Công tác giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống cho học sinh được ngành Giáo dục và Đào tạo xác định là một trong những nhiệm vụ trọng tâm. Nhiều giải pháp đồng bộ vừa được ngành triển khai để thực hiện hiệu quả hơn công tác này trong thời gian tới.
Công tác giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống cho học sinh (HS) được ngành Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) xác định là một trong những nhiệm vụ trọng tâm. Nhiều giải pháp đồng bộ vừa được ngành triển khai để thực hiện hiệu quả hơn công tác này trong thời gian tới.
Nhiều hoạt động sôi nổi
Một trong những hoạt động thiết thực được các trường hưởng ứng và tham gia tích cực trong năm học 2015 - 2016 là cuộc thi trực tuyến “Tuổi trẻ học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” do Bộ GD-ĐT phối hợp Ban Tuyên giáo Trung ương, Trung ương Đoàn tổ chức. Gần 3.300 HS của tỉnh đã cùng tham gia tìm hiểu về những lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với thế hệ trẻ; viết về những tấm gương tiêu biểu trong học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh; tìm hiểu những thành tựu trong sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc… Các phòng GD-ĐT huyện Cam Lâm, TP. Nha Trang, huyện Khánh Sơn là những đơn vị có số lượng HS dự thi đông. Đặc biệt, một HS của Trường THPT Trần Bình Trọng (huyện Cam Lâm) đã xuất sắc vượt qua hàng ngàn HS trên cả nước để giành giải nhất cuộc thi này.
Một tiết mục văn nghệ tại Trường THPT Nguyễn Văn Trỗi (TP. Nha Trang) |
Cùng với đó, thời gian qua, Sở GD-ĐT còn phối hợp với Tỉnh đoàn và các đơn vị tổ chức nhiều hoạt động cho HS như: phong trào “Khi tôi 18”, chương trình “Thắp sáng ước mơ tuổi trẻ Việt Nam”, chương trình “Rèn luyện đội viên”, hội thi Phụ trách sao giỏi và nhiều hoạt động đoàn - hội - đội khác. Các trường học cũng tích cực tổ chức các cuộc thi, hoạt động ngoại khóa, lồng ghép nội dung các môn học với các chuyến đi thực tế, tham quan các di tích lịch sử văn hóa... nhằm giáo dục cho HS tinh thần yêu nước, lòng tự hào về lịch sử, truyền thống dân tộc. Bên cạnh đó, các hoạt động như: “Tuần sinh hoạt công dân - HS đầu năm”, thi đua “Xây dựng trường học thân thiện, HS tích cực” đã trở thành những hoạt động thường xuyên trong các nhà trường với nhiều chương trình giao lưu, tọa đàm, văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao... sôi nổi. Qua đó, góp phần GD đạo đức, lối sống, bồi dưỡng lý tưởng cách mạng cho HS.
Triển khai đề án đến năm 2020
Thực hiện Đề án “Tăng cường GD lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống cho thanh niên, thiếu niên và nhi đồng giai đoạn 2015 - 2020” của UBND tỉnh, vừa qua, Sở GD-ĐT đã xây dựng kế hoạch triển khai trong toàn ngành. Ông Lê Tuấn Tứ - Giám đốc Sở GD-ĐT cho biết, ngành đặt ra mục tiêu phấn đấu 100% thanh niên, HS trên toàn tỉnh được tuyên truyền, học tập nghị quyết của các cấp ủy Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; 100% cơ sở GD xây dựng và thực hiện quy tắc, ứng xử văn hóa trong trường học, thành lập tổ tư vấn học đường, hỗ trợ cho HS; 100% HS tình nguyện tham gia các hoạt động xã hội, từ thiện... Đến năm 2020, phấn đấu có 250 đoàn viên ưu tú là cán bộ, viên chức, HS khối các trường THPT được giới thiệu cho Đảng, trong đó ít nhất 150 đoàn viên ưu tú được kết nạp Đảng.
Để thực hiện mục tiêu trên, ngành GD-ĐT sẽ tập trung đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, phổ biến về GD lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống cho HS. Đặc biệt, chuyên mục về nội dung này sẽ được xây dựng trên website của Sở GD-ĐT và tất cả các đơn vị, trường học để tuyên tuyền, vinh danh những gương người tốt, việc tốt. Bên cạnh đó, tiếp tục đổi mới nội dung, phương pháp và hình thức GD lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống cho HS. Ở cấp mầm non, sẽ tích hợp, lồng ghép trong các hoạt động chăm sóc, GD trẻ để hình thành và phát triển ý thức, hành vi, thói quen tốt trong gia đình, nhà trường và cộng đồng. Đối với GD phổ thông, sẽ lựa chọn các nội dung có giá trị và phù hợp với đặc điểm tâm sinh lý, tình cảm và sự phát triển của HS, của xã hội; đổi mới phương pháp giảng dạy các môn học Đạo đức và GD công dân, GD lý luận chính trị; bố trí thời lượng phù hợp cho hoạt động đoàn - hội - đội và các hoạt động trải nghiệm sáng tạo trong chương trình GD phổ thông mới.
Để các phong trào thi đua, các cuộc vận động của thanh niên, thiếu niên và nhi đồng ngày càng thiết thực và đi vào chiều sâu, ngành GD-ĐT hướng tới đề cao tính sáng tạo, tính hành động và tính GD qua việc thực hiện từng dự án, đề án, công trình thanh niên, tránh hình thức, phô trương và lãng phí. Định kỳ 6 tháng sẽ tiến hành kiểm tra, đánh giá kết quả thực hiện để phát triển, nhân rộng các phong trào có giá trị thực tiễn. Cùng với đó là việc nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ, giáo viên, giảng viên, cộng tác viên phụ trách công tác GD lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống cho HS; tăng cường sự phối hợp giữa nhà trường, gia đình, xã hội và đầu tư hơn nữa về cơ sở vật chất để tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao phục vụ nhu cầu vui chơi, giải trí lành mạnh của thanh niên, thiếu niên và nhi đồng.
T.V