11:01, 19/01/2017

Cam Ranh: Nỗ lực xây dựng trường chuẩn quốc gia

Xây dựng trường học đạt chuẩn quốc gia là một chủ trương lớn mang tính chiến lược của ngành Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) nhằm chuẩn hóa cơ sở vật chất cũng như đội ngũ giáo viên, từng bước nâng cao chất lượng GD. Tại TP. Cam Ranh, những năm qua, công tác này luôn được chú trọng và đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ.

Xây dựng trường học đạt chuẩn quốc gia là một chủ trương lớn mang tính chiến lược của ngành Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) nhằm chuẩn hóa cơ sở vật chất cũng như đội ngũ giáo viên, từng bước nâng cao chất lượng GD. Tại TP. Cam Ranh, những năm qua, công tác này luôn được chú trọng và đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ.


Thực hiện đồng bộ các giải pháp


Những năm trước, tiến độ xây dựng trường học đạt chuẩn quốc gia của tỉnh nói chung và TP. Cam Ranh nói riêng tương đối chậm. Năm 2010, TP. Cam Ranh chỉ có 15/52 trường được công nhận đạt chuẩn quốc gia, chiếm gần 29%. Vì vậy, chất lượng các trường chưa đồng đều, tỷ lệ học sinh lưu ban, bỏ học, xếp loại học lực yếu kém còn cao, cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học còn nhiều khó khăn, chưa đáp ứng yêu cầu phát triển GD-ĐT. Ngoài nguyên nhân do điều kiện kinh tế các địa phương còn khó khăn, phải kể đến công tác chỉ đạo và triển khai thực hiện tại một số địa phương chưa quyết liệt. Một bộ phận cán bộ quản lý trường học chưa chủ động, sáng tạo, phần lớn còn trông chờ vào nguồn đầu tư của Nhà nước. Việc xây dựng cơ sở vật chất cho các nhà trường theo yêu cầu đạt chuẩn quốc gia chưa gắn chặt với công tác quy hoạch. Công tác xã hội hóa GD, sự phối hợp giữa các ban, ngành, đoàn thể chưa phát huy được nguồn lực đầu tư…

 

Học sinh Trường Tiểu học Cam Lộc 1, một trong những trường đạt chuẩn quốc gia của TP. Cam Ranh
Học sinh Trường Tiểu học Cam Lộc 1, một trong những trường đạt chuẩn quốc gia của TP. Cam Ranh


Trước thực tế đó, đẩy nhanh tiến độ xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia nhằm đáp ứng yêu cầu nâng cao chất lượng GD được TP. Cam Ranh xác định là mục tiêu mang tính đột phá đối với sự nghiệp GD, đồng thời là một trong những tiêu chí quan trọng trong tiến trình xây dựng nông thôn mới. Ông Nguyễn Văn Du - Trưởng phòng GD-ĐT thành phố cho biết, phòng đã tham mưu UBND thành phố xây dựng kế hoạch phát triển GD, điều chỉnh bổ sung hoàn chỉnh mạng lưới trường lớp đến năm 2020; phối hợp với các ngành liên quan và các xã, phường quy hoạch, sử dụng đất đảm bảo đủ điều kiện, diện tích xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia theo quy định. Đồng thời, điều tra thực trạng 5 tiêu chuẩn của trường chuẩn quốc gia làm cơ sở xây dựng kế hoạch cho cả giai đoạn và từng năm phù hợp với thực tế. Ngành GD thành phố cũng thực hiện các giải pháp rà soát, đánh giá, quy hoạch, bồi dưỡng để nâng cao năng lực của đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên. Mặt khác, chỉ đạo tốt hoạt động dạy, học và các phong trào thi đua nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả GD toàn diện; tranh thủ nguồn vốn của trung ương, tỉnh, các chương trình, dự án để đầu tư theo hướng tập trung, tránh dàn trải. Công tác xã hội hóa GD được đẩy mạnh, góp phần huy động các nguồn lực xã hội cho sự nghiệp GD trên địa bàn thành phố nói chung và công tác xây dựng trường chuẩn quốc gia nói riêng…


Phấn đấu năm 2018 có 90% trường đạt chuẩn quốc gia

 

Kết thúc năm học 2015 - 2016, toàn thành phố được tỉnh kiểm tra và công nhận 41/52 trường đạt chuẩn quốc gia, đạt tỷ lệ gần 79%. Tỷ lệ ở các cấp học đều cao hơn so với mặt bằng chung của tỉnh. Trong đó, mầm non có 11/18 trường, chiếm 61% (toàn tỉnh là 30,6%), tiểu học 17/21 trường, chiếm 81% (toàn tỉnh gần 39%), THCS đạt 13/13 trường, chiếm 100% (toàn tỉnh gần 61%). Ngành GD-ĐT thành phố phấn đấu đến năm 2018 sẽ hoàn thành chỉ tiêu đạt 90% trường đạt chuẩn quốc gia, trước 2 năm so với Nghị quyết Đảng bộ thành phố lần thứ XI, nhiệm kỳ 2015 - 2020 đề ra.

Nhờ sự quan tâm của các cấp, sự nỗ lực của ngành, những năm gần đây, sự nghiệp GD của TP. Cam Ranh đã có những bước tiến khá vững chắc, toàn diện, trong đó có sự phát triển nhanh về số lượng và chất lượng trường đạt chuẩn quốc gia. Quy mô cấp học, ngành học tiếp tục ổn định và phát triển, tỷ lệ huy động vào các lớp đầu cấp cao, tình trạng học sinh THCS bỏ học giảm dần. Riêng khối tiểu học, 5 năm liên tiếp không có học sinh bỏ học. Thành phố cũng giữ vững và duy trì tốt kết quả phổ cập mầm non cho trẻ 5 tuổi, phổ cập GD các cấp. Chất lượng dạy và học được nâng cao, công tác quản lý GD được tăng cường và đổi mới về nhiều mặt như: GD đạo đức, lối sống, kỹ năng sống, kỹ năng ứng xử văn minh. Phong trào viết sáng kiến kinh nghiệm, nghiên cứu khoa học, ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý và giảng dạy từng bước đi vào chiều sâu. Công tác chăm lo và đầu tư phát triển đội ngũ nhà giáo được quan tâm. Đến nay, đội ngũ giáo viên đã đủ về số lượng, đảm bảo cơ cấu bộ môn, được bố trí sắp xếp hợp lý theo loại hình trường với 100% giáo viên đạt chuẩn, trong đó 87% trên chuẩn; 100% cán bộ quản lý đạt trình độ trên chuẩn…


Chia sẻ về những kinh nghiệm trong công tác xây dựng trường chuẩn quốc gia, theo lãnh đạo Phòng GD-ĐT thành phố, trước hết, cần xác định đây là mục tiêu quan trọng và phải được quán triệt cả về nhận thức và hành động từ các cấp ủy đảng, chính quyền đến các đoàn thể, tổ chức, nhân dân. Bên cạnh đó, trong chỉ đạo phải có trọng tâm, trọng điểm, tránh đầu tư dàn trải, hiệu quả thấp. Việc thực hiện phải gắn chặt với mục tiêu phổ cập GD, chất lượng GD và các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, phát triển về số lượng đi cùng với chất lượng. Mặt khác, việc đầu tư xây dựng phải đảm bảo phù hợp với quy hoạch mạng lưới trường lớp gắn với đề án xây dựng nông thôn mới; hệ thống nhà trường phải được phân bổ hợp lý, vừa đáp ứng yêu cầu học tập của học sinh, phù hợp với phân bố dân cư lâu dài, vừa đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội.


T.V