Những năm qua, công tác phân luồng học sinh sau tốt nghiệp THCS, THPT đã đạt được một số kết quả tích cực. Tuy nhiên, do nhận thức xã hội về nghề nghiệp chưa cao nên việc phân luồng còn không ít khó khăn cần tháo gỡ.
Những năm qua, công tác phân luồng học sinh (HS) sau tốt nghiệp THCS, THPT đã đạt được một số kết quả tích cực. Tuy nhiên, do nhận thức xã hội về nghề nghiệp chưa cao nên việc phân luồng còn không ít khó khăn cần tháo gỡ.
Kết quả tích cực
Nhằm thực hiện tốt nhiệm vụ giáo dục thường xuyên (GDTX) - hướng nghiệp và định hướng kỹ năng nghề nghiệp cho HS, thời gian qua, Sở Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) đã tham mưu cho UBND tỉnh thực hiện hợp nhất các trung tâm GDTX với trung tâm kỹ thuật tổng hợp, hướng nghiệp huyện, thị xã, thành phố để thành lập các trung tâm GDTX và hướng nghiệp. Đến nay, 8 trung tâm đã được củng cố, kiện toàn và đi vào hoạt động ổn định.
Học sinh thi nghề phổ thông |
Bên cạnh đó, Sở GD-ĐT còn tập trung vào công tác tuyên truyền, tư vấn hướng nghiệp cho HS lớp 9 và 12. Bước đầu cho thấy, từ kỳ tuyển sinh đại học năm 2014, nhiều HS có học lực trung bình, yếu đã được các trường động viên, tư vấn không thi tuyển cao đẳng, đại học mà chọn ngay con đường học nghề và trung cấp chuyên nghiệp tại địa phương. Nhờ đó, số HS theo học các cơ sở GD nghề nghiệp đã tăng so với trước. Cụ thể, năm học 2015 - 2016, số HS tốt nghiệp THCS là 16.646 em. Trong đó, có gần 74,6% số HS trúng tuyển vào lớp 10 năm học 2016 - 2017, gần 14% em đăng ký nhập học tại các cơ sở GD nghề nghiệp, tăng gần 3% so với năm trước. Trong khi đó, số HS tốt nghiệp THPT là 9.726 em, tỷ lệ đăng ký vào học tại các cơ sở GD nghề nghiệp năm học này là 22,9%, tăng 0,33% so với năm trước.
Còn bất cập
Tuy vậy, trung bình hàng năm vẫn có khoảng 3.000 HS sau khi học hết THCS không đi học trung cấp chuyên nghiệp hoặc trường nghề mà trở thành lao động phổ thông. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh, hoạt động của một số trung tâm, cơ sở đào tạo nghề tư nhân hoặc của các doanh nghiệp khá phát triển, trong đó chủ yếu phổ biến là các ngành: dịch vụ du lịch, sửa chữa máy móc, xe cộ... Theo thống kê của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, từ năm 2010 đến nay, các cơ sở này đã tuyển sinh đào tạo được hơn 95.000 người. Tỷ lệ HS học nghề tốt nghiệp tìm được việc làm, tự tạo việc làm khá ổn định, đạt từ 70 đến 90%. Tuy nhiên, các cơ sở này chủ yếu đào tạo các lớp ngắn hạn và mới chỉ trang bị kiến thức cơ bản về nghề nên chất lượng nguồn lao động không được đảm bảo.
Theo ông Đỗ Thành Trung - Phó Trưởng phòng GDTX - Chuyên nghiệp (Sở GD-ĐT), khó khăn, thách thức đầu tiên đối với công tác phân luồng HS sau trung học hiện nay là xã hội chưa có sự đồng thuận cao, vì tâm lý khoa cử vẫn còn ăn sâu trong nếp nghĩ. Phần lớn phụ huynh chưa sẵn sàng với việc cho con em mình nghỉ học phổ thông ở độ tuổi 15 - 16 để rẽ sang con đường học nghề. Nhiều HS rớt đại học năm đầu lại thi tiếp năm 2, năm 3; đến khi không còn hy vọng nữa mới đi học nghề. Bên cạnh đó, các cơ sở đào tạo trung cấp chuyên nghiệp và đào tạo nghề tuy đã được đầu tư mở rộng nhưng chưa thực sự tạo được sức thu hút HS; vấn đề giải quyết đầu ra cho học viên chưa được quan tâm thỏa đáng nên nhiều HS sau khi học nghề không tìm được việc làm. Mặt khác, công tác hướng nghiệp tại các trường THCS chưa được coi trọng; sự đầu tư của Nhà nước và xã hội để phát triển GD nghề nghiệp còn hạn chế. Chưa kể, đa số nhà tuyển dụng đặt ra yêu cầu đối với người dự tuyển là phải tốt nghiệp THPT, cao đẳng, đại học dẫn đến việc HS sau khi tốt nghiệp THCS vẫn muốn học tiếp THPT, gây khó khăn cho việc phân luồng…
Cần sự phối hợp đồng bộ
Có thể nói, công tác phân luồng cho HS sau trung học có ý nghĩa rất quan trọng, bởi nó tạo nền tảng cho việc chuẩn bị nguồn nhân lực có chất lượng, đáp ứng yêu cầu phát triển theo xu thế của đất nước. Vì vậy, đây không phải là việc của riêng ngành GD mà cần có sự phối hợp của các ngành, địa phương. Để thực hiện mục tiêu đến năm 2020 có ít nhất 30% HS sau khi tốt nghiệp THCS đi học trung cấp chuyên nghiệp và trung cấp nghề, theo ông Đỗ Thành Trung, trước hết, phải tăng cường tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức xã hội về nghề nghiệp. Theo đó, cần cho HS thấy được lao động ở lĩnh vực nào cũng cần thiết, được kính trọng và đãi ngộ xứng đáng nếu có tay nghề cao và làm việc hết mình. Từ nhận thức đúng đắn về nghề nghiệp, HS sẽ nhận thức được việc sau khi tốt nghiệp THCS, THPT đi theo các hướng khác nhau là bình thường và hợp lý. Các trường học cũng cần liên kết với các cơ sở GD nghề nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh… để tổ chức những buổi hội thảo, hoạt động tư vấn, giới thiệu và tuyên truyền nghề... cho HS lớp 9, lớp 12, giúp các em hiểu rõ khả năng của bản thân và điều kiện gia đình để lựa chọn hướng đi phù hợp.
Về phía các cơ sở đào tạo nghề, Sở GD-ĐT đã đặt ra yêu cầu cần nâng cao chất lượng đào tạo, xác định nguyên tắc đào tạo theo nhu cầu, đào tạo có địa chỉ; xác định danh sách doanh nghiệp, đơn vị là đối tác chiến lược ổn định lâu dài trong việc tiếp nhận nguồn nhân lực đã được đào tạo. Đồng thời, đa dạng hóa ngành nghề phù hợp với địa phương; có chính sách khuyến khích cho người học đi vào luồng GD nghề nghiệp, thể hiện ở chế độ tuyển sinh, chế độ học bổng và học phí. Ngoài ra, cần tăng cường đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn đội ngũ giáo viên làm công tác hướng nghiệp, dạy nghề...
H.NGÂN