09:11, 10/11/2016

Giúp trẻ phát triển thể chất

Qua 3 năm triển khai, chuyên đề "Nâng cao chất lượng giáo dục phát triển vận động cho trẻ trong trường mầm non giai đoạn 2013 - 2016" đã tạo điều kiện cho trẻ phát triển thể chất, rèn luyện sự khéo léo, dẻo dai và giúp trẻ thêm tự tin, mạnh dạn.

Qua 3 năm triển khai, chuyên đề “Nâng cao chất lượng giáo dục phát triển vận động cho trẻ trong trường mầm non (MN) giai đoạn 2013 - 2016” đã tạo điều kiện cho trẻ phát triển thể chất, rèn luyện sự khéo léo, dẻo dai và giúp trẻ thêm tự tin, mạnh dạn.


Tạo điều kiện cho trẻ vận động


Để thực hiện chuyên đề, hầu hết các trường MN trên địa bàn tỉnh đã quy hoạch lại sân vườn, tạo dựng cơ sở vật chất, thiết bị, đồ chơi cho trẻ vận động. Nhiều trường khai thác tốt khu vui chơi ngoài trời, phòng thể chất, sảnh, sân hoặc hành lang để trẻ được vận động an toàn. Đồng thời, tận dụng tối đa các nguồn nguyên liệu sẵn có của địa phương và gần gũi với trẻ để tạo nên các đồ chơi phát triển vận động. Trong năm học 2015 - 2016, toàn tỉnh có 11 trường xây mới phòng thể chất với kinh phí hơn 5 tỷ đồng; 87 trường xây mới khu thể chất với tổng kinh phí gần 2 tỷ đồng; 4.130 bộ đồ dùng đồ chơi được trang bị với tổng kinh phí 13,3 tỷ đồng.

 

Các bé Trường Mầm non Cam Phúc Nam với trò chơi dân gian
Các bé Trường Mầm non Cam Phúc Nam với trò chơi dân gian


Cô Lưu Thị Huyền Vân - Hiệu trưởng Trường MN Cam Phúc Nam (TP. Cam Ranh) cho biết, trường đã tham mưu các cấp trang bị đồ dùng, đồ chơi ngoài trời như: xích đu, thang leo, cầu thăng bằng; đồng thời vận động các phụ huynh, đơn vị quân đội hỗ trợ ngày công và vật liệu làm khu phát triển thể chất cho trẻ. 3 năm qua, trường đã đầu tư trang thiết bị, xây khu thể chất, phòng thể chất với tổng kinh phí 467 triệu đồng. Các giáo viên đã chủ động xây dựng môi trường hoạt động cho trẻ, tận dụng nhiều nguyên vật liệu để tạo thêm các đồ chơi, tích cực sưu tầm, tổ chức các trò chơi dân gian, trò chơi vận động. Qua đó, giúp trẻ thêm hứng thú, tăng cường các kỹ năng vận động và giúp cơ thể trẻ phát triển cân đối. Hàng năm, số trẻ suy dinh dưỡng giảm 70% so với đầu năm và có gần 87% trẻ đạt về lĩnh vực phát triển thể chất.


Với diện tích sân chơi trên 3.000m2 và gần 50 đồ chơi ngoài trời, Trường MN Hương Sen (TP. Nha Trang) đã thiết kế các khu vực vui chơi phù hợp với từng độ tuổi, bao gồm sân bóng mini; khu vận động trên cát… Bồn hoa được thiết kế tạo thành ghế để trẻ ngồi và bục cao để trẻ đi thăng bằng, bước lên xuống; các giàn hoa được tận dụng để treo các con thú, quả bóng nhựa để trẻ nhảy cao. Các phụ huynh còn ủng hộ hơn 50 lốp xe để nhà trường sáng tạo đồ chơi cho trẻ trải nghiệm vận động. Cô Lê Hồ Uyên Trang - giáo viên nhà trường cho biết, với mỗi đồ chơi, giáo viên lại khai thác nhiều dạng bài tập vận động khác nhau và thường xuyên đổi mới cách hướng dẫn trẻ vận động như: tổ chức dưới dạng trò chơi, thi đua, các hội thi để trẻ “học mà chơi, chơi mà học”.   


Ngoài việc rèn luyện vận động thô, nhiều trường còn chú trọng tới việc rèn luyện vận động tinh cho trẻ. Theo cô Lê Thị Hoàng Thúy Nga - giáo viên Trường MN Diên An (huyện Diên Khánh) , các giáo viên đã sưu tầm, tìm các nguyên liệu khác nhau để dạy trẻ sử dụng các loại dây, giúp trẻ phát triển các cử động của bàn tay, ngón tay, sự phối hợp tay, mắt và rèn luyện sự khéo léo, tính chịu khó.  


Nâng cao chất lượng các hoạt động


Theo đánh giá của Sở Giáo dục và Đào tạo, qua 3 năm triển khai chuyên đề, đến nay, hầu hết các giáo viên đã biết lồng ghép, tích cực giáo dục phát triển vận động vào các hoạt động vui chơi và nhiều hoạt động giáo dục khác nhằm tăng thời lượng vận động cho trẻ. Hệ thống các bài tập được kết hợp hài hòa, giúp trẻ rèn luyện sự nhanh nhẹn, khéo léo và thêm tự tin, mạnh dạn. Nhiều trường tổ chức các hoạt động vui chơi, giao lưu giữa các lớp… để tạo thêm sân chơi cho các bé. Qua đó, giúp phụ huynh nhận thức đầy đủ hơn về sự cần thiết phải tăng cường vận động cho trẻ. Tuy nhiên, việc thực hiện chuyên đề cũng còn những hạn chế nhất định. Cơ sở vật chất, trang thiết bị, đồ chơi phát triển vận động chưa đáp ứng đầy đủ nhu cầu của trẻ. Toàn tỉnh có hơn 50% đơn vị chưa có phòng thể chất hoặc khu thể chất không có mái che nên vào mùa mưa, việc tổ chức các hoạt động gặp nhiều khó khăn. Một số đơn vị cũng chưa có sự đầu tư đúng mức về thiết bị, đồ chơi vận động, khu thể chất dành riêng cho trẻ độ tuổi nhà trẻ; hình thức tổ chức hoạt động chưa thật phong phú, chưa tạo thói quen cho trẻ tham gia vào mọi hoạt động một cách chủ động và tích cực; chưa xây dựng được những hoạt động thể chất thường xuyên như: bơi, tập võ, múa, aerobic…


Bà Phan Thị Chiến - Phó Trưởng phòng Giáo dục MN (Sở Giáo dục và Đào tạo) cho biết, thời gian tới, sở sẽ tiếp tục đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị, đồ chơi cho trẻ phát triển vận động cho các đơn vị từ nhiều nguồn kinh phí khác nhau, đặc biệt là đồ chơi dành cho trẻ nhà trẻ. Ở những nơi có sân chơi rộng, có điều kiện, cần đầu tư các khu vui chơi cho trẻ theo hướng hiện đại với thiết bị đồ chơi phát triển thể lực phù hợp, tạo cơ hội vận động tốt nhất cho trẻ để phấn đấu tăng chiều cao bình quân trên trẻ mỗi năm ít nhất từ 1 đến 2cm. Bên cạnh đó, nâng cao chất lượng giáo dục phát triển vận động cho trẻ bằng cách đa dạng hóa các hình thức tổ chức, tăng thời lượng vận động, tăng cường hệ thống bài tập; nâng cao kỹ năng tổ chức các hoạt động phát triển vận động cho giáo viên. Đồng thời, tiếp tục tuyên truyền đến các phụ huynh và cộng đồng để tăng cường sự phối hợp với nhà trường trong công tác chăm sóc, giáo dục trẻ.

T.V