10:11, 18/11/2016

Xây dựng đội ngũ nhà giáo đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục

Nhân dịp kỷ niệm ngày Nhà giáo Việt Nam 20-11, phóng viên Báo Khánh Hòa phỏng vấn bà Hoàng Thị Lý - Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh.

Nhân dịp kỷ niệm ngày Nhà giáo Việt Nam 20-11, phóng viên Báo Khánh Hòa phỏng vấn bà Hoàng Thị Lý - Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) tỉnh.


- Thưa bà, bà đánh giá như thế nào về thực trạng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý GD trên địa bàn tỉnh hiện nay?


- Hiện nay, toàn ngành GD tỉnh có tổng số 22.137 cán bộ quản lý, giáo viên (GV) và nhân viên, trong đó cán bộ quản lý 1.170 người, 15.612 GV, 5.355 nhân viên. Tỷ lệ GV ở các cấp học như sau: mầm non 1,74 GV/lớp; tiểu học 1,5 GV/lớp; THCS 1,91 GV/lớp; THPT 2,24 GV/lớp. Ngành đã triển khai tốt công tác đào tạo, bồi dưỡng nhằm nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho cán bộ quản lý, GV các cấp. Đến nay, gần 100% GV đạt chuẩn, tỷ lệ trên chuẩn là 77%. Nhìn chung, số lượng nhà giáo và cán bộ quản lý GD trên địa bàn tỉnh cơ bản đáp ứng đủ nhu cầu dạy và học ở các cấp. Chất lượng đội ngũ cũng ngày càng được nâng lên. Nhiều cán bộ quản lý, GV đã nỗ lực vượt khó, không ngừng trau dồi, học tập nhằm nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, tích cực đổi mới phương pháp quản lý, phương pháp dạy học, đóng góp vào sự nghiệp phát triển GD-ĐT của tỉnh.


- Những năm qua, ngành GD-ĐT tỉnh đã thực hiện các chế độ, chính sách như thế nào đối với đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý GD nói chung và ở vùng sâu, vùng xa nói riêng, thưa bà?


- Sở GD-ĐT và các đơn vị trong toàn ngành đã thực hiện đầy đủ, kịp thời, minh bạch các chế độ chính sách của Nhà nước đối với nhà giáo và cán bộ quản lý GD. Bên cạnh đó, tỉnh còn thực hiện chính sách thu hút bằng chế độ hỗ trợ tiền thuê nhà ở 700.000 đồng/tháng (hưởng trong 5 năm) cho GV đang công tác tại các trường THPT, trung tâm GD thường xuyên và hướng nghiệp của 2 huyện miền núi Khánh Sơn, Khánh Vĩnh. Đối với GV dạy các lớp chuyên tại Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn (TP. Nha Trang), tỉnh hỗ trợ 50% mức lương theo ngạch, bậc đang hưởng. Ngoài ra, những GV được cử đi học sau đại học được tỉnh hỗ trợ bảo vệ luận án thạc sĩ 35 triệu đồng (nếu là người dân tộc thiểu số được hỗ trợ 45 triệu đồng); tiến sĩ 50 triệu đồng (nếu là người dân tộc thiểu số được hỗ trợ 60 triệu đồng) và các khoản trợ cấp thêm trong thời gian đi học như: trợ cấp lưu trú, tiền tàu xe, tài liệu…

 

Cô và trò Trường THCS Thái Nguyên (TP. Nha Trang)
Cô và trò Trường THCS Thái Nguyên (TP. Nha Trang)


- Theo bà, những mục tiêu về đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT đặt ra yêu cầu, thách thức như thế nào đối với đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý GD hiện nay?


- Nếu xét trên bình diện trình độ đào tạo của GV trên địa bàn tỉnh thì việc thực hiện Nghị quyết 29 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT không phải là khó khăn lớn. Tuy nhiên, để 100% GV đạt chuẩn chức danh nghề nghiệp theo quy định hiện hành thì vẫn còn nhiều khó khăn; đó là tiêu chuẩn về trình độ tin học và ngoại ngữ. Theo quy định, GV phải có trình độ ngoại ngữ theo khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam; hoặc có chứng chỉ tiếng dân tộc đối với những vị trí việc làm yêu cầu sử dụng tiếng dân tộc; có trình độ tin học đạt chuẩn kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin cơ bản theo quy định Chuẩn kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin của Bộ Thông tin và Truyền thông. Song hiện nay, các cơ sở đào tạo được quyền cấp chứng chỉ ngoại ngữ theo khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam rất ít (cả nước hiện chỉ có 10 đơn vị); việc tổ chức thi chứng chỉ theo quy định Chuẩn kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin cũng chưa được triển khai phổ biến trên địa bàn tỉnh.


Bên cạnh đó, hiện vẫn còn một bộ phận nhà giáo và cán bộ quản lý GD không theo kịp sự phát triển của kinh tế - xã hội và khoa học công nghệ. Một số nơi còn chạy theo bệnh thành tích, bằng cấp; một số nhà giáo và cán bộ quản lý chưa tâm huyết, thậm chí còn có một số GV vi phạm đạo đức nghề nghiệp… Đây là những vấn đề tồn tại đòi hỏi ngành GD tỉnh phải nỗ lực hơn nữa để thực hiện các mục tiêu đề ra.


- Vậy trong thời gian tới, ngành GD tỉnh tập trung thực hiện giải pháp gì nhằm nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý GD, thưa bà?


- Thời gian tới, ngành GD-ĐT tập trung thực hiện kế hoạch của UBND tỉnh về đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý GD đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện GD phổ thông trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2016 - 2020, định hướng đến năm 2025. Theo đó, các nhiệm vụ và giải pháp đặt ra là: đổi mới công tác quản lý, chỉ đạo, truyền thông về hoạt động đào tạo, bồi dưỡng cho đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý GD; tích cực đổi mới nội dung, phương pháp, hình thức tổ chức dạy học, kiểm tra, đánh giá trong đào tạo, bồi dưỡng; nâng cao năng lực đội ngũ giảng viên, cán bộ quản lý GD; nâng cấp, hỗ trợ các điều kiện về cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ công tác này. Ngành cũng sẽ tăng cường hợp tác với các địa phương và các trường đại học để đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ nhà giáo công tác tại trường chuyên nhằm nâng cao chất lượng GD mũi nhọn của tỉnh. Mặt khác, tiếp tục thực hiện tốt các chế độ, chính sách đối với nhà giáo và quan tâm hơn nữa tới các GV công tác ở miền núi, hải đảo, vùng sâu, vùng xa...


- Xin cảm ơn bà!


K.D (Thực hiện)