Nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả giáo dục thể chất và thể thao trường học, góp phần phát hiện, đào tạo năng khiếu và tài năng thể thao, mới đây, UBND tỉnh đã có quyết định phê duyệt Kế hoạch phát triển giáo dục thể chất và thể thao trường học tỉnh Khánh Hòa giai đoạn 2016 - 2020, định hướng đến năm 2025.
Nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả giáo dục thể chất và thể thao trường học, góp phần phát hiện, đào tạo năng khiếu và tài năng thể thao, mới đây, UBND tỉnh đã có quyết định phê duyệt Kế hoạch phát triển giáo dục thể chất và thể thao trường học tỉnh Khánh Hòa giai đoạn 2016 - 2020, định hướng đến năm 2025.
Thể dục, thể thao trường học được quan tâm
Toàn tỉnh hiện có 337 trường từ cấp tiểu học đến THPT. Đội ngũ giáo viên thể dục có 800 người, đảm bảo đủ cho công tác giáo dục thể chất ở tất cả các trường. Trong đó, các giáo viên có trình độ đúng chuẩn và trên chuẩn cho các cấp học; 714 giáo viên tốt nghiệp đúng chuyên ngành giáo dục thể chất. Những năm qua, việc giảng dạy môn thể dục chính khóa đều được các trường thực hiện theo đúng quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT). Đối với môn thể thao tự chọn cấp THCS, các trường thực hiện giảng dạy môn Vovinam - Việt võ đạo theo phân phối chương trình của Sở GD-ĐT từ năm học 2011 - 2012. Một số trường tổ chức học bơi cho học sinh thông qua giờ học môn thể thao tự chọn như: Trường THPT Lý Tự Trọng, THPT Nguyễn Văn Trỗi, iSchool Nha Trang (TP. Nha Trang), THPT Trần Hưng Đạo (TP. Cam Ranh). Theo thống kê của Sở GD-ĐT, tỷ lệ hoàn thành môn thể dục năm học 2015 - 2016 ở cấp tiểu học là 100%, THCS 99,91%, THPT 99,41%.
Một tiết học thể dục tại Trường THCS Thái Nguyên (TP. Nha Trang) |
Nhằm tạo điều kiện cho cán bộ, giáo viên, học sinh tham gia tập luyện và thi đấu giải thể thao các cấp, nhiều trường học còn xây dựng và duy trì các loại hình câu lạc bộ (CLB) thể dục thể thao tại trường học. Đến nay, trên địa bàn tỉnh có 903 CLB thể dục thể thao trường học, trong đó có 149 CLB bóng đá, 18 CLB bóng rổ, 151 CLB cầu lông, 161 CLB đá cầu, 79 CLB thể dục aerobic, 212 CLB cờ vua, 80 CLB bóng chuyền, 51 CLB bóng bàn… Ngoài ra, một trong những hoạt động nổi bật được các trường tích cực hưởng ứng là việc tham dự và tổ chức thành công hội khỏe Phù Đổng các cấp; qua đó phát hiện những cá nhân có năng khiếu để bồi dưỡng, đào tạo cho các đội tuyển thể thao của tỉnh. Tại Hội khỏe Phù Đổng toàn quốc lần IX, năm 2016, đoàn Khánh Hòa đã đạt thành tích đáng khích lệ khi giành được 30 huy chương các loại và xếp hạng 4/12…
Cần đầu tư hơn nữa
Bên cạnh một số kết quả đạt được, hoạt động giáo dục thể chất và thể thao học đường trên địa bàn tỉnh vẫn còn có những hạn chế, khó khăn, đặc biệt là về quỹ đất dành cho thể thao và trang thiết bị phục vụ dạy và học. Theo ông Lê Tuấn Tứ - Giám đốc Sở GD-ĐT, tổng diện tích đất dành cho thể thao ở các trường hơn 462.300m2; trong đó có 37 nhà tập đa năng, 32 phòng tập đa năng, 52 sân vận động, 820 sân tập ngoài trời… Ngoài việc sử dụng các công trình thể dục thể thao hiện có, một số trường còn tích cực vận động các tổ chức kinh tế, xã hội, đoàn thể… tham gia xây dựng cơ sở vật chất, trang thiết bị và dụng cụ thể dục thể thao cho nhà trường. Tuy nhiên, chưa có trường phổ thông nào của tỉnh có bể bơi và nhà tập luyện, thi đấu thể thao theo đúng quy chuẩn. Bên cạnh đó, do kinh phí hạn hẹp nên các trường chỉ tập trung mua sắm một số ít dụng cụ thể dục thể thao có giá trị lớn và khuyến khích giáo viên tăng cường tự làm đồ dùng dạy học phục vụ cho việc giảng dạy môn thể dục chính khóa, còn các hoạt động ngoại khóa chủ yếu huy động nguồn đóng góp từ học sinh, hội cha mẹ học sinh và các mạnh thường quân. Hoạt động của các CLB thể dục thể thao trường học cũng chưa thường xuyên, chủ yếu phục vụ cho việc tham gia hội khỏe Phù Đổng và giải thể thao phong trào các cấp…
Theo Kế hoạch phát triển giáo dục thể chất và thể thao trường học tỉnh Khánh Hòa giai đoạn 2016 - 2020, định hướng đến năm 2025 được UBND tỉnh phê duyệt mới đây, mục tiêu đề ra là đến năm 2020 có ít nhất 50% cơ sở tổ chức dạy bơi cho học sinh; 50% trường mầm non giới thiệu các môn võ thuật cổ truyền Việt Nam, 70% cơ sở giáo dục phổ thông tổ chức dạy hoặc phổ biến các môn võ thuật cổ truyền Việt Nam; phấn đấu 78% cơ sở giáo dục có CLB các môn thể thao dành cho học sinh và được duy trì hoạt động thường xuyên. Bên cạnh đó, có ít nhất 80% trường mầm non có sân chơi, phòng học giáo dục thể chất được trang bị đủ thiết bị, đồ chơi vận động tối thiểu cho trẻ em theo quy định; ít nhất 85% trường tiểu học, THCS và 95% trường THPT có sân tập; ít nhất 60% trường tiểu học, 70% trường THCS, 80% trường THPT có nhà tập đa năng được trang bị đạt tiêu chuẩn quy định.
Để đạt được mục tiêu đó, UBND tỉnh đã giao cho các sở, ngành thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp như: đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của các cấp, ngành, gia đình, nhà trường và xã hội đối với việc phát triển giáo dục thể chất và thể thao trường học; đổi mới mục tiêu, nội dung, phương pháp dạy và học, kiểm tra và đánh giá chất lượng giáo dục thể chất. Bên cạnh đó, tạo điều kiện thuận lợi về quỹ đất và việc đầu tư xây dựng cơ sở vật chất phục vụ giáo dục thể chất và thể thao trường học tại các địa phương; xây dựng quy hoạch, kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng, bảo đảm đủ số lượng và chuẩn hóa đội ngũ giáo viên; hoàn thiện cơ chế, chính sách, tạo môi trường pháp lý thuận lợi cho phát triển giáo dục thể chất, thể thao trường học và đẩy mạnh xã hội hóa giáo dục. Trên cơ sở kế hoạch được UBND tỉnh phê duyệt, Sở GD-ĐT đã chỉ đạo các đơn vị, trường học xây dựng kế hoạch thực hiện phù hợp với điều kiện thực tiễn của địa phương, đơn vị trong thời gian tới.
T.V