So với bộ quy định về tiêu chuẩn đánh giá chất lượng giáo dục trường Đại học được Bộ GD&ĐT ban hành năm 2007, dự thảo thông tư mà Bộ GD&ĐT vừa ban hành có rất nhiều điểm mới.
So với bộ quy định về tiêu chuẩn đánh giá chất lượng giáo dục trường Đại học được Bộ GD&ĐT ban hành năm 2007, dự thảo thông tư mà Bộ GD&ĐT vừa ban hành có rất nhiều điểm mới.
Trong đó, số lượng tiêu chí và tiêu chuẩn đều tăng lên. Văn bản năm 2007 chỉ có 10 tiêu chuẩn với 61 tiêu chí, thì văn bản dự thảo có tới 25 tiêu chuẩn với 128 tiêu chí.
Điểm mới đầu tiên đó là các khái niệm được đưa ra trong dự thảo đều gần với giáo dục Đại học hiện tại như có tiêu chuẩn về hệ thống quản trị, quản trị chiến lược, quản lý nguồn nhân lực, quản lý nghiên cứu khoa học, quản lý tài sản trí tuệ…
Bỏ tiêu chí trên 50% người tốt nghiệp tìm được việc làm đúng ngành
Nếu như trong bộ tiêu chuẩn cũ, người học được tách riêng thành một tiêu chuẩn với 9 tiêu chí thì trong dự thảo mới, người học không còn đứng ở tiêu chuẩn độc lập mà được lồng vào các tiêu chuẩn khác nhau.
Tuy nhiên, bóng dáng của người học được thể hiện rõ nhất ở tiêu chuẩn 22: kết quả đào tạo. Điểm đáng chú ý nhất trong văn bản cũ là tiêu chí người học có khả năng tìm việc làm và tự tạo việc làm sau khi tốt nghiệp. Trong năm đầu, sau khi tốt nghiệp, trên 50% người tốt nghiệp làm đúng ngành được đào tạo.
Trong dự thảo mới, tiêu chí này không còn mà thay bằng tiêu chí khả năng có việc làm của người học tốt nghiệp của tất cả các chương trình đào tạo được xác lập, giám sát và đối sánh để cải tiến; Mức độ hài lòng của các bên liên quan về chất lượng của người học tốt nghiệp được xác lập, giám sát và đối sánh để cải tiến.
Trong dự thảo mới cũng bỏ tiêu chí người học được tham gia đánh giá chất lượng giảng dạy của giảng viên khi kết thúc môn học, được tham gia đánh giá chất lượng đào tạo của trường ĐH trước khi tốt nghiệp.
7 mức đánh giá
Quy định này được đánh giá theo thang đánh giá 7 mức (tương ứng với 7 điểm) như mức 1: Hoàn toàn không đáp ứng yêu cầu tiêu chí. Cần thực hiện cải tiến chất lượng ngay;
Mức 2: Chưa đáp ứng yêu cầu tiêu chí, cần có thêm nhiều cải tiến chất lượng;
Mức 3: Chưa đáp ứng yêu cầu tiêu chí nhưng chỉ cần một vài cải tiến nhỏ sẽ đáp ứng được yêu cầu;
Mức 4: Đáp ứng đầy đủ yêu cầu tiêu chí;
Mức 5: Đáp ứng cao hơn yêu cầu tiêu chí;
Mức 6: Thực hiện tốt như một hình mẫu của quốc gia;
Mức 7: Thực hiện xuất sắc (đạt mức của các trường hàng đầu thế giới
Trong khi đó, theo quy định cũ, cơ sở giáo dục được công nhận đạt tiêu chuẩn chất lượng giáo dục khi đáp ứng 4 điều kiện: có ít nhất một khóa sinh viên tốt nghiệp;
Đã được đánh giá ngoài và có văn bản đề nghị tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục xem xét công nhận đạt tiêu chuẩn chất lượng giáo dục;
Kết quả đánh giá ngoài, nội dung nghị quyết và kiến nghị của Hội đồng kiểm định chất lượng giáo dục được công bố công khai trên trang thông tin điện tử của tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục;
Cơ sở giáo dục có ít nhất 80% số tiêu chí đạt yêu cầu, trong đó mỗi tiêu chuẩn có ít nhất một tiêu chí đạt yêu cầu theo kết quả đánh giá chất lượng giáo dục của Hội đồng kiểm định chất lượng giáo dục.
Theo Tiền phong