứ tự ưu tiên từ cao xuống thấp. Khác với năm trước, năm nay, việc xét tuyển ĐH, CĐ không hạn chế số nguyện vọng và số trường.
Về việc xét tốt nghiệp THPT năm 2017, TS. Nguyễn Đức Nghĩa - Phó Giám đốc ĐH Quốc gia TP. Hồ Chí Minh cho biết, năm nay, Bộ GD-ĐT tiếp tục xét tốt nghiệp dựa trên kết quả kỳ thi THPT quốc gia và điểm trung bình lớp 12. Hai năm trước, tỷ lệ tốt nghiệp của Khánh Hòa đều thấp hơn so với mức trung bình của cả nước. Cụ thể, năm 2015, tỷ lệ này là 85,36% (cả nước 91,58%); năm 2016 là 87,8% (cả nước 92,93%). Nguyên nhân là do điểm trung bình lớp 12 của HS thấp và nhiều em bị điểm liệt trong kỳ thi THPT quốc gia. Vì vậy, HS cần nỗ lực để đạt kết quả tốt hơn trong học kỳ 2 và lưu ý không để bị điểm liệt.
Ông Nghĩa nói, năm 2017, Bộ GD-ĐT vẫn giữ điểm sàn trong xét tuyển ĐH. So với mức điểm sàn của 2 năm trước là 15 điểm, tỉnh Khánh Hòa đạt kết quả khá tốt, trong đó có một số trường THPT có mức điểm trung bình cao như: chuyên Lê Quý Đôn (khoảng 20 điểm), Lý Tự Trọng (17,4 điểm). Năm 2017, nhiều trường ĐH ưu tiên xét tuyển thẳng HS đạt kết quả tốt trong kỳ thi THPT quốc gia. Chẳng hạn như ĐH Quốc gia TP. Hồ Chí Minh ưu tiên xét tuyển thẳng cho HS các trường THPT top 100 của cả nước, trong đó có Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn của Khánh Hòa. Một số trường ĐH khác ưu tiên xét tuyển HS các trường THPT top 200, trong đó có Trường THPT Lý Tự Trọng. Vì vậy, HS cần tìm hiểu thêm về thông tin này ở các trường để tăng cơ hội trúng tuyển.
Cân nhắc chọn ngành nghề
Tại chương trình, HS còn được tư vấn chuyên sâu theo từng nhóm ngành nghề: nhóm ngành khoa học xã hội, sư phạm, ngoại ngữ, luật, quân đội, công an, y dược; nhóm ngành kinh tế, tài chính, ngân hàng, quản trị kinh doanh; nhóm ngành khoa học kỹ thuật, công nghệ thông tin, xây dựng, giao thông, điện tử, nông lâm… Ngoài ra, HS còn có dịp gặp gỡ, trao đổi trực tiếp với các thầy cô trong ban tư vấn để tìm hiểu về các ngành đào tạo, thị trường lao động, nhóm ngành nghề thị trường lao động đang cần…
Trả lời một số vấn đề HS quan tâm tới việc tuyển sinh vào các ngành công an, quân đội, Thượng tá Nguyễn Văn Phương - Phó Trưởng phòng Tổ chức cán bộ Công an tỉnh cho biết, hiện nay, ngành công an chưa có quy chế tuyển sinh và hướng dẫn công tác tuyển sinh. Sau khi Bộ Công an ban hành quy chế, Công an tỉnh sẽ có thông báo về đối tượng, điều kiện tuyển sinh… đến các trường THPT, UBND các địa phương và thông tin trên báo chí. Về ngành quân đội, Thượng tá - TS Nguyễn Đình Thi - Trưởng phòng Đào tạo Trường Đại học Thông tin liên lạc lưu ý, HS thi vào trường quân đội sẽ phải làm hồ sơ sơ tuyển (thời gian từ ngày 1-3 đến 25-4) và hồ sơ đăng ký thi THPT quốc gia (từ ngày 1 đến 20-4).
Nhiều HS lo lắng về cơ hội việc làm đối với một số ngành có dấu hiệu bão hòa như: kinh tế, sư phạm…; trong khi đó, một số khác băn khoăn các ngành như: quản lý văn hóa, tâm lý học, công tác xã hội… có dễ xin việc làm hay không. Các chuyên gia khuyên, trước khi chọn ngành nghề, HS cần cân nhắc kỹ các yếu tố: sở thích, sở trường, cơ hội trúng tuyển và nhu cầu xã hội. Các em cũng nên tham khảo thông tin tuyển sinh được đăng tải trên website của các trường, trong đó có thông tin về chuẩn đầu ra để có lựa chọn phù hợp. Theo TS Phạm Tấn Hạ - Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn (ĐH Quốc gia TP. Hồ Chí Minh), các em cần tìm hiểu và suy nghĩ kỹ về ngành mà mình sẽ lựa chọn. Có một số ngành mới, xã hội đang cần, nhưng nếu HS không có sự yêu thích, say mê thì khó thành công được.
H.NGÂN
Phát biểu tại chương trình, ông Nguyễn Duy Bắc - Phó Chủ tịch UBND tỉnh: Chương trình tư vấn hướng nghiệp - tuyển sinh rất thiết thực đối với HS và hỗ trợ tích cực cho công tác hướng nghiệp của các thầy cô giáo, các bậc phụ huynh. Tôi được biết, nhiều năm qua, chương trình do Báo Tuổi Trẻ và Bộ GD-ĐT tổ chức được đông đảo HS và phụ huynh cả nước quan tâm, chờ đợi trước mỗi mùa thi và được tổ chức thành công ở Khánh Hòa. Thành công của chương trình thể hiện qua nội dung thông tin phong phú, kịp thời, phương thức tổ chức đa dạng, sử dụng phương tiện truyền thông linh hoạt, tạo ra được đầu mối thông tin hữu hiệu giữa các trường ĐH, CĐ, thầy cô giáo, phụ huynh và HS. Nhiều HS nhờ chương trình này đã chọn được ngành học phù hợp với sở trường và đạt kết quả trong học tập và thành công trong cuộc sống. Mong các em sẽ lựa chọn được ngành học phù hợp với sở trường để có bước khởi đầu thuận lợi trên con đường lập nghiệp.
_______________________________________________
Một trong những câu hỏi thu hút sự chú ý tại chương trình là: Nhiều người học ĐH xong chỉ đi làm thuê. Vậy lợi ích của việc học ĐH là gì và tấm bằng ĐH có thật sự cần thiết, có giá trị hay không? Chia sẻ vấn đề này, TS Trần Thế Hoàng (Trường ĐH Kinh tế TP. Hồ Chí Minh) cho rằng, tấm bằng ĐH là một trong những giấy thông hành quan trọng để các em bước vào đời. Việc học giúp các em có phương pháp suy luận, nhìn nhận vấn đề một cách khách quan; nâng cao giá trị về mặt nhận thức và xây dựng thái độ, hành vi ứng xử phù hợp. Không phải ai khởi nghiệp cũng thành công. Vì vậy, các em cần trang bị tốt cho bản thân những kiến thức và kỹ năng mềm để tạo nền tảng vững chắc khi bước vào cuộc sống. Nếu làm tốt công việc của mình, các em sẽ đóng góp cho gia đình, cộng đồng xã hội và có thể tạo việc làm cho nhiều người khác.