10:11, 09/11/2016

Nâng cao chất lượng dạy nghề phổ thông

Dạy nghề phổ thông là một trong những nội dung chính, góp phần quan trọng thực hiện mục tiêu hướng nghiệp, phân luồng học sinh sau THCS và THPT. Tuy nhiên, hiện nay, hoạt động này vẫn chưa đạt hiệu quả như mong đợi.

Dạy nghề phổ thông là một trong những nội dung chính, góp phần quan trọng thực hiện mục tiêu hướng nghiệp, phân luồng học sinh (HS) sau THCS và THPT. Tuy nhiên, hiện nay, hoạt động này vẫn chưa đạt hiệu quả như mong đợi.


Còn nhiều khó khăn, hạn chế


Nhiều năm qua, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) đã có quy định về việc dạy nghề trong các trường phổ thông. Theo đó, hoạt động GD nghề phổ thông ở cấp THCS là nội dung GD tự chọn (dành cho HS lớp 8, 9) với thời lượng 70 tiết (2 tiết/tuần); ở cấp THPT là nội dung GD bắt buộc với thời lượng 105 tiết (3 tiết/tuần). Bộ GD-ĐT đã ban hành tài liệu dạy học 12 nghề phổ thông gồm: làm vườn, nuôi cá, trồng rừng, gò, điện dân dụng, điện tử dân dụng, sửa chữa xe máy, cắt may, nấu ăn, thêu tay, tin học văn phòng, kinh doanh. Ngoài ra, Sở GD-ĐT tỉnh còn tổ chức biên soạn, thẩm định tài liệu và triển khai dạy nghề làm hoa sau khi được Bộ GD-ĐT chấp thuận.

 

Học sinh tham dự kỳ thi nghề phổ thông năm 2016
Học sinh tham dự kỳ thi nghề phổ thông năm 2016


Nhiều ý kiến cho rằng, việc dạy học cũng như tổ chức các kỳ thi nghề trong thời gian qua còn bộc lộ nhiều hạn chế, bất cập. HS học nghề phổ thông chủ yếu chỉ mang tính hình thức, đối phó nhằm lấy chứng chỉ nghề để được cộng điểm khuyến khích khi xét tuyển vào lớp 10 hoặc xét tốt nghiệp THPT. Chương trình dạy nghề còn nặng về lý thuyết; điều kiện, cơ sở vật chất để HS thực hành chưa đảm bảo. Tình trạng dạy “chay”, học “chay” tương đối phổ biến nên HS ít hứng thú. Công tác tổ chức thi nghề hàng năm còn nặng quan điểm tạo điều kiện cho HS có thêm điểm khuyến khích trong các kỳ xét tuyển.


Theo ông Phan Văn Minh - Giám đốc Trung tâm GD thường xuyên và hướng nghiệp tỉnh, tuy trung tâm có bộ phận tư vấn hướng nghiệp cho HS nhưng hoạt động chưa đi vào chiều sâu. Một trong những khó khăn hiện nay là thiếu lực lượng giáo viên (GV) trẻ dạy nghề phổ thông, đặc biệt là nghề cơ khí và nữ công, trong khi các GV lớn tuổi đã hoặc sắp nghỉ hưu. Trong tương lai, tình hình đội ngũ GV sẽ còn khó khăn hơn nữa bởi nguồn tuyển rất hạn hẹp, nhiều GV có bằng cấp không muốn tham gia dạy nghề phổ thông. Bên cạnh đó, cơ sở vật chất phục vụ dạy và học đã cũ, lạc hậu, chưa đáp ứng yêu cầu thực hành, nâng cao chất lượng dạy nghề…


Phối hợp để nâng cao chất lượng


Ông Trần Ngọc Anh - Trưởng phòng GD thường xuyên - chuyên nghiệp (Sở GD-ĐT) cho biết, việc dạy nghề phổ thông rất quan trọng nhằm chuẩn bị cho HS một số hiểu biết, kỹ năng lao động để nếu không tiếp tục học lên, các em có thể tham gia lao động sản xuất tại gia đình, cộng đồng hoặc các doanh nghiệp. Đồng thời, nhằm nâng cao hiệu quả công tác hướng nghiệp và góp phần phân luồng HS sau khi tốt nghiệp THCS, THPT. Thực hiện chỉ đạo của Bộ GD-ĐT, mới đây, Sở GD-ĐT đã yêu cầu các cơ sở có đào tạo trung cấp chuyên nghiệp (TCCN), các phòng GD-ĐT và các đơn vị trực thuộc phối hợp để thực hiện GD nghề nghiệp, đào tạo kỹ năng nghề cho HS từ năm học 2016 - 2017.


Cụ thể, các phòng GD-ĐT và đơn vị trực thuộc sở cần tổ chức hướng dẫn HS đăng ký tham gia học các kỹ năng nghề được quy định trong chương trình GD phổ thông tùy theo điều kiện và nhu cầu người học, hoặc lựa chọn các kỹ năng nghề nghiệp khác dưới sự hướng dẫn, giúp đỡ của GV. Bên cạnh đó, sở yêu cầu các trường và cơ sở đào tạo TCCN phối hợp xây dựng kế hoạch giảng dạy, đáp ứng các điều kiện đảm bảo chất lượng để thực hiện hiệu quả việc đào tạo kỹ năng nghề nghiệp cho HS. Sau khi hoàn thành chương trình học, các cơ sở có đào tạo TCCN sẽ cấp giấy chứng nhận cho HS để các em được công nhận trên thị trường lao động, được miễn trừ các nội dung này nếu có nguyện vọng học tiếp chương trình TCCN sau khi tốt nghiệp THCS, THPT. Mặt khác, các đơn vị cần phối hợp tổ chức nhiều buổi nói chuyện, tư vấn hướng nghiệp và các hoạt động hướng nghiệp đa dạng như: cho HS tham quan cơ sở đào tạo, các nhà máy, xưởng sản xuất…


Đối với các trung tâm GD thường xuyên và hướng nghiệp, thời gian tới, Sở GD-ĐT sẽ tiếp tục củng cố, kiện toàn đội ngũ cán bộ quản lý, GV, nhân viên và có kế hoạch đầu tư về cơ sở vật chất, trang thiết bị để tổ chức hoạt động có hiệu quả. Sở cũng yêu cầu các trung tâm nâng cao hơn nữa chất lượng GD nghề phổ thông, trong đó khuyến khích dạy các nghề truyền thống của địa phương; đa dạng hóa các hình thức tư vấn hướng nghiệp. Đồng thời, xây dựng kế hoạch triển khai GD khởi nghiệp nhằm khơi dậy tinh thần tự tạo việc làm, tự thân lập nghiệp và cung cấp cho HS những kiến thức, kỹ năng cần có để khởi nghiệp thành công.


Ông Phan Văn Minh cho biết: “Hiện nay, hàng tuần, trung tâm triển khai 1 tiết dạy chuyên đề kỹ năng sống để định hướng cho HS về việc tự thân lập nghiệp. Thời gian tới, trung tâm sẽ phối hợp với các trường phổ thông tuyên truyền nâng cao nhận thức cho HS và phụ huynh về hướng nghiệp; đồng thời xây dựng quy chế cụ thể trong quản lý HS, tăng cường nề nếp dạy và học. Bên cạnh đó, mở rộng liên kết với các đơn vị, doanh nghiệp để HS học nghề có nhiều cơ hội tham quan, thực hành…”.


H.NGÂN